Thực tế tiếp xúc trong quá trình làm việc, người viết nhận thấy có một lượng không hề nhỏ người dân không phân biệt được các loại hình bảo hiểm cơ bản.
Thậm chí, khi phân biệt được, thì cũng không ít người cho rằng chỉ cần bảo hiểm y tế nhà nước là đủ, không cần thêm bảo hiểm nào khác. Và ở chiều ngược lại, có khá nhiều người cho rằng bảo hiểm y tế chỉ là “mua cho có” vì bắt buộc, chứ ít khi dùng đến, bảo hiểm y tế do các công ty bảo hiểm cung cấp mới tiện dụng.
Câu chuyện trên cho thấy, sự tuyên truyền của ngành bảo hiểm nói chung (cả bảo hiểm thương mại và bảo hiểm xã hội) đều chưa đủ và chưa đúng. Với một số ít người làm trong ngành bảo hiểm hoặc có liên quan, đều biết rằng, mỗi loại hình bảo hiểm, mỗi sản phẩm bảo hiểm đều có những vai trò khác nhau trong cuộc sống.
Bài viết này, chắc chắn sẽ chưa đầy đủ về ngành bảo hiểm, nhưng hy vọng sẽ là một đóng góp nhỏ trong công việc truyền thông tới công chúng về vai trò và ý nghĩa của các loại bảo hiểm mà mỗi người dân đều rất nên tham gia.
Bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm nhân thọ?
Nói là “mua cho có” vì nếu chỉ đi khám chữa bệnh thông thường (không phải bệnh nan y) thì ít người dùng đến bảo hiểm y tế nhà nước (là một loại hình của bảo hiểm xã hội) bởi tâm lý ngại làm các thủ tục, do đó không ít người có cảm giác là loại bảo hiểm này chỉ mang tính “mua cho có”. Nhưng, với một người có bệnh phải nằm viện thời gian dài thì đây là sự bảo hiểm vô cùng xứng đáng cho người tham gia, đặc biệt với người đã ở tuổi hưu.
Về quyền lợi chi trả, bảo hiểm y tế nhà nước đã gần như bao phủ mọi quyền lợi liên quan đến nằm viện, tử vong, khám - chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo, phẫu thuật, tai nạn có trong bảo hiểm thương mại, tất nhiên mức độ chi trả là không giống nhau.
Với bảo hiểm xã hội, khi người tham gia bảo hiểm chết hoặc bị thương tật, thì thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đều được ghi nhận để tính chế độ. Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh...
Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Người tham gia bảo hiểm xã hội khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là cứu cánh cho người lao động khi về già, khi mà không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng bảo hiểm đều được ghi nhận để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Còn đối với bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, trong trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm phá sản thì người tham gia có thể mất hết quyền lợi. Tuy nhiên, với bảo hiểm nhân thọ, trong một số trường hợp, tiền bảo hiểm sẽ không được chi trả do thuộc điều khoản bị loại trừ.
Chẳng hạn, có trường hợp doanh nghiệp quy định không phải trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp (chết do tự tử trong thời hạn hai năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình… ).
Tuy nhiên, cũng có được trường hợp khách hàng được bồi thường tiền tỷ đối với những sản phẩm bảo hiểm được thiết kế có điểm nổi bật hay là quyền lợi về tử vong.
Mặc dù vậy, nhìn chung quyền lợi của bảo hiểm xã hội và nhân thọ vẫn có những điểm tương đồng dù số tiền chi trả là khác nhau. Quyền lợi của bảo hiểm xã hội được thể hiện thông qua các quỹ như quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ ốm đau và thai sản.
Còn các quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ được thể hiện thông qua các quyền lợi liên quan đến tai nạn, hỗ trợ nằm viện qua đêm, bệnh hiểm nghèo, bệnh lý nghiêm trọng, tử vong, hưu trí. Người tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ chọn những quyền lợi mình muốn, sau đó công ty bảo hiểm sẽ tính phí bảo hiểm phải đóng, dựa trên độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, loại hình nghề nghiệp, mức chi trả quyền lợi mong muốn là bao nhiêu, tỷ lệ mà người mua bảo hiểm này gặp rủi ro sự kiện bảo hiểm đó là bao nhiêu…
Mua cả hai
Mua cả hai là quyết định đúng đắn nhất, những ai đang có bảo hiểm xã hội có thể mua thêm bảo hiểm nhân thọ để các quyền lợi bảo vệ đầy đủ hơn, nhằm đem đến cho mình các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính tốt nhất khi không may ốm đau, bệnh tật.
Và thực tế làm việc của người viết bài này nhận thấy, có một bộ phận lớn nhân viên văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM, những người làm việc theo hợp đồng đã có bảo hiểm y tế nhà nước vẫn không quên “bỏ túi” thêm bảo hiểm y tế thương mại để có giải pháp hữu hiệu bảo vệ sức khỏe và tài chính trước các rủi ro ốm đau bệnh tật.
Bảo hiểm thương mại đóng phí cao nhưng chi trả lớn và được chấp nhận ở nhiều bệnh viện quốc tế có dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao.
Điều này, với những người làm tự do (không đóng bảo hiểm xã hội) thì cũng rất nên tìm hiểu để lựa chọn mua bảo hiểm y tế tự nguyện (của cơ quan bảo hiểm xã hội) hay đóng bảo hiểm nhân thọ. Nếu có thể cáng đáng được về mặt tài chính, có thể tham gia thêm cả bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sau này (những người đi làm có hợp đồng được doanh nghiệp đóng phần lớn bảo hiểm, còn với người lao động tự do phải đóng toàn bộ nên mức đóng khá lớn).
Nhìn chung, về nguyên tắc, cơ quan bảo hiểm xã hội hay doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sau khi thu phí bảo hiểm đều có trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm khi những sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tùy vào tỷ lệ gặp rủi ro của từng cá nhân, và tùy thuộc vào mức chi trả/ đền bù sẽ tính được ra phí bảo hiểm cần đóng (thường là đóng theo năm). Vậy chỉ cần khách hàng đóng phí đủ như yêu cầu, sẽ có quyền lợi bảo hiểm đền bù khi rủi ro xảy ra.
Chẳng hạn, chỉ với mức phí 650.000 đồng/năm, có những bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán lên tới 500 triệu đồng đối với bảo hiểm y tế thương mại. Thực tế, đã có nhiều trường hợp khách hàng được chi trả hoàn toàn khi không may gặp phải tai nạn, bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo lên tới tiền tỷ.
Có không ít trường hợp tham gia cả bảo hiểm y tế nhà nước và bảo hiểm y tế thương mại. Sau khi được bảo hiểm y tế nhà nước chi trả tiền viện phí, khám chữa bệnh..., khách hàng tiếp tục nhận được tiền hỗ trợ, giải quyết quyền lợi bảo hiểm từ phía bảo hiểm y tế thương mại nên kinh tế gia đình gần như không bị ảnh hưởng. Người bệnh an tâm chữa trị, gia đình người bệnh cũng không còn lo gánh nặng về kinh tế.
Tuy nhiên, với bảo hiểm thương mại, số tiền được chi trả bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng khi mua. Với bất kỳ loại hình bảo hiểm nào, càng đông người tham gia, nộp tiền vào thì loại hình bảo hiểm đó sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào mục tiêu an sinh của xã hội.
Thực ra, việc so sánh bảo hiểm xã hội với bảo hiểm thương mại là không dễ do bảo hiểm nhân thọ có nhiều gói quyền lợi khác nhau với nhiều mức phí khác nhau. Trong khi bảo hiểm xã hội là bảo hiểm bắt buộc thì bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện, ai cũng có thể mua nếu đủ điều kiện sức khỏe và kinh tế.
Bắt đầu từ 1/6/2017, những người không có bảo hiểm y tế sẽ phải trả phí khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều, có thể gấp 3 - 4 lần hiện nay. Nếu không có bảo hiểm y tế, nếu không may bị bệnh, nhiều người sẽ đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ.
Do không hiểu hết ý nghĩa của các sản phẩm hiện có trên thị trường nên có những cách hiểu sai lệch. Người ủng hộ bảo hiểm xã hội thì chê bảo hiểm nhân thọ và ngược lại. Do đó, rất cần có cái nhìn đa chiều về hai loại hình mang tính nhân văn này. Đừng để chỉ vì không nhận thức đúng đắn về bảo hiểm nói chung mà khi gặp trọng bệnh đành ngậm ngùi ra về vì không đủ điều kiện tài chính điều trị.
Về bản chất, bảo hiểm y tế (BHYT) nhà nước là hoạt động đảm bảo an sinh xã hội còn BHYT thương mại là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận. Tuy nhiên, cả hai hệ thống BHYT nhà nước và BHYT thương mại đều có chung mục đích đó là: Chi trả cho người tham gia bảo hiểm không may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật. Trong đó, quỹ BHYT nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT; doanh nghiệp bảo hiểm chi trả theo danh mục và mức tối đa theo thỏa thuận giữa DNBH và người tham gia bảo hiểm.