Tuy nhiên, trong năm nay, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, việc bán bảo hiểm học sinh theo “mô hình công văn” không còn “dễ xơi”.
Cũng như những năm trước, trước mùa khai giảng vài tháng là đội sale của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có triển khai bảo hiểm học sinh bắt đầu hoạt động hết tốc lực. Từ việc tài trợ bằng học bổng, hoặc đi du lịch nước ngoài cho các trường có doanh thu lớn, đến việc “nhờ cậy” các phòng giáo dục, UBND các quận, huyện ra văn bản “kêu gọi” các trường tham gia…, công văn triển khai công tác bảo hiểm cho học sinh, sinh viên cũng tới tấp được gửi tới các trường.
Tất nhiên, công văn đề nghị được triển khai bảo hiểm tại trường là một chuyện, còn trường chấp nhận hãng bảo hiểm nào được phép bán bảo hiểm cho học sinh, sinh viên trường mình lại là chuyện khác. Đó là câu chuyện của “ngoại giao” và cũng là chuyện bình thường trong ngành bảo hiểm mỗi dịp năm học mới.
“Năm nay, các đơn vị cho biết, cạnh tranh vẫn rất khốc liệt và ‘miếng bánh lớn’ vẫn thuộc về các doanh nghiệp có thương hiệu và thị phần lớn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.
Cũng theo vị này, không chỉ ở địa bàn trọng điểm phía Bắc, các công ty bảo hiểm có thị phần lớn đã tiếp cận thành công các trường học tại khu vực miền Tây với nhiều cơ chế, bao gồm cả việc tác động trực tiếp với các cấp quản lý ngành giáo dục địa phương.
“Không khó để tìm ra nguyên nhân vì sao chúng tôi không thể thâm nhập địa bàn ở huyện A năm nay”, trưởng đội sale của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm dẫn đầu thị trường chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Vị này cho biết, lý do là bởi các trường học mà chúng tôi tiếp cận đều nhận được công văn từ trên xuống “đồng ý” cho triển khai bảo hiểm của công ty bảo hiểm X, đồng nghĩa với việc cơ hội của chúng tôi là không còn.
Cụ thể, công văn của UBND huyện A tại một tỉnh phía Bắc gửi các phòng giáo dục và đào tạo, UBND các xã, thị trấn và các hiệu trưởng các trường mầm non, trung học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện nêu rõ: “UBND Huyện nhận được văn bản của Công ty bảo hiểm X về việc triển khai công tác bảo hiểm. Theo đó, UBND Huyện đồng ý cho Công ty X tiếp tục triển khai công tác bảo hiểm thân thể cho cán bộ, giáo viên và học sinh năm học 2017-2018 trên địa bàn huyện; giao Phòng Giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các trường tạo điều kiện triển khai, đồng thời thực hiện việc kiểm tra giám sát quá trình triển khai công tác bảo hiểm của Công ty X; yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, trung học trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho Công ty X triển khai các dịch vụ bảo hiểm theo quy định pháp luật; phối hợp với Công ty X thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện…”.
Theo một chuyên gia trong ngành, vì sản phẩm bảo hiểm học sinh được xem là sản phẩm bảo hiểm mang lại lợi nhuận tốt, nên các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung để giành thị phần là điều hoàn toàn dễ hiểu. Việc cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các “ông lớn”, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng bằng mọi cách để “chen chân” vào thị trường này.
“Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận lỗ để có chỗ đứng trước, rồi dần dần tăng thị phần doanh thu để thu hồi vốn, sau đó mới tính chuyện có lãi”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần nhỏ cho biết.
Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, chiến lược này dường như không nhiều khả thi trong mùa tựu trường năm nay. Xét ở khía cạnh bảo vệ thì bảo hiểm toàn diện học sinh là một sản phẩm cần thiết, bổ sung cho những hạn chế của sản phẩm bảo hiểm y tế thông thường.
Tuy nhiên, thay vì kêu gọi, thậm chí tìm cách để ép các phụ huynh mua bảo hiểm, thì các doanh nghiệp bảo hiểm cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh về ý nghĩa nhân văn của sản phẩm bảo hiểm, để nhà trường cũng như phụ huynh học sinh hiểu được hết các quyền lợi bảo hiểm của con em mình, thay vì “mua cho xong”.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã phản ứng và thẳng thắn từ chối mua bảo hiểm cho con em họ theo “mô hình văn bản” như vậy.