Trước đó, NĐT chúng tôi kỳ vọng, Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK khi được ban hành sẽ giúp việc nới room theo Nghị định 60 được thực hiện ngay, chứ không phụ thuộc vào chủ ý cá nhân của ai. Thông tư hướng dẫn sẽ phản ánh đúng và đầy đủ tinh thần của Nghị định.
Ngày 18/8, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn số 123/2015/TT-BTC. Tuy không đúng hoàn toàn mở như kỳ vọng của nhà đầu tư, nhưng văn bản này đã có sự thay đổi quan trọng so với bản dự thảo trước đó.
Cụ thể, để được nới room, Thông tư 123 không bắt DN phải xin ý kiến ĐHCĐ sửa đổi Điều lệ, trừ khi muốn giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài dưới mức luật cho phép. Tuy nhiên, Thông tư 123 vẫn yêu cầu DN phải có biên bản họp và nghị quyết của HĐQT về việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (trong trường hợp công ty không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài) mới được xem xét nới room đến 100%. Về phần này, nhà đầu tư chúng tôi vẫn thấy không phù hợp.
Cụ thể, tại sao lại phải chờ HĐQT thống nhất, mà không mặc nhiên room (của các DN không thuộc ngành nghề hạn chế đầu tư) ở mức tối đa 100% như Nghị định 60 cho phép? Việc bỏ thủ tục ĐHCĐ là điểm tích cực, nhưng việc trao quyền quyết định nới room cho HĐQT lại là không công bằng với nhà đầu tư cá nhân như chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng, HĐQT chỉ là những cá nhân làm việc đại diện cho tập thể cổ đông của công ty. Vậy tại sao lại trao quyền cho những cá nhân này quyết thay một vấn đề đã được văn bản pháp lý cho phép? Với cách làm này, những cổ đông cá nhân như chúng tôi chỉ có cách “dài cổ” ngóng đợi HĐQT xem xét, trong khi nếu HĐQT câu kết lại, vì những lợi ích hoặc lý lẽ của họ, quyết bỏ qua cơ hội nới room thì DN sẽ không thể được nới room.
Chúng tôi đã chờ Nghị định 60 của Chính phủ, chờ Thông tư 123 của Bộ Tài chính từ nhiều năm nay. Nay văn bản này được ban hành, lại mới được thực thi rất hạn chế. Rất mong các văn bản pháp luật được thực thi ngay khi có hiệu lực, xin đừng trao quyền quyết định có theo luật hay không vào tay một số người.
Theo chúng tôi, UBCK nên xem xét yêu cầu HĐQT các DN, tổ chức phát hành, niêm yết phải xác định tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài theo các ngành nghề DN đã đăng ký, đồng thời gửi công văn thông báo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK nơi đăng ký niêm yết và công bố thông tin đại chúng trước ngày 1/10 - ngày Thông tư 123 có hiệu lực. Ngày Thông tư có hiệu lực nên là ngày các DN phải đăng ký tỷ lệ nới room. Có như vậy, chính sách pháp lý từ Chính phủ mới thẩm thấu được đến nhà đầu tư đại chúng.
Là NĐT cá nhân, tôi và nhiều NĐT khác đã và đang phải đối mặt với một rừng tin đồn, một rừng cổ phiếu “giấy”, rồi lại phải đối phó với các NĐT có thông tin nội bộ, các báo cáo tài chính có những điểm không trung thực, trong khi ít có cơ hội tiếp cận DN… Vì thế, khi pháp lý đã rõ ràng, xin đừng trao quyền được thực thi pháp luật vào tay một số lãnh đạo DN, dù họ là thành viên HĐQT đi nữa.
Tôi nghĩ rằng, nếu nói các NĐT cá nhân ở Việt Nam là những NĐT liều lĩnh nhất thế giới, chắc cũng không ngoa chút nào, bởi môi trường đầu tư hiện có nhiều rủi ro và kém minh bạch. Chúng tôi đầu tư, phải nộp phí môi giới cho CTCK hàng ngày, khoản phí này phải đến 20% được nộp đến các Sở GDCK (CTCK thu mức 0,15% của nhà đầu tư, nộp lại 2 Sở mức 0,03% đối với chứng khoán niêm yết; 0,02% đối với chứng khoán trên UPCoM).
Với khoản phí không nhỏ, chúng tôi mong mỏi nhà quản lý hãy làm nhiều việc vì nhà đầu tư đại chúng, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chúng tôi chiếm 95% số lượng nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, nhưng từng người riêng lẻ lại không đủ khả năng tác động đến quản trị DN, đến việc nới room mà chúng tôi hằng chờ đợi quá lâu rồi.
Chúng tôi cần sự nỗ lực của UBCK, của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và điều cần nhất là room thực sự mở với tất cả các DN thuộc diện được mở, để tạo ra những chuyển biến thực trên TTCK Việt Nam sau quyết sách nới room mà Thủ tướng đã ban hành.
Tháng 10 năm nào cũng có, nhưng tháng 10 cho việc nới room thực sự cho TTCK thì không biết đến bao giờ, