Chưa có con số thống kê chính thức nhưng số hộ dân đang sống trên những tòa chung cư cao tầng trên cả nước lên đến vài trăm ngàn hộ. Tại TP. HCM có trên 1.000 chung cư đã đưa vào sử dụng. Tại Hà Nội số chung cư cũng gần tương đương con số này. Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) rộng trên 300 héc-ta, trong đó chiếm diện tích không nhỏ là chung cư cao tầng. Giá bán của các căn hộ này chỉ bao gồm thuế VAT mà chưa có phí bảo hiểm cháy nổ. Việc mua bảo hiểm là do mỗi chủ căn hộ tự quyết định.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, phần lớn gia đình tại các toà nhà này đều chưa mua loại hình bảo hiểm này bởi cho rằng, hiểm họa cháy nổ ở đâu đó rất xa xôi chứ không phải thường trực. Mặc dù Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại, hệ thống thoát hiểm tương đối tốt nhưng không ai dám khẳng định, khi có cháy xảy ra mọi người đều có thể an toàn. Rủi ro cháy nổ với các tòa nhà cao tầng thuộc diện bắt buộc mua bảo hiểm và đã được luật pháp quy định, song các chủ đầu tư không mấy khi quan tâm tới việc này. Thực tế, có rất nhiều chung cư chưa mua bảo hiểm.
Theo Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, trong mảng bảo hiểm cháy nổ (BHCN) của tổng công ty, nhóm khách hàng chung cư, nhà cao tầng chỉ chiếm chưa đầy 5%. Phí BHCN thường dao động 0,1-0,2% giá trị xây lắp của tòa nhà.
Không chỉ nhà chung cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh cháy nổ cũng không tự giác chấp hành quy định về BHCN. Theo thống kê của Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), sau 2 năm triển khai quy định chế độ BHCN bắt buộc tổng số cơ sở có nguy cơ cháy nổ thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc trên toàn quốc là 30.256 cơ sở nhưng mới có 12.712 cơ sở mua (chiếm 42%). Tổng giá trị tài sản được tính cho phần mua BHCN (cả bắt buộc và tự nguyện) là 5.174.857 tỷ đồng. Tổng số phí mua bảo hiểm tài sản nói chung trong đó có BHCN bắt buộc là 2.634,2 tỷ đồng. Trong đó tổng số phí mua BHCN bắt buộc là 180 tỷ đồng chiếm 6,83% và tổng số phí mua BHCN tự nguyện là 2.454,2 tỷ đồng.
Sở dĩ người dân và các DN chưa mua BHCN bắt buộc do chưa ý thức hết hậu quả khi xảy ra hiểm họa. Mặt khác, việc tiếp cận mua sản phẩm BHCN cũng không phải dễ dàng khi các DN chưa mặn mà đẩy mạnh bán sản phẩm này vì nhiều lý do.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), trên thị trường BHCN, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra gay gắt giữa các DN bảo hiểm thông qua việc hạ phí bảo hiểm không tương xứng với rủi ro được chấp nhận bảo hiểm, giảm mức khấu trừ, giảm loại trừ bảo hiểm, nhận thêm rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm khác. Vẫn theo AVI, BHCN bắt buộc được triển khai theo quy tắc, điều khoản tại Quyết định 28/2007/QĐ-BTC (QĐ 28) rất khó mở rộng, bổ sung các điều khoản điều kiện bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. QĐ 28 cũng có các quy tắc, điều khoản tương đối độc lập với đơn bảo hiểm tài sản (BHCN và rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro), nhiều đối tượng, cơ sở phải tham gia BHCN bắt buộc không có trong biểu phí, nhiều cơ sở thuộc diện sử dụng ngân sách Nhà nước chưa xây dựng nguồn chi để đóng phí hoặc chưa có nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đóng phí bảo hiểm kịp thời đầy đủ theo quy định. Nhiều DN bảo hiểm gộp nhiều tài sản của những DN lớn ở những vị trí khác nhau để vượt ngưỡng 30 triệu USD thực hiện mức phí bảo hiểm thỏa thuận…
Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khiến các DN bảo hiểm chưa muốn đẩy mạnh triển khai BHCN. Đó là việc bán bảo hiểm qua đấu thầu làm các DN bảo hiểm muốn thắng thầu phải cạnh tranh phí bảo hiểm, mở rộng điều kiện, điều khoản, từ đó bất tuân thủ theo nguyên tắc của BHCN bắt buộc hoặc chấp nhận bảo hiểm với mức phí bảo hiểm không tương xứng với rủi ro. Cùng với đó là những điều khoản, điều kiện bảo hiểm được mở rộng bổ sung đồng nghĩa với việc không cần đánh giá rủi ro để đưa ra mức phí chấp nhận bảo hiểm.
Câu chuyện cháy nhà chung cư tại Hà Nội là hồi chuông cảnh tỉnh về phòng cháy chữa cháy cũng là cơ hội cho các DN bảo hiểm đẩy mạnh bán sản phẩm BHCN. Nhưng khi nhận thức của người dân chưa thay đổi, việc tiếp cận sản phẩm vẫn khó khăn thì cũng khó lòng tăng được thị phần.