“Cần từ 5-7 năm loại hình quỹ hoán đổi danh mục ETF mới trở nên sôi động trên TTCK, nhưng chúng ta cần hành động từ bây giờ vì tương lai của loại hình quỹ này”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phát biểu như vậy trong cuộc họp bàn giải pháp cho TTCK 2014 cuối tuần qua.
Trước đó, trong cuộc gặp mặt của Sở GDCK Hà Nội (HNX) với các CTCK hồi tháng 11 năm 2013, khi thành viên đặt câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có loại hình quỹ ETF, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX nói rằng, nền tảng pháp lý đã có và hệ thống giao dịch có thể hoàn thiện trong quý I, vì thế để có quỹ ETF, chỉ còn chờ miếng ghép cuối cùng từ chính các nhà tạo lập quỹ.
Vì sao phải có ETF?
Công ty liên doanh Quản lý quỹ Vietcombank chia sẻ, tổng quy mô quỹ mở hay quỹ tương hỗ trên toàn thế giới khoảng 26,8 nghìn tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất toàn cầu, chiếm khoảng 49% số này. Về loại hình quỹ, phổ biến nhất là quỹ mở, chiếm 88,6%, thứ đến là quỹ ETF chiếm 9,1% và cuối cùng là quỹ đóng, chỉ chiếm 1,8% quy mô ngành quỹ thế giới. Những con số này cho thấy, quỹ ETF có vị trí tương đối lớn trong ngành quỹ thế giới và Việt Nam không thể bỏ qua việc phát triển loại hình quỹ này.
Một tổ chức lớn khác, Bộ phận dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam đánh giá, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 229/2013/TT-BTC hướng dẫn về quỹ hoán đổi danh mục là một điểm sáng chính sách năm 2013 và tổ chức này kỳ vọng, năm 2014, Việt Nam sẽ xuất hiện sản phẩm ETF đầu tiên.
Theo quy định hiện hành, ETF là một trong số các loại hình quỹ đầu tư mà đối tượng tạo lập chính là công ty quản lý quỹ. Trong khối các công ty quản lý quỹ Việt Nam, hiện có 2 công ty là SSIAM và VFM tỏ ra quan tâm đến việc lập quỹ ETF và đang chờ đợi các động thái pháp lý để thực hiện những bước đi chính thức trong việc lập quỹ này.
Với nhà đầu tư đại chúng, quỹ ETF là gì, vẫn là một khái niệm rất đỗi mơ hồ. Người ta chỉ biết đến việc có 2 quỹ ETF quy mô khá lớn từ nước ngoài đang “tác nghiệp” trên TTCK Việt Nam. Một số CTCK lớn cập nhật thêm danh mục đầu tư của loại hình quỹ này để nhà đầu tư Việt Nam tham khảo. Còn lại, cơ chế vận hành quỹ ETF như thế nào, những đối tượng nào tham gia, kỹ thuật giao dịch ra sao… thì hầu như chưa từng được phương tiện truyền thông đại chúng đề cập, nên “dân tình” nhìn chung không biết rõ.
Chia sẻ về độ lớn của 2 quỹ ETF tại Việt Nam, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM cho biết, Quỹ DB Tracker Vietnam và Quỹ Market Vectors Vietnam có tổng tài sản quản lý khoảng 800 triệu USD, tương đương 26% giá trị mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào VN30. Chỉ riêng 2 tổ chức này đã chiếm hơn 1/4 khả năng đầu tư của khối ngoại, cho thấy đây là dòng vốn rất quan trọng trên thị trường.
Bao giờ Việt Nam có ETF?
Như lời Chủ tịch HNX thì yếu tố cuối cùng để có “ETF made in Vietnam” là sự vào cuộc của các công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, ở phía các công ty quản lý quỹ, kiến nghị đến ngành chứng khoán ngày 21/2 vừa qua vẫn là “đề nghị nhà quản lý hoàn thiện các quy định pháp lý cho phép triển khai ETF”. Vậy còn những điểm gì chưa hoàn thiện để ra đời ETF tại Việt Nam?
