Công văn định hướng
Vào trung tuần tháng 6/2014, Phòng GD&ĐT Triệu Phong, Quảng Trị, ban hành công văn số 590/GDĐT gửi hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trong huyện về việc triển khai bảo hiểm năm học 2014-2015.
Là một công văn thúc đẩy công tác bảo hiểm y tế học đường, nhưng hầu hết nội dung công văn này vận động cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh trong các nhà trường chọn công ty bảo hiểm trong nằm trong nhóm 3 công ty bảo hiểm hàng đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Đối với các nhà trường, công văn đề nghị “các đơn vị cần phối hợp với công ty bảo hiểm này để tuyên truyền, vận động cho cán bộ công nhân viên chức, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh tự nguyện tham gia, tránh hình thức áp đặt, ép buộc”.
Một vụ việc tương tự khác: Trong công văn số 171/GDĐT về việc “thực hiện công tác bảo hiểm cho học sinh và cán bộ giáo viên năm học 2014-2015” của Phòng GD&ĐT Hoàng Su Phì, Hà Giang, gửi hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường THCS, PTCS, tiểu học và mầm non trong huyện cũng đưa đích danh một công ty bảo hiểm lớn trên thị trường thành một lựa chọn duy nhất.
Nội dung công văn trong khi có ý nghĩa tích cực vận động học sinh, cán bộ, giáo viên mua bảo hiểm thì lại có nhiều nội dung tuyên truyền thành tích cho một đơn vị bảo hiểm duy nhất. Những văn bản mang tính chất “hướng dẫn” trên dù vô tình hay cố ý đã đương nhiên “gạt” các công ty bảo hiểm khác ra khỏi sự lựa chọn của các phụ huynh và nhà trường.
Trước đó, ĐTCK cũng đã phản ánh việc Sở GD&ĐT Hà Nội ra một văn bản có tính chất định hướng cho các trường mua bảo hiểm học sinh và trước sức ép của dư luận, Sở này đã có thêm một công văn khác để “nói lại cho rõ”.
Tất cả vì doanh thu
Những văn bản hành chính kiểu như trên không chỉ tước đi cơ hội “tự nguyện” lựa chọn sản phẩm bảo hiểm của học sinh và nhà trường mà đã vi phạm các quy định pháp luật.
Khẳng định những việc làm như trên là trái quy định pháp luật, để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, một năm trước, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10556/BTC-QLBH gửi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, yêu cầu: “Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa các sở giáo dục và đào tạo và các doanh nghiệp bảo hiểm... có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại một hoặc một số doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định”.
Công văn 10556 cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt nội dung yêu cầu trên trong toàn hệ thống các đơn vị thành viên, chi nhánh… để nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả xử lý về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
Thực tế không cần phải có công văn nhắc nhở này của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm thừa hiểu việc bán bảo hiểm qua công văn chỉ đạo mang tính định hướng như trên là cạnh tranh không lành mạnh. Và hiện tượng này cũng không phải mới xuất hiện mà là một chiêu rất cũ và từng bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì sức ép doanh thu nên đôi khi các công ty bảo hiểm vẫn “nhắm mắt làm ngơ” để đơn vị “bắt tay” với đối tác.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thừa nhận, kinh doanh bảo hiểm và một số loại hình dịch vụ nói chung, nếu không "lobby" với đối tác thì “chết ngay từ trong trứng nước”. Việc hợp tác này cả đôi bên cùng có lợi, tuy nhiên, định hướng bằng văn bản như thế này thì rất phản cảm.
Bình luận về câu chuyện này, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ (không bán bảo hiểm học sinh) nói ngắn gọn: Mọi công văn mang tính định hướng như trên không phải ngẫu nhiên mà có. Đằng sau những văn bản định hướng này là câu chuyện gì thì không chỉ có các đơn vị ra văn bản nắm rõ, những công ty bảo hiểm có liên quan và không liên quan đều không xa lạ.