Ngoài CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI), “sân chơi” hàng không hiện là đất của các “ông lớn” bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, những động thái của các DN nhỏ hơn như Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)… cho thấy, các đơn vị này sẽ không chịu đứng ngoài “cuộc chơi trên bầu trời”.
Đáp ứng điều kiện cần
Các DN bảo hiểm vừa và nhỏ đang nỗ lực tăng vốn và nếu thành công, đây sẽ được xem là điều kiện cần trên “sân chơi” bảo hiểm hàng không. Tất nhiên, cơ hội liệu có thực sự đến với họ hay không vẫn còn phải chờ.
Dẫu chỉ đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng năm 2013, nhưng BSH cho biết, mục tiêu tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng là nhằm bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm hàng không và nghiệp vụ bảo hiểm vệ tinh, 50 tỷ đồng/mỗi nghiệp vụ. Bên cạnh việc mở rộng hoạt động, kênh phân phối là thành lập công ty con tại Lào và Campuchia, cũng như mở thêm 8 đơn vị trực thuộc tại Việt Nam. Cụ thể, BSH sẽ phát hành 40 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:4.
Tương tự, tại ĐHCĐ ngày 25/4 tới đây, Bảo Long cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành 6,726 triệu cổ phần, tăng vốn lên 403,6 tỷ đồng với giá 10.300 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu ngay trong năm 2014. Theo Bảo Long, số tiền thu được từ chào bán nhằm đảm bảo đủ điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu để tham gia nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm dầu khí, bên cạnh việc sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Hay với PTI, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, do vốn nhỏ nên PTI đã phải tức tưởi ra về trong một số cuộc đấu thầu bảo hiểm lớn và để tăng cơ hội trong đấu thầu bảo hiểm các dự án lớn, PTI sẽ tăng vốn điều lệ, bên cạnh mục tiêu tăng cường năng lực tài chính cho hoạt động đầu tư.
Đại diện một DN nhỏ khác cũng cho biết, sự cạnh tranh giành giật thị phần giữa các DN bảo hiểm ngày càng gay gắt, lợi thế đang thuộc về các DN có vốn lớn và hệ thống bán lẻ rộng khắp, Công ty ông cũng đang cân nhắc tăng vốn để đủ điều kiện làm đủ các nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm hàng không. Tất nhiên, việc tăng vốn cũng nhằm hướng đến các mục tiêu khác như tăng mức giữ lại đối với các nghiệp vụ/hợp đồng hiệu quả, đầu tư, mở rộng mạng lưới.
Nhưng cơ hội nào?
Theo quy định, việc lựa chọn nhà cung cấp bảo hiểm hàng không sẽ phải thực hiện qua đấu thầu. Còn hợp đồng bảo hiểm của liên danh kể trên với VNH là hợp đồng đã được gia hạn bảo hiểm năm tiếp theo, thời hạn từ 21/4/2014 đến 20/5/2015.
Cụ thể, với trị giá bảo hiểm đầu kỳ gần 200 triệu USD, các nhà bảo hiểm sẽ bảo hiểm cho hơn 100 phi công và 26 máy bay, trong đó có những máy bay hiện đại nhất hiện nay như EC-225, với giá trị gần 30 triệu USD/chiếc.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, hai “ông lớn” là Bảo Việt và PVI cùng với VNI đã chiếm tới gần 83% thị phần bảo hiểm hàng không. Dẫn đầu là VNI, nắm 36,54% thị phần, thứ 2 là Bảo hiểm Bảo Việt (34,31%) và Bảo hiểm PVI (11,77%).
Được biết, từ khi xóa bỏ độc quyền nhà nước về bảo hiểm, thông qua hình thức đấu thầu, với uy tín và năng lực tài chính, ngoại trừ lợi thế của DN nội ngành là VNI thì Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI đã có nhiều năm cung cấp bảo hiểm cho tất cả các hãng hàng không ở Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific… Trong đó, PVI chính thức cấp đơn bảo hiểm hàng không cho VNH lần đầu năm 2009 và đã tiếp tục được lựa chọn là nhà bảo hiểm gốc suốt 6 năm qua.
Bởi vậy, cơ hội cho DN nhỏ, mới hay chuẩn bị bước chân vào nghiệp vụ này là không dễ, bởi chính các “ông lớn” còn thừa nhận, để có được hợp đồng bảo hiểm với VNH khá gian nan.
“Năm năm qua, việc đàm phán là khá gian nan. Có hôm đàm phán đến 10h đêm. Để được tiếp tục tin tưởng tái tục hợp đồng này là niềm tự hào lớn”, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings (Công ty nắm 100% vốn tại Bảo hiểm PVI) bộc bạch.
Ngoài ra, cái khó đối với “tân binh” nhỏ còn bởi 2 bên đang giành cảm tình khá đặc biệt cho nhau. “Suốt 5 năm qua, Liên danh PVI - Bảo Việt đã thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà bảo hiểm gốc cho đội bay của VNH. Liên danh đã cung cấp các dịch vụ đúng thỏa thuận, cấp đơn và chứng nhận bảo hiểm đúng hạn, cùng với việc tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, an toàn bay”, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tổng giám đốc VNH nói.