Bên cạnh nỗ lực của Sở GDCK hoàn thiện hạ tầng giao dịch thì điều kiện bắt buộc để hình thành ETF là phải có quy định về hoạt động vay và cho vay chứng khoán. Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong năm 2013, cơ quan này đã trình UBCK bản dự thảo Đề án và quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL).
Việc xây dựng hệ thống này trước hết hướng tới việc hỗ trợ các tổ chức đủ tiêu chí làm thành viên lập quỹ ETF, cùng với đó là hỗ trợ các thành viên của VSD (công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký) vay mượn chứng khoán do sửa lỗi, dẫn đến tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán giao dịch.
Cũng theo VSD, bản dự thảo về quy chế hoạt động giao dịch, hoán đổi, đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán và thực hiện quyền đối với chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF đã được VSD trình lên UBCK. Theo đó, về cơ bản, VSD sẽ cung cấp những dịch vụ liên quan đến việc phong tỏa chứng khoán cơ cấu góp vốn lập quỹ, hoạt động đăng ký chứng chỉ quỹ ETF, thực hiện các giao dịch hoán đổi sơ cấp, thực hiện quyền chứng chỉ ETF…
Ai lấp khoảng trống kiến thức về quỹ ETF?
Lắng nghe cuộc hội thảo của UBCK, cảm nhận chung của nhiều người là thông điệp năm 2014 của ngành là sẽ thúc đẩy các sản phẩm mới và ETF là một sản phẩm cụ thể, hiện hữu được chờ đợi ngay trong năm này.
Nhà quản lý và công ty quản lý quỹ đều thể hiện mong muốn và quyết tâm thúc đẩy ETF xuất hiện sớm. Tuy nhiên, văn bản pháp lý thực tế vẫn chưa hoàn chỉnh và đây phải là điểm hoàn chỉnh trước hết. Bên cạnh sự theo sát và nỗ lực của một số công ty quản lý quỹ lớn, được ví như miếng ghép cuối cùng, thì còn một khoảng trống rất lớn để hoàn chỉnh bức tranh về ETF chính là kiến thức của nhà đầu tư, của thị trường về loại hình quỹ này.
Xét cho cùng, dù là quỹ gì, thì mục tiêu lớn nhất vẫn là huy động người có tiền góp vốn vào quỹ, nhà quản lý quỹ tìm cách sinh lợi khoản tiền đó để đủ sức trả gốc + lãi cho nhà đầu tư, và phần mình là một khoản phí. Nếu nhà đầu tư không hiểu, không ấn tượng với sản phẩm, thì sản phẩm mới dù có hiện đại, chuyên nghiệp đến đâu, cũng không thu hút được dòng tiền để tạo quỹ.
Nhìn hiện trạng nhiều quỹ mở hiện nay đang khó huy động thêm vốn (loanh quanh quy mô tối thiểu 50 tỷ đồng), thậm chí vốn góp ban đầu lập quỹ chủ yếu của “người nhà” sẽ thấy rõ vai trò của nhà đầu tư trong miếng ghép cuối cùng này. Vì thế, nếu đặt mục tiêu năm 2014 cần có quỹ ETF thì việc đào tạo nhà đầu tư cần được đặt ra như ưu tiên số 1. Đào tạo nhà đầu tư bằng cách nào và quan trọng nhất là ai làm, là câu hỏi không đơn giản, bởi đào tạo là quá trình phức tạp và lâu dài, chứ không giống như việc ra 1 quyết định, quyết xong là xong.
“Cần hỗ trợ về thuế, phí cho các thành viên lập quỹ ETF” Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh
Theo chúng tôi, ETF là sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và đây là loại hình đầu tư đại chúng rất phát triển trên thế giới. ETF do các quỹ trong nước phát hành sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tránh được hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tại các thị trường phát triển trước, sản phẩm ETF giai đoạn ban đầu rất cần các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ví dụ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông…
Tại Việt Nam, để các sản phẩm ETF đến được với nhà đầu tư, yếu tố khôn thể thiếu là phải có các thành viên lập quỹ và nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp, mạnh về tài chính, vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Theo chúng tôi, rất cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng tham gia lập quỹ ETF về phí, thuế và các điều kiện để thực hiện vai trò của mình, giúp cho sản phẩm triển khai thành công và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. |