Cạnh tranh bán…
Trước mùa khai giảng năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bắc Giang đã có Công văn gửi hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố về việc triển khai bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên, học sinh năm học 2017 – 2018.
Theo đó, Công văn đã giới thiệu 4 công ty bảo hiểm, bao gồm Bảo Việt Bắc Giang, Bảo Minh Bắc Giang, Bảo hiểm PJICO Bắc Giang và Xuân Thành Bắc Lạng đến tuyên truyền, vận động việc tham gia bảo hiểm trong các trường.
Đây cũng là 4 công ty bảo hiểm đã báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang kết quả triển khai bảo hiểm năm học 2016 - 2017. Sự giới thiệu này được thực hiện theo hướng dẫn liên ngành giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang với 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Công văn cũng đề nghị hiệu trưởng các trường học trên địa bàn tuyệt đối không triển khai hợp tác bán bảo hiểm học sinh cho các công ty bảo hiểm không có văn bản giới thiệu của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh và Phòng Giáo dục huyện. Các trường cũng chỉ triển khai bảo hiểm thân thể học sinh, sinh viên sau khi triển khai 100% bảo hiểm y tế học sinh (của Bảo hiểm Xã hội).
Công văn ,nêu rõ, đây là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua của nhà trường (!?)
Việc Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang ra công văn chỉ đạo các trường về triển khai bảo hiểm thân thể cho học sinh đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai sản phẩm này.
Tuy nhiên, câu chuyện “can thiệp” bằng mệnh lệnh hành chính ở Bắc Giang không phải là câu chuyện hiếm gặp trong lĩnh vực bảo hiểm học sinh, sinh viên và cả ở một số mảng bảo hiểm khác. Dù bảo hiểm thân thể học sinh là sản phẩm mang tính tự nguyện, nhưng việc đi theo con đường “từ trên chỉ đạo xuống” có nhiều thuận lợi với công ty bảo hiểm phân phối sản phẩm này. Bởi phụ huynh thì nể nhà trường, còn nhà trường lại nể cấp trên.
… Và bỏ mặc quyền lợi học sinh?
Trở lại với các trường học trên địa bàn TP. Bắc Giang, theo chia sẻ của một phụ huynh, sau những ồn ào xung quanh công văn “chỉ đạo” mua bảo hiểm của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, một số trường học đã dừng triển khai bảo hiểm thân thể học sinh.
Một số trường đã thu rồi thì trả lại phụ huynh và thông báo tháng 12 mới thu, hoặc ít nhất thu xong bảo hiểm y tế mới triển khai sản phẩm mang tính tự nguyện này.
Việc gián đoạn triển khai bảo hiểm thân thể cho học sinh đang khiến một số phụ huynh lo lắng.
Theo anh Nguyễn Hưng, phụ huynh có con theo học ở một trường tiểu học tại Bắc Giang, trước đây, khi việc triển khai bảo hiểm liền mạch, nếu rủi ro xảy ra sau ngày 5/9 (thời hạn hết hợp đồng bảo hiểm thân thể của học sinh trong năm học trước – PV), các công ty vẫn châm chước thanh toán do phí cũng đã được nộp rải rác cho trường, đồng nghĩa với việc hợp đồng vẫn còn hiệu lực. “Nhưng năm nay, việc triển khai bảo hiểm này lại diễn ra muộn, quyền lợi của học sinh có thể bị ảnh hưởng nếu chẳng may xảy ra rủi ro”, anh Hưng nói.
Đem mối lo của vị phụ huynh này đến PJICO (công ty mẹ của PJICO Bắc Giang) thì được đại diện doanh nghiệp này giải thích: Theo quy định pháp luật hiện hành, trong vòng 30 ngày kể từ khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, người tham gia bảo hiểm phải nộp phí, ít nhất là kỳ 1 cho bên bảo hiểm.
Còn với trường hợp hết hiệu lực của hợp đồng thì đương nhiên bên bán bảo hiểm sẽ có quyền từ chối trách nhiệm bồi thường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mua bảo hiểm có thể nợ phí, nhưng không quá 30 ngày.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nếu các bậc cha mẹ muốn con mình được bảo vệ trong thời gian gián đoạn này có thể chủ động tìm đến các công ty bảo hiểm để mua cho con mình, mà không cần phải thụ động ngồi chờ đến lúc nhà trường triển khai!
Câu trả lời của vị lãnh đạo trên tuy ngắn, nhưng lột tả đủ bức tranh của bảo hiểm học sinh hiện nay. Khái niệm bảo hiểm, đôi khi cần phải được hiểu theo nghĩa khác.