Bảo hiểm học sinh: “Cửa hẹp” với DN “ngoại”

Bảo hiểm học sinh: “Cửa hẹp” với DN “ngoại”

(ĐTCK) Mặc dù năm nay, hầu hết DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đã “nhảy” vào bảo hiểm học sinh do tính hiệu quả từ mảng này, nhưng các DN bảo hiểm nước ngoài thì vẫn dập dòm.

>> Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn

>> Cấm gây sức ép bán bảo hiểm học sinh  

 

“Cửa hẹp”

“Sân chơi” này dường như vẫn đang thuộc về các DN nội, dù thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có tới gần nửa là DN ngoại trong số 29 DN hiện có trên thị trường, với những cái tên như Liberty, ACE, Fubon, Samsung Vina, UIC, BVTM, QBE, AIG, Groupama, MSIG, Cathay…

Ghi nhận tại các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho thấy, hầu hết đều đã gia nhập mảng bảo hiểm học sinh. Tuy vậy, không phải DN nào cũng thành công. Bảo hiểm học sinh - sinh viên vốn thuộc mảng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, nên DN nào chưa có thị phần ở nghiệm vụ bảo hiểm sức khỏe thì không dễ chen chân vào bảo hiểm học sinh.

Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, có không ít DN mà doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe chỉ đạt vài tỷ đồng như Bảo hiểm Hàng Không, SVIC, Xuân Thành, UIC, Samsung Vina, QBE, ACE, Fubon, Cathay, thậm chí chỉ vài trăm triệu đồng như Phú Hưng; Bảo Ngân, trong khi doanh thu toàn thị trường đạt hơn 1.826 tỷ đồng.

Với doanh thu toàn nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe ít như vậy thì doanh thu từ riêng bảo hiểm học sinh càng không đáng kể với ngay cả nhiều DN bảo hiểm trong nước. Bởi vậy, nhiều DN bảo hiểm nước ngoài, như Liberty , ACE… cho đến giờ vẫn chưa triển khai sản phẩm bảo hiểm này.

Bảo hiểm học sinh: “Cửa hẹp” với DN “ngoại” ảnh 1

Bảo hiểm học sinh là một nghiệp vụ dễ “kiếm”, nhưng không dành cho các DNbảo hiểm ngoại

“Có hai điểm chính khiến chúng tôi, những DN ngoại, khó bước chân vào mảng bảo hiểm học sinh - sinh viên, đó là mảng này, nếu muốn thành công đòi hỏi phải có hệ thống phân phối rộng lớn. Thứ nữa là phải có mối quan hệ, cùng cơ chế giải quyết theo kiểu ‘sân sau’… trong khi thủ tục thì lắt nhắt, phức tạp, phí bảo hiểm thì nhỏ”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nước ngoài khảng khái chia sẻ và ví von “cửa bán loại bảo hiểm này dù không khóa nhưng chỉ đang mở hẹp với DN ngoại”.

Đại diện một DN bảo hiểm ngoại khác cũng có cùng suy nghĩ như trên. “Chúng tôi nhận thấy mình không thể làm được và không thể làm thành công, thậm chí không có ý định triển khai loại hình bảo hiểm này”, vị đại diện này cho biết. “Và thay vì cố lách qua khe cửa hẹp đó, chúng tôi sẽ tập trung vào dòng sản phẩm được xem là thế mạnh của mình như bảo hiểm hàng hóa, tài sản…”.

 

Tập trung ở phân khúc khác

Không chỉ bảo hiểm học sinh mà một số mảng bảo hiểm khác như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm tàu đường thủy… cũng đòi hỏi DN kinh doanh bảo hiểm phải có được những điều kiện nhất định, kiểu như hai điều kiện đã nói ở trên, mới có thể hoạt động hiệu quả.

Do vậy, thay vì tham gia mọi nghiệp vụ bảo hiểm như các DN trong nước, hầu hết DN bảo hiểm nước ngoài tập trung vào thế mạnh riêng của mình. Chẳng hạn, Liberty Việt Nam dành chủ yếu nguồn lực vào hai mảng bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe. Đây vốn là những lĩnh vực được xem là thế mạnh của Liberty tại các thị trường khác, như Thái Lan (99% doanh thu phí bảo hiểm đến từ ô tô). Tại Việt Nam , Liberty tập trung làm bảo hiểm ô tô; làm bảo hiểm sức khỏe nhưng bỏ qua bảo hiểm học sinh. 6 tháng đầu năm, bảo hiểm ô tô đã mang về cho Liberty 169 tỷ đồng trên tổng số 220 tỷ đồng doanh thu phí.

Với Fubon, Công ty chủ yếu bán mảng bảo hiểm tài sản liên quan đến các đối tác Đài Loan. QBE thì có doanh thu chủ yếu đến từ bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm cháy nổ. UIC tập trung vào nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ, hàng hóa vận chuyển. AIG thì tập trung vào bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, tài sản và bảo hiểm thiệt hại.

Mặc dù vậy, bảo hiểm phi nhân thọ dường như vẫn là một mảnh đất chưa được các DN bảo hiểm nước ngoài khai thác hiệu quả. Thị phần phi nhân thọ của các DN bảo hiểm ngoại vẫn nằm trong Top cuối. 6 tháng đầu năm, có tới 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có doanh thu chưa đầy 40 tỷ đồng. Đó là Cathay 37,9 tỷ đồng, ACE 35,9 tỷ đồng, Groupama 37,5 tỷ đồng và QBE 37,5 tỷ đồng.