Ông Nguyễn Văn Minh

Ông Nguyễn Văn Minh

Bảo hiểm D&O: không phải hàng xa xỉ

(ĐTCK) Được coi là “tấm lá chắn” cho các quyết định của giám đốc DN, nhưng sau gần 10 năm được triển khai, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (D&O) vẫn ít được DN quan tâm, chú ý.

Chia sẻ với ĐTCK, thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý nghiệp vụ bảo hiểm của Bảo Minh cho rằng, khó khăn lớn nhất khi triển khai sản phẩm này vẫn là nhận thức của DN.

Có một thực tế là ở Việt Nam, không chỉ DN thờ ơ với bảo hiểm D&O mà chính các công ty bảo hiểm cũng không mặn mà triển khai. Vì sao có thực trạng này, thưa ông?

Đứng ở góc độ khách hàng, thực tế, hiện không nhiều giám đốc DN quan tâm và tìm hiểu sản phẩm này, dù các DN bảo hiểm đã triển khai, mời chào. Ngoài ra, vì hệ thống pháp luật của Việt Nam khá phức tạp, nên khi xảy ra khiếu nại, việc giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn, khiến khách hàng e ngại.

Ở góc độ DN bảo hiểm, cũng có nhiều cái khó. Sản phẩm này chưa thu hút đủ số đông khách hàng tham gia bảo hiểm, vì vậy, phí bảo hiểm thường phải áp dụng rất cao để đủ bồi thường nếu có khiếu nại xảy ra. Việc thu xếp tái bảo hiểm cho nghiệp vụ này cũng không dễ dàng… Nói chung, để hoàn tất một đơn bảo hiểm này, phải tốn khá nhiều thời gian nên bản thân nhân viên bảo hiểm cũng không muốn bán.

 

Là một trong những DN bảo hiểm triển khai khá sớm sản phẩm bảo hiểm D&O, nhưng đến nay, cả thị phần và thương hiệu của Bảo Minh về mảng bảo hiểm này đều chưa gây được ấn tượng gì với thị trường?

Bảo Minh đã triển khai bảo hiểm D&O từ năm 2006, nhưng vì những trở ngại nêu trên, sản phẩm bảo hiểm này không tiêu thụ được nhiều. Hơn nữa, trong bối kinh cảnh tế suy giảm như hiện nay, các DN đều có xu hướng cắt giảm chi phí, họ chỉ tham gia các loại hình bảo hiểm thật sự cần thiết, còn bảo hiểm D&O vẫn bị coi là một “mặt hàng xa xỉ”.

Tuy nhiên, về lâu dài, các DN, đặc biệt là những DN niêm yết sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với loại hình bảo hiểm này. Những áp lực về rủi ro trước quyết định của mình khiến CEO các DN sẽ phải nghĩ đến các biện pháp bảo vệ. Có thể, khó khăn về kinh tế cũng khiến nhiều DN ngại ngần trong việc chi tiền cho bảo hiểm D&O, nhưng nhìn rộng hơn, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, người quản lý DN cũng có lúc mắc phải sai lầm, chính vì thế, bảo hiểm D&O không chỉ giúp họ an tâm mà cổ đông và bạn hàng cũng thêm tin tưởng. Vì vậy, sản phẩm này không phải là mặt hàng xa xỉ mà có thể coi là mặt hàng thiết yếu.

 

Nhận thức của khách hàng vẫn là rào cản lớn nhất cho các công ty bảo hiểm. Làm sao để có thể vượt qua rào cản này, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất đối với các DN bảo hiểm khi triển khai sản phẩm này đúng là tâm lý thờ ơ của khách hàng, dù rằng nhân viên khai thác của Bảo Minh đã thường xuyên giới thiệu sản phẩm này khi đến tư vấn cho khách hàng và Bảo Minh đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến sản phẩm để giới thiệu cho các DN.

Để sản phẩm này được quảng bá rộng rãi hơn nữa đến các DN, thời gian tới, các công ty bảo hiểm cần kết hợp với các sở, ban ngành liên quan để từng bước đưa sản phẩm này đến tận tay các giám đốc DN... Thực tế, những vụ kiện về trách nhiệm của giám đốc khi để DN lâm vào phá sản hay nợ nần là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến DN, cổ đông… Thiết nghĩ, các cổ đông cần yêu cầu đưa vấn đề này vào nghị quyết, buộc lãnh đạo DN phải tham gia loại hình bảo hiểm này, nhằm giúp họ an tâm hơn trong quá trình ra quyết định.

 

Tuy nhiên, ông có e ngại khả năng loại hình bảo hiểm này sẽ làm tăng nguy cơ để các giám đốc ỷ lại và tìm cách kiếm lời từ bảo hiểm?

Không thể có chuyện khách hàng kiếm lời được, bởi loại hình bảo hiểm này luôn loại trừ tất cả các hành vi cố ý làm trái pháp luật, quy định quản lý DN của người được bảo hiểm. Trong quá trình điều tra các sự kiện liên quan, bất kỳ hành vi cố ý nào của người được bảo hiểm đều có thể được các cơ quan điều tra chứng minh được. Hơn nữa, các giám đốc luôn luôn coi mình đang hành nghề giám đốc chứ không phải mình mang chức sắc giám đốc, vì vậy, dù có trục lợi được thì cơ hội làm lại cũng gần như không còn và sự nghiệp coi như chấm hết. Tôi nghĩ, bảo hiểm D&O sẽ như một liệu pháp tâm lý giúp giám đốc yên tâm hành nghề hơn là một công cụ kiếm lời từ bảo hiểm.