Bao giờ Việt Nam hết “đội sổ” về quản trị công ty?

Bao giờ Việt Nam hết “đội sổ” về quản trị công ty?

(ĐTCK) “Tuy điểm số về QTCT của các DN Việt Nam có cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn kém xa các DN trong khu vực…”, TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình cao học quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia QTCT khu vực ASEAN trao đổi với ĐTCK.

Không DN Việt nào có tên trong Top 50 DN niêm yết được vinh danh có chất lượng QTCT tốt nhất khu vực ASEAN năm 2015. Điều này thêm một lần nữa cho thấy Việt Nam còn xa mới thoát khỏi tình cảnh “đội sổ” về QTCT, thưa bà?

Trong chương trình đánh giá Thẻ điểm QTCT năm nay, đã có 50 DN niêm yết được vinh danh có chất lượng QTCT tốt nhất khu vực ASEAN. Phần lớn trong số này là các DN của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines.

Trong số DN niêm yết có chất lượng QTCT tốt nhất tại mỗi quốc gia được vinh danh, Việt Nam có 3 đại diện: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCK TP. HCM (HCM) và CTCP Sữa Việt Nam (VNM). 2 DN khác của Việt Nam được ghi nhận có chất lượng QTCT cải thiện nhiều nhất trong 3 năm 2012-2015 là: CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Cơ điện lạnh (REE). Nhìn chung, các DN được vinh danh về QTCT đều có cải thiện tích cực về điểm số trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc không một DN niêm yết nào của Việt Nam có tên trong Top 50 DN niêm yết được vinh danh có chất lượng QTCT tốt nhất khu vực ASEAN cũng như thực tế mức điểm trung bình của các DN Việt Nam còn kém xa so với các quốc gia trong khu vực, là bằng chứng cho thấy thực hành QTCT tại Việt Nam còn thấp và chưa đạt được các chuẩn mực mà ASEAN hướng tới. Do đó, nếu các lãnh đạo DN không tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, thì khó có thể đưa Việt Nam thoát khỏi tình cảnh “đội sổ” về QTCT như hiện tại.

TS. Nguyễn Thu Hiền
 

Để khắc phục tình trạng trên, là người trực tiếp chấm điểm các DN Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN năm 2015, bà có khuyến nghị nào cho DN và nhà quản lý Việt Nam?

Điểm số QTCT của DN Việt Nam tốt nhất vẫn còn khoảng cách xa so với các DN top đầu trong khu vực. Khoảng cách này có liên quan đến hai nhóm tiêu chí chính mà ngay cả các DN Việt Nam tốt nhất vẫn chưa đạt được: nhóm tiêu chí liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT); nhóm tiêu chí nhạy cảm, khó thực hiện hơn do có xung đột lợi ích khi thực thi các tiêu chí này.

Bà Hiền cho biết, tại Hội nghị, khi trả lời câu hỏi: “QTCT – thương hiệu hay gánh nặng”, lãnh đạo các DN niêm yết đoạt giải cao về QTCT trong ASEAN chia sẻ: chi tiêu cho QTCT không phải là phí tổn, mà là chi cho đầu tư. Với cách nhìn này, QTCT tốt không phải mang lại doanh thu hay lợi ích ngắn hạn, mà đem lại hình ảnh tốt cho DN trong dài hạn. Điều này vừa giúp DN thu hút vốn đầu tư quốc tế dài hạn và ổn định, vừa cải thiện hình ảnh DN trong các mối quan hệ với đối tác kinh doanh, với khách hàng và thị trường.

Với nhóm tiêu chí thứ nhất, nếu DN thực hiện tốt có thể giúp rút ngắn đến 1/3 khoảng cách điểm. Đây là nhóm câu hỏi không khó để các DN đáp ứng, bởi chỉ cần các DN tích cực đáp ứng các chuẩn mực tốt về CBTT thì có thể cải thiện được điểm số. Đáng tiếc là với nhóm tiêu chí đặt ra các yêu cầu không quá khó đáp ứng này, vẫn nhiều DN ở Việt Nam chưa chú trọng thực thi các bước đi cần thiết để cải thiện chất lượng QTCT.

Còn với nhóm tiêu chí thứ hai, nếu DN thực hiện tốt có thể giúp rút ngắn đến 2/3 khoảng cách điểm. Nhóm tiêu chí này đặt ra nhiều đòi hỏi khắt khe hơn, đụng chạm nhiều hơn đến các lợi ích của các bên hữu quan, nên đang là thách thức lớn. Để thỏa mãn nhóm tiêu chí này, đòi hỏi tính đột phá của HĐQT, ban điều hành DN từ nhận thức cho tới hành động nhằm nâng cao chất lượng QTCT. Đây là điểm yếu khá phổ biến ở các DN niêm yết Việt Nam. Phần nhiều việc thực hiện các tiêu chí này nằm trong quyền quyết định của lãnh đạo DN, các thành viên HĐQT.

Để nâng cao điểm số QTCT, cần nhất là tinh thần cải cách QTCT từ các lãnh đạo DN, bên cạnh nỗ lực của các cán bộ phụ trách CBTT.

Hai nhóm tiêu chí trên có liên quan đến một chủ điểm được tập trung thảo luận tại Hội nghị QTCT khu vực ASEAN 2015. Đó là tầm quan trọng của luật pháp và các nhân tố thúc ép từ thị trường đối với nâng cao chất lượng QTCT. Là người trực tiếp tham gia hội nghị này, bà có thể chia sẻ chi tiết vấn đề này?

Nhiều câu hỏi được trao đổi tại Hội nghị về sự cần thiết của các thành viên thị trường, cơ chế thị trường bên cạnh tầm quan trọng của các quy định pháp luật đối với nỗ lực nâng cao chất lượng QTCT. Theo đó, các diễn giả là đại diện các UBCK, sở GDCK cho rằng, cơ chế luật pháp có vai trò thúc đẩy quản trị tốt, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, nơi mà mức độ minh bạch còn thấp.

Tuy nhiên, việc dựa nhiều vào quy định của các văn bản luật để thúc đẩy QTCT chỉ có thể giúp QTCT được duy trì ở mức tối thiểu, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do đó, cần hơn các sức ép, áp lực từ thị trường - cơ chế thị trường, nhằm nâng cao chất lượng QTCT. Chính yếu tố thị trường sẽ thúc đẩy quản trị tự nguyện, giúp quản trị nâng lên tầm cao mới, đáp ứng thực sự nhu cầu của NĐT trong nước và quốc tế.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ở những nước mà các thành viên thị trường có nhiều hoạt động tích cực, năng động, luôn tạo ra áp lực tốt đối với các DN về nâng cao chất lượng QTCT thì chất lượng QTCT ở mức tiến bộ cao và ngược lại. Đây là điều cả cơ quan quản lý lẫn các DN Việt Nam cần lưu ý, nếu muốn nỗ lực nâng cao điểm số QTCT trong thời gian tới.

Tin bài liên quan