“Ô nhiễm quá chừng”
Những ngày qua, người dân làng Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) lại tập trung trước cổng 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý để ngăn cản hoạt động của các nhà máy này. “Đã hết thời hạn 6 tháng hoạt động thêm như quyết định của Thành phố, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa biết hai nhà máy này có di dời hay không, nên lại phải đến đây để phản đối”, một người dân chia sẻ.
Theo phản ánh của người dân, hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý gây ra khói bụi, ô nhiễm và tiếng ồn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Làng Vân Dương là nơi trồng hoa cúc nhiếu nhất của xã Hòa Liên, nhưng nay không thể trồng được, vì gỉ sắt của hai nhà máy thép thải ra. Hằng đêm, tiếng ồn của hai nhà thép khiến người dân không thể yên giấc.
Chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm
Tháng 2/2018, người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 đã tập trung trước cổng các nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc để phản ứng. Trước sự phản đối gay gắt của người dân, chính quyền TP. Đà Nẵng đã tổ chức nhiều buổi đối thoại. Sau đó, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, đã thông báo chủ trương của lãnh đạo TP. Đà Nẵng là “không để nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên, đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy”.
Làng Vân Dương là nơi trồng hoa cúc nhiếu nhất của xã Hòa Liên, nhưng nay không thể trồng được, vì gỉ sắt của hai nhà máy thép thải ra.
TP. Đà Nẵng cũng có quyết định cho phép hai nhà máy này hoạt động thêm 6 tháng kể từ ngày 26/3/2018 để giải quyết hàng hóa tồn đọng. Đến nay, thời hạn 6 tháng đã hết, nhưng câu hỏi có di dời hai nhà máy thép hay không vẫn chưa được trả lời.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, hai nhà máy đã dừng hoạt động. Thành phố đã thành lập 2 tổ công tác để giám sát hoạt động và môi trường của hai nhà máy này.
Ông Nam cho hay, để đảm bảo kết luận chính xác hai nhà máy thép gây ảnh hưởng môi trường như thế nào, đơn vị đã tham mưu cho UBND Thành phố có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, mời đơn vị quan trắc độc lập, giám sát độc lập hoạt động của hai nhà máy; đồng thời mời đơn vị tư vấn quan trắc thực hiện độc lập các kết quả quan trắc để đánh giá tác động môi trường.
“Hoạt động của hai nhà máy, nếu như xác định gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép thì sẽ yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục, nếu không khắc phục được thì buộc phải ngừng hoạt động. Đây là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Thành phố”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết, kết quả quan trắc đã hoàn tất.
“Căn cứ vào kết quả quan trắc này, UBND Thành phố sẽ có quyết định theo đúng quy định của pháp luật", ông Nam nói.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản yêu cầu sớm tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực 2 nhà máy thép thuộc Công ty cổ phần Thép Dana - Ý và Công ty cổ phần Thép Dana - Úc và khu vực xung quanh theo quy định pháp luật.
Trước việc người dân lại tập trung phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm ở hai nhà máy thép này, mới đây, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương, đơn vị liên quan, yêu cầu 2 nhà máy thép chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Dana - Ý cho biết: “Công ty luôn chấp hành chủ trương của Thành phố về việc dừng hoạt động sản xuất thép tại xã Hòa Liên. Dù Thành phố quyết định di dời ngay hay di dời có lộ trình thì nhà máy đều tuân thủ và nghiêm túc thực hiện ngay khi nhận được đền bù thỏa đáng”.
Công ty cổ phần Thép Dana - Ý là công ty sản xuất thép xây dựng lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên, tọa lạc trên diện tích 15 ha tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), cung cấp 460.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty cổ phần Thép Dana - Úc tọa lạc trên diện tích 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Thanh Vinh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), với công suất hàng năm là 300.000 tấn sản phẩm thép xây dựng và 300.000 tấn phôi.