Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc

Bảo hiểm coi trọng hệ thống cảnh báo sớm

(ĐTCK) Hệ thống cảnh báo sớm theo sáng kiến của Việt Nam đã được các nhà quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm khu vực đem ra thảo luận sâu tại Hội nghị Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN thứ 16 (AIRM 16) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 (AIC39).

ARIM và AIC năm nay diễn ra tại TP. Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 4 - 6/12/2013 và phiên họp toàn thể được khai mạc sáng nay (5/12). Trước đó, vào ngày 4/12, Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo và các phiên họp kỹ thuật quan trọng để chuẩn bị cho phiên họp trọng thể hôm nay.

Năm nay, Việt Nam là nước chủ nhà của AIRM 16 và AIC 39, theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch của AIRM 16 và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam giữ vai trò nước chủ nhà trong AIC 39.

Tại AIC năm nay, các nước sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thách thức khi kinh tế gặp khó khăn, trao đổi về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt các rủi ro liên quan đến thảm họa.

Các nhà bảo hiểm cũng chia kinh nghiệm phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, đồng thời tập hợp các kiến nghị, đề xuất với AIRM để cùng tháo gỡ, chia sẻ vì sự phát triển của ngành bảo hiểm trong khu vực.

Tại AIRM, ngoài các nội dung cơ bản như cập nhật sự phát triển của thị trường bảo hiểm mỗi nước, đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc bảo hiểm quốc tế, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các Nghị định thư trong khuôn khổ Hiệp định khung về thúc đẩy hàng hóa, tăng cường hợp tác trong đào tạo cán bộ ngành bảo hiểm, Việt Nam đã có sáng kiến đề nghị Hội nghị năm nay trao đổi sâu hơn về hai chủ đề là: “Hệ thống cảnh báo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ” và “Quản trị doanh nghiệp” và được các nước thành viên nhiệt tình hưởng ứng và đánh giá cao. 

Đây là những nội dung thiết thực, vừa giúp các nước tăng cường quản lý, giám sát và tự quản lý, giám sát, vừa phục vụ cho quá trình hoàn thiện quy định pháp luật tại Việt Nam và hoàn thiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Các bên liên quan đã tập trung thảo luận chuyên đề nhóm kỹ thuật về chủ đề “Hệ thống cảnh bảo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ” và đi đến thống nhất, nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện và nâng cao hệ thống chỉ tiêu giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ, vì sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường bảo hiểm nước mình và khu vực, vì quyền lợi của bên mua bảo hiểm. 

Cũng tại AIRM và AIC năm nay, Hội đồng các cơ quan quốc gia ASEAN về thực hiện Nghị định thư số 5 về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới cũng đã nhóm họp lần thứ 14 (COB 14).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN và trong nhiều năm qua, tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng, chuẩn bị hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015 theo cam kết của ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất, tổ chức tại Thái Lan, các Bộ trưởng đã xác định “cần thiết phải tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bảo hiểm. Do đó, các Bộ trưởng khuyến khích các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN thành lập một diễn đàn phù hợp nhằm mục tiêu thúc đẩy các chương trình và hoạt động hợp tác khu vực. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nhà quản lý bảo hiểm và khu vực doanh nghiệp…”.

 

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật, phát triển thị trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát, các nước ASEAN đã có những hợp tác cụ thể nhằm tạo ra cơ hội cho thị trường bảo hiểm khu vực phát triển. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1998, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức thường niên AIRM cùng với AIC.

 

Về phía cơ quan quản lý, tại AIRM, có rất nhiều vấn đề được chia sẻ nhằm tăng mức độ thâm nhập thị trường, hài hòa hóa các quy định pháp luật, quản lý, giám sát thận trọng các doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

 

Đối với khối doanh nghiệp, tại AIC, các đại diện cũng cùng nhau trao đổi về cơ chế hợp tác để phát triển cùng có lợi, về các vấn đề quan tâm chung, về phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm chung giữa các nước trong khu vực. Để từ đó, cơ quan quản lý bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cùng nhau trao đổi để định hướng phát triển của ngành bảo hiểm mỗi nước và khu vực ASEAN.

 

Kết quả, nội dung hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN hàng năm để tổng hợp, đánh giá.

>> Hệ thống kiểm soát nội bộ, yếu tố quyết định thành công của DN bảo hiểm