"Đại công trường" của "vàng tặc" tại mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.V
Vây ráp, chặn bắt “vàng tặc” từ nhiều hướng
Trước vấn nạn “vàng tặc” đổ xô khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu sau khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (chủ đầu tư) phá sản, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác vàng trái phép khu vực mỏ vàng này.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh Quảng Nam nêu thực trạng: “Thời gian qua, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh diễn biến phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.
UBND tỉnh Quảng Nam phân công Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, xây dựng phương án đấu tranh xử lý các đối tượng cầm đầu, cốt cán, đối tượng sử dụng hung khí, vũ khí nóng hoạt động băng, nhóm theo kiểu “xã hội đen” bảo kê, tranh giành địa bàn, khu vực khai thác; các hành vi vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hóa chất, chất độc, vật liệu nổ phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép.
“Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện Phú Ninh tổ chức kiểm tra truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép, đặc biệt là các đối tượng gây cản trở, đe dọa, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ”, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Trong khi đó, tại Thông báo kết luận số 350 (ngày 20/8/2021) của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, một số người dân tại địa phương, các huyện giáp ranh và từ các địa phương khác đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu tổ chức khai thác vàng trái phép ngày càng phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Thanh, lực lượng Công an huyện Phú Ninh phối hợp với UBND xã Tam Lãnh và các đơn vị liên quan thuộc huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhất là tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi địa bàn, tháo dỡ, phá huỷ nhiều công cụ, phương tiện dùng khai thác vàng trái phép… bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng địa hình rộng lớn, phức tạp, tái xâm nhập khôi phục hiện trạng nên hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực vẫn tiếp tục tái diễn.
“Do đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Thanh nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn và Công an huyện Phú Ninh xây dựng kế hoạch, phương án tối ưu nhất để xử lý triệt để, không khoan nhượng đối với các đối tượng cầm đầu tổ chức hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xác định cụ thể sơ đồ hầm lò, đối tượng cầm đầu quản lý, tuỳ theo mức độ, hành vi vi phạm để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Ông Thanh cũng đề nghị Công an tỉnh tăng cường lực lượng công an chính quy hoặc điều động có thời hạn công an chính quy từ các xã trên địa bàn huyện Phú Ninh cho Công an xã Tam Lãnh để phối hợp với các đơn vị, lực lượng của huyện Phú Ninh xây dựng kế hoạch tổ chức các chốt chặn ki. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND xã Tam Lãnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, yêu cầu các cửa hàng cam kết không bán, cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu... cho các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Kiểm soát phù hợp nhằm ngăn chặn vận chuyển phương tiện, công cụ, lương thực phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép, trong đó quy định cụ thể đối tượng, phương tiện được phép ra vào khu vực.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Phú Ninh có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan và UBND xã Tam Lãnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương phải chấm dứt, không tiếp tục tham gia khai thác vàng trái phép, trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện Phú Ninh tạo điều kiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất…, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương đang tham gia khai thác vàng trái phép.
“UBND huyện Phú Ninh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xác định các khu vực đất không nằm trong diện tích phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong tổng diện tích 358 ha của mỏ vàng Bồng Miêu, có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất và giao lại cho địa phương quản lý, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho người dân trồng rừng, phát triển nông nghiệp đảm bảo sinh kế lâu dài”, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Thời gian đóng cửa mỏ nằm… trên giấy
"Thổ phỉ" công khai hoạt động tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: P.V |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Phú Ninh xác định các khu vực đất không nằm trong diện tích phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong tổng diện tích 358 ha của mỏ vàng Bồng Miêu để làm thủ tục thu hồi đất và giao lại cho địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng loạt vấn đề.
Thứ nhất, cập nhật Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu phù hợp với thực tế để khẩn trương phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ, giao UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu và ban hành Quyết định đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Thứ hai, cho phép tỉnh Quảng Nam thực hiện trước một số công việc trong thời gian chờ phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ thuộc phạm vi mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý để đảm bảo tình hình an ninh trật tự và giải quyết việc làm cho người dân địa phương; vừa thực hiện thủ tục, thi công đóng cửa mỏ, vừa đấu thầu chọn doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở xác định, đánh giá trữ lượng còn lại của mỏ vàng Bồng Miêu.
Và cuối cùng là tổ chức lựa chọn đơn vị khai thác tại các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trữ lượng, có nguy cơ khai thác trái phép (ngoài các khu vực trước đây đã cấp cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu).
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Phú Ninh tổ chức rà soát, xác định lại diện tích đất Công ty Vàng Bồng Miêu không còn sử dụng để tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, giao lại địa phương quản lý, làm thủ tục giao đất cho người dân canh tác đúng quy định của pháp luật.
“Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sớm nhất để đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thăm dò, khai thác khoáng sản”, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Báo Đầu tư ngày 22/8/2021 đăng bài: “Đóng cửa “trên giấy”, mỏ vàng Bồng Miêu biến thành “thành phố của vàng tặc”. Bài báo phản ánh, trong khi Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) vẫn nằm trên giấy, thì tại đây, nhiều năm qua đã trở thành “bình địa đen” về an ninh trật tự và môi trường. “Vàng tặc làm bất kể ngày đêm. Đi ban đêm có thể thấy đèn sáng. Người đông đúc như một thành phố vậy”, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói về mức độ phức tạp ở mỏ vàng vô chủ này. Sốt ruột vì Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu chậm thực hiện, ngày 6/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam phải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm sắp xếp, tổ chức buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất giải pháp, sớm triển khai Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Song, đến giờ phút này, mốc thời gian đóng cửa mỏ vàng này vẫn nằm… trên giấy.