Nợ xấu vẫn đang tăng
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến tháng 5/2017 là 2,53%, tăng so với nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2016 (2,46%).
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank cho thấy, tổng nợ xấu ở mức xấp xỉ 66.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm; tất cả các ngân hàng đều có số nợ xấu tăng về giá trị tuyệt đối. Đặc biệt, Vietcombank, BIDV, Eximbank, MB, SHB, VPBank, VIB, Techcombank và NCB có nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn, cũng tăng 5,8%, lên gần 31.900 tỷ đồng, chiếm gần 52% nợ xấu.
Ngân hàng có số nợ xấu lớn nhất là BIDV, với gần 15.400 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức gần 7.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2%, trong khi nợ nghi ngờ tăng tới 74,9%, lên 1.800 tỷ đồng.
NCB có tỷ lệ nợ xấu tăng tới hơn 60% so với đầu năm với con số 608 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới gần 52%, lên 309 tỷ đồng, chiếm 51% tổng nợ xấu, trong khi nợ nghi ngờ tăng gấp 5,4 lần, lên hơn 121 tỷ đồng.
Báo cáo của Techcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ở mức 2,06%, so với mức 1,58% hồi đầu năm. Cụ thể, nợ xấu tăng từ hơn 2.200 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng, tương đương mức tăng 21%. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng lên 1.500 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% so với đầu năm và chiếm 56,3% tổng nợ xấu.
Hết quý II/2017, nợ xấu của ACB là hơn 2.000 tỷ đồng, tăng tới 41,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1% trên tổng dư nợ, tăng so với mức 0,87% hồi đầu năm.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho biết: “Mặc dù một số biện pháp đã được thực hiện để giải quyết nợ xấu, nhưng các vấn đề về chất lượng tài sản vẫn là một quan ngại”.
“Quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thừa nhận,
Đối với câu chuyện nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Giải pháp then chốt vẫn là cơ chế chính sách”.
Nhanh chóng tạo lập thị trường mua bán nợ
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, một lần nữa nhấn mạnh về việc để xử lý nợ xấu nhanh chóng cần tạo lập thị trường mua bán nợ, chứng khoán hóa những món nợ để bán trên thị trường này. TS. Hiếu ví dụ, ngân hàng gom 10 món nợ, mỗi món nợ 100 tỷ đồng có tài sản bảo đảm và chứng khoán hóa món nợ bằng cách phát hành chứng khoán với giá trị 1.000 tỷ đồng.
Trên danh nghĩa người mua không mua trực tiếp những món nợ đó mà mua chứng khoán được phát hành từ ngân hàng, được bảo đảm bởi những món nợ và những tài sản bảo đảm thế chấp cho món nợ đó.
“Chúng ta đã nói mãi về việc phải thành lập thị trường mua bán nợ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quy định luật pháp về thị trường này, mà chỉ có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), các ngân hàng và công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng tiến hành mua bán nợ.
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được thông qua bắt đầu tạo nền tảng tạo lập thị trường mua bán nợ. Tôi cho rằng, NHNN nên đứng ra chủ trì việc thành lập thị trường này và triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ với điều kiện có ngân sách, nguồn nhân lực thì mới hy vọng 1 năm nữa có thể thành lập được thị trường mua bán nợ”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ban hành ngày 1/7/2016 có hiệu lực thi hành cùng ngày, tại Chương III, Điều 9 về Trách nhiệm của Bộ Tài chính nêu rõ: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; hướng dẫn thi hành Nghị định 69.
Điều 12 về trách nhiệm của NHNN nêu rõ: NHNN phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của Nghị định 69 đối với AMC trực thuộc ngân hàng thương mại.
Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Điều này có nghĩa, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng, quy chế… của việc thành lập thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, đến hiện tại, vẫn chưa có động thái cơ bản nào cho việc ra đời thị trường mua bán nợ”.
Về phía NHNN, trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt, phần định hướng và giải pháp về xử lý nợ xấu, NHNN cho biết, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD và VAMC, đồng thời phát triển thị trường mua bán nợ để chủ động sửa đổi, bổ sung, tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng:
Thứ nhất, nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiêp, khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ, trong đó nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại Luật Đất đai về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các TCTD.
Thứ hai, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về chứng khoán, trong đó xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Vụ Pháp chế (NHNN) bổ sung: “Những giao dịch riêng lẻ, cụ thể là các cá nhân có nhu cầu mua nợ xấu sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Dẫu vậy, những giao dịch này có những giới hạn nhất định nên khó thúc đẩy được nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Còn DATC, VAMC, các ngân hàng và AMC của các ngân hàng vẫn chỉ là những thành viên góp phần tạo lập nên thị trường mua bán nợ”.