Tại Việt Nam, bảo hiểm động đất chưa được quan tâm đúng mức

Tại Việt Nam, bảo hiểm động đất chưa được quan tâm đúng mức

Bảo hiểm động đất cần được quan tâm hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các loại hình bảo hiểm tài sản và kể cả con người, đều tính đến nguyên nhân thiệt hại do động đất. Tuy nhiên, đây được xem là một yếu tố rủi ro phụ, tức là khách hàng có thể lựa chọn tham gia hoặc không.

Nhu cầu là hiện hữu

Mới đây, 2 tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và 1 doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã ghi nhận tổn thất về tài sản do dư chấn của trận động đất mạnh tại miền Trung Myanmar ngày 28/3 vừa qua. Được biết, các tòa nhà và doanh nghiệp này đã tham gia bảo hiểm tài sản tại Bảo hiểm VietinBank (VBI) và nhà bảo hiểm đang thực hiện giám định tổn thất để chi trả quyền lợi cho các khách hàng, khắc phục thiệt hại với số tiền ước tính khoảng 500 triệu đồng.

Đại diện VBI cho biết, hầu hết các đơn bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền hay vật chất xe... do Công ty cung cấp đều có phạm vi bảo hiểm là bồi thường do động đất.

Theo Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nước ta không nằm trên vành đai lửa nên không xảy ra động đất mang tính chất hủy diệt, nhưng vẫn có khả năng xảy ra các trận động đất mạnh do có nhiều đứt gãy địa chất. Bởi vậy, nhu cầu về bảo hiểm thiên tai nói chung và bảo hiểm động đất nói riêng luôn hiện hữu.

Mặt khác, ở hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ, các loại hình bảo hiểm tài sản và kể cả con người, đều có tính đến nguyên nhân thiệt hại do động đất gây ra. Tuy nhiên, đây được xem là một yếu tố rủi ro phụ, nên khách hàng có thể lựa chọn tham gia hoặc không.

Các công ty bảo hiểm đang triển khai loại bảo hiểm này cho biết, việc được hưởng quyền lợi về bảo hiểm động đất phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa khách hàng và nhà bảo hiểm trước đó. Không phải hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản nào cũng tự động bao gồm rủi ro từ động đất. Để có quyền yêu cầu bồi thường, hợp đồng bảo hiểm cần có điều khoản cụ thể về động đất hoặc thiên tai, hoặc khách hàng cần mua thêm gói mở rộng bảo hiểm thiên tai.

Bảo hiểm tài sản tiêu chuẩn chỉ bao gồm các rủi ro cơ bản như cháy, nổ, mất cắp, hoặc hỏng hóc thiết bị, trong khi động đất và các hiện tượng địa chấn khác thường được xếp vào loại rủi ro đặc biệt và chỉ được bảo vệ nếu hợp đồng có điều khoản rõ ràng. Hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm cung cấp gói bổ sung bảo hiểm thiên tai, trong đó bao gồm cả thiệt hại do động đất. Tuy vậy, điều này cần được thương lượng và bổ sung ngay từ khi ký hợp đồng.

Đại diện Bảo hiểm PVI cho hay, rủi ro động đất là một trong những rủi ro thiên tai thông thường được bảo hiểm trong các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ tài sản và kỹ thuật (bao gồm năng lượng). Do vậy, hầu hết khách hàng đều tham gia mua bảo hiểm cho rủi ro này (trừ trường hợp chỉ tham gia mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, không mở rộng cho các rủi ro khác). Đây là một trong những sản phẩm mũi nhọn và chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng doanh thu của Bảo hiểm PVI.

Cần được quan tâm hơn

Thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong tháng 3/2025, cả nước xảy ra 26 trận động đất có độ lớn từ 2,5-3,7 richter, tập trung chủ yếu tại “điểm nóng động đất” huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với 23 trận; 3 trận còn lại tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, từng là một điểm nóng khác về động đất từ năm 2012, khi Thủy điện sông Tranh 2 tích nước phát điện.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, sau các trận động đất trong tháng 3 vừa qua, đặc biệt là dư chấn trận động đất mạnh tại Myanmar, nhiều bên tham gia bảo hiểm (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) tại Việt Nam bắt đầu rà soát lại, đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm cho nhà, tài sản mà mình đã mua để xác định xem động đất có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay chưa.

Bởi như đề cập ở trên, không phải tất cả các hợp đồng bảo hiểm tài sản đều bao gồm rủi ro động đất. Một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng bảo hiểm chỉ bao gồm các rủi ro thông thường như hư hỏng do tai nạn hoặc cháy nổ, mà bỏ qua các rủi ro thiên nhiên đặc thù, dẫn đến việc không được bồi thường thiệt hại khi động đất xảy ra.

Bà Tạ Lan Phương - Chủ tịch Công ty Xây dựng Việt Đức cho hay, Công ty đang kiểm tra lại hợp đồng đã ký với nhà bảo hiểm và cân nhắc mua thêm gói mở rộng (nếu chưa có quyền lợi bảo vệ về động đất) để được bảo vệ toàn diện hơn.

Trên thực tế, một số công trình của Việt Nam đã mua bảo hiểm với giá trị lớn, trong đó bao gồm cả bảo hiểm động đất, chẳng hạn Thủy điện Đồng Nai mua bảo hiểm tài sản với số tiền lên đến 5.000 tỷ đồng; khu cao ốc Phát Đạt (550 tỷ đồng); khu biệt thự An Phú (350 tỷ đồng); tòa nhà Sacombank (200 tỷ đồng)…

Tuy vậy, ghi nhận từ nhiều công ty bảo hiểm, bên tham gia bảo hiểm cho thấy, không phải công trình, dự án nào cũng đều được mua bảo hiểm đầy đủ và bảo hiểm thiên tai nói chung, bảo hiểm động đất nói riêng còn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa kể, chi phí bỏ ra để mua bảo hiểm bao gồm cả động đất thường có mức phí cao hơn, nhất là tại những khu vực có nguy cơ địa chấn cao, khiến nhiều khách hàng chưa mặn mà tham gia.

Việc mua bảo hiểm cho các rủi ro đặc biệt như động đất chủ yếu diễn ra ở nhóm chủ tài sản có yếu tố nước ngoài, còn đa số chủ tài sản trong nước chỉ tham gia bảo hiểm cho nhóm rủi ro chính (cháy, nổ), tức là trong hợp đồng bảo hiểm chưa có thỏa thuận đảm bảo cho rủi ro động đất.

Đưa ra lưu ý khi tham gia bảo hiểm động đất, Công ty Luật PVL Group cho biết, các công ty bảo hiểm sẽ đánh giá mức độ thiệt hại và quyết định mức chi trả dựa trên giá trị thực tế của tài sản hoặc chi phí thay thế tài sản mới. Ngoài ra, một số hợp đồng có thể áp dụng mức miễn thường (deductible), tức là khách hàng phải tự chịu một phần thiệt hại trước khi công ty bảo hiểm chi trả.

Với những gói lớn có thể thông qua công ty môi giới bảo hiểm, tham khảo ý kiến từ chuyên gia để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giảm thiểu rủi ro tranh chấp. Một số loại tài sản khó đánh giá giá trị chính xác sau khi bị thiệt hại do động đất, dẫn đến mâu thuẫn về mức bồi thường giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, rất cần nhà môi giới bảo hiểm uy tín đồng hành cho đến khi giải quyết bồi thường.

Một vấn đề cần lưu ý khác, theo quy định hiện hành, bảo hiểm bắt buộc loại trừ nguyên nhân động đất, nhưng bảo hiểm tự nguyện vật chất xe cơ giới vẫn chấp nhận bồi thường tổn thất tới từ nguyên nhân này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair cho biết, Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng nêu rõ, công ty bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp thiệt hại do động đất.

Theo đánh giá rủi ro của ngành bảo hiểm, động đất là loại thiên tai khó lường nhất, không thể dự báo chính xác quy mô và phạm vi. Còn theo nguyên tắc “lấy đa số bù đắp cho thiểu số” của bảo hiểm, rủi ro trong động đất thường gây tổn thất diện rộng, phạm vi rất lớn. Trong phạm vi động đất, mọi chủ thể đều không may mắn, cùng gánh chịu rủi ro, kể cả hãng bảo hiểm. Do đó, động đất là loại rủi ro phá vỡ nguyên tắc trên.

Tuy nhiên, khi thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm vật chất tự nguyện xe cơ giới, hầu hết các hãng bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đều coi động đất là tổn thất trong phạm vi bồi thường, nghĩa là nếu tổn thất xe do nguyên nhân động đất thì vẫn được bồi thường.

Tin bài liên quan