Bảo hiểm xe cơ giới - một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu cao nhất cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thời gian qua chịu nhiều tác động bởi quy định giãn cách xã hội, lượng xe bán mới giảm…, dẫn tới giảm mạnh doanh thu.
Để tháo gỡ khó khăn, hầu hết công ty bảo hiểm đã tung ra hàng loạt chương trình thúc đẩy bảo hiểm xe cơ giới trong và sau dịch bệnh, thúc đẩy bảo hiểm trực tuyến cũng như các chương trình ưu đãi giảm phí, chia sẻ khó khăn tới khách hàng… Có doanh nghiệp mở rộng cuộc thi bán hàng trong năm để tạo động lực cho cán bộ khai thác.
Giải thưởng bán hàng tốt sẽ được chuyển trực tiếp cho nhân viên bán hàng để tạo động lực. Được biết, tổng chi phí thưởng bán hàng cho nghiệp vụ xe cơ giới trong 6 tháng qua của công ty này là hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài bảo hiểm xe cơ giới, các nghiệp vụ khác gặp khó khăn trong khai thác như bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tài sản cũng được “kích cầu” bằng các chương trình thưởng thi đua bán hàng (chi phí hoa hồng vẫn được trả theo quy định).
Thực tế, không phải đến khi dịch bệnh diễn ra các công ty bảo hiểm mới đẩy mạnh thi đua bán hàng, mà muốn đẩy mạnh doanh thu nghiệp vụ nào thì doanh nghiệp sẽ xây dựng chương trình thi đua khen thưởng cho nghiệp vụ đó, chủ yếu là các nghiệp vụ bảo hiểm chính yếu.
Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm có thị phần khá lớn nói rằng, năm 2020, dù khó khăn vì dịch bệnh, nhưng mức tăng trưởng chung của thị trường dự báo tiếp tục duy trì ở mức 2 con số bởi tiềm năng thị trường bảo hiểm ở Việt Nam chưa được khai thác hết. Tuy nhiên, điều ông e ngại không phải là việc khai thác khó khăn, mà là vấn đề cạnh tranh phi kỹ thuật.
“Rủi ro lớn nhất hiện nay chính là thị trường bảo hiểm vẫn tồn tại hành vi cạnh tranh phi kỹ thuật. Tất nhiên, một số doanh nghiệp muốn gia tăng thị phần trước rồi mới tối ưu hóa lợi nhuận, đó là chiến lược riêng của từng doanh nghiệp, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh trên thị trường sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng căng thẳng”, vị này nhìn nhận.
Kết quả kinh doanh của thị trường phi nhân thọ Việt Nam được nhìn nhận tiếp tục chịu sức ép của tình trạng cạnh tranh gay gắt, tỷ lệ bồi thường cao, trong khi lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm lớn nếu có cũng ở mức rất thấp.
Trong báo cáo về Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam 2020, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best cho rằng, bên cạnh chi phí khai thác cao của các sản phẩm bán lẻ, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân, các công ty bảo hiểm Việt Nam thường có tỷ trọng chi phí quản lý trên thu nhập phí cao hơn so với các công ty trong khu vực và trên thế giới.
Theo AM Best, tình hình cạnh tranh dẫn đến việc giảm phí và nới lỏng kỷ luật khai thác khi các doanh nghiệp sử dụng ngoại lệ trong khai thác bảo hiểm xe cơ giới và tài sản để tranh giành dịch vụ. Hậu quả là, kết quả kinh doanh của nghiệp vụ tài sản rất xấu do bị ảnh hưởng bởi một loạt tổn thất liên quan tới cháy nổ trong năm 2018 và 2019.
Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng phải đối mặt với tình trạng trục lợi bảo hiểm đang gia tăng về cả tần suất lẫn mức độ thời gian gần đây đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe.
Mặc dù vậy, nhiều công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục, góp phần làm giảm sức ép đối với lợi nhuận nghiệp vụ những năm qua.
Bên cạnh việc tăng phí, thắt chặt kỷ luật khai thác và lựa chọn rủi ro thận trọng, các công ty cũng được hưởng lợi từ việc tăng phí đối với bảo hiểm tài sản theo quy định mới, thể hiện qua sự cải thiện tỷ lệ tổn thất ở một số loại hình nghiệp vụ.
Ví dụ, tỷ lệ tổn thất của bảo hiểm xe cơ giới đã giảm từ 58% năm 2018 xuống 47% năm 2019, trong khi tỷ lệ tổn thất của bảo hiểm sức khỏe ổn định ở mức quanh 30%; tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm thân tàu giảm từ 74% năm 2018 xuống còn 50% trong năm 2019…
AM Best cũng ghi nhận việc các công ty bảo hiểm Việt Nam đã áp dụng công nghệ để quản lý chi phí hoạt động và chi phí đại lý hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, AM Best dự báo sự cạnh tranh trên thị trường phi nhân thọ tiếp tục gay gắt trong thời gian tới khi các doanh nghiệp tìm cách gia tăng thị phần trong một thị trường tăng trưởng nóng như Việt Nam.