Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn

Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn

(ĐTCK) Chưa bao giờ bảo hiểm học sinh lại cạnh tranh quyết liệt như hiện nay khi có thêm nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ tham gia. Các DN kết hợp với nhà trường để bán sản phẩm, tuy nhiên, phụ huynh học sinh chỉ biết nộp tiền và nhận thẻ bảo hiểm.

>> Cấm gây sức ép bán bảo hiểm học sinh

“Miếng bánh” bé dần

“Năm trước, bảo hiểm học sinh tập trung chủ yếu ở các DN thuộc Top 5 thì năm nay, các DN Top dưới ‘nhảy vào’ rất mạnh, với mức đầu tư tương đối lớn để tăng doanh thu”, chuyên viên phòng bảo hiểm con người của một DN bảo hiểm lớn cho biết. Tuy nhiên, vị này nhận xét, các DN mới không dễ gì có được doanh thu từ bảo hiểm học sinh, nhất là với những DN chưa có chỗ đứng ở mảng bảo hiểm sức khỏe nói chung.

Nếu nhìn toàn bộ mảng bảo hiểm sức khỏe (bao gồm cả bảo hiểm học sinh), theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2013, nhiều DN có thị phần bảo hiểm sức khỏe khá khiêm tốn, doanh thu chỉ đạt vài tỷ đồng như Bảo hiểm Hàng không, SVIC, Xuân Thành, UIC, Samsung Vina, QBE, ACE, Fubon, Cathay, thậm chí chỉ vài trăm triệu đồng như Phú Hưng, Bảo Ngân, trong khi cả thị trường đạt hơn 1.826 tỷ đồng từ nghiệp vụ này.

Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn ảnh 1Nhiều DN đang tập trung vào mảng bảo hiểm học sinh

Trước thực tế mảng bảo hiểm học sinh, sinh viên có doanh thu khá thấp so với mảng mang lại doanh thu lớn nhất nhì là bảo hiểm xe cơ giới, PJICO đang dồn sức thực hiện chiến dịch bảo hiểm học sinh năm 2013 nhằm hoàn thành kế hoạch 210 tỷ đồng doanh thu mảng bảo hiểm con người nói chung, trong đó bảo hiểm học sinh chiếm 40 - 50%. 6 tháng đầu năm nay, trong tổng số gần 70 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm con người thì bảo hiểm học sinh, giáo viên tại PJICO chỉ đạt 6 tỷ đồng. Cũng dễ hiểu, vì “mùa” của sản phẩm bảo hiểm học sinh là tháng 9 và quý IV hàng năm.

Một DN khác có doanh thu khiêm tốn từ bảo hiểm học sinh, sinh viên là Bảo hiểm PVI cho biết, mảng này đang được Công ty chú trọng, với việc điều chỉnh quy tắc và biểu phí một số sản phẩm bán lẻ nhằm nâng sức cạnh tranh.

ABIC với lợi thế chuyên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm ở nông thôn cho hay, Công ty quyết tâm duy trì thị phần bảo hiểm học sinh ở vùng nông thôn, với mức phí bảo hiểm vài chục ngàn đồng/người.

Hiện tại, thị trường bảo hiểm học sinh, sinh viên đang thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, đây được xem là mảng truyền thống của DN này khi bắt đầu triển khai từ năm học 1985 - 1986. Sau đó, không ít DN bảo hiểm khác tham gia, nhưng Bảo hiểm Bảo Việt vẫn có được mức tăng trưởng doanh thu ổn định hàng năm nhờ mạng lưới rộng khắp cùng thương hiệu lâu năm.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, mùa tựu trường năm nay, một số sản phẩm bảo hiểm học sinh, sinh viên đã được các DN bảo hiểm điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với nhu cầu người tham gia bảo hiểm, không chỉ về phí, gia tăng quyền lợi, mà còn đơn giản hóa thủ tục bồi thường. Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, trước đây, hoàn thành thủ tục bồi thường mất 15 ngày, nhưng nay thời gian đã được rút ngắn, đồng thời tăng cường bồi thường tại chỗ.

 

Quên tư vấn!

Bảo hiểm học sinh là sản phẩm đơn giản, nhưng dường như vì lý do “đơn giản”, công tác tư vấn bảo hiểm của DN cũng như từ phía nhà trường chưa được coi trọng.

Trao đổi với ĐTCK, không ít phụ huynh có con học tiểu học cho biết, hầu như không có sự trao đổi, tư vấn của nhà trường và của bên bán bảo hiểm về quyền lợi được bảo hiểm với phụ huynh học sinh. Phụ huynh chỉ nhận được một thẻ bảo hiểm nhỏ bằng lòng bàn tay, không có tài liệu đính kèm liên quan đến quyền lợi được hưởng. Có trường còn phát bảo hiểm này trước cả khi phụ huynh đồng ý và đóng tiền. Điều này làm nhiều phụ huynh nhầm tưởng đây là sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, chứ không phải là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện.

Thực tế, sản phẩm bảo hiểm học sinh được gọi né là “bảo hiểm thân thể”, được bán cùng với bảo hiểm y tế (mang tính bắt buộc của Nhà nước). Thậm chí, có trường còn không tách hai sản phẩm này ra, mà gọi chung là bảo hiểm và thông báo số tiền phải nộp cho phụ huynh học sinh biết.

“Thông báo học phí gửi cho phụ huynh thường tính luôn số tiền bảo hiểm phải đóng, trong đó có bảo hiểm học sinh (tự nguyện). Có trường gửi thẻ bảo hiểm cho phụ huynh thông qua các con mới vào lớp 1 nên bị thất lạc thẻ, phụ huynh không biết bên bán bảo hiểm là ai, nếu mất thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi hay không? Tôi nghĩ, khi phụ huynh đã trao quyền cho nhà trường tự chọn bên bán bảo hiểm thì nhà trường cũng nên tạo điều kiện để bên bán bảo hiểm có sự tư vấn cho bên mua, giống như các sản phẩm bảo hiểm khác”, chị Nguyễn T.H, phụ huynh một học sinh Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội nói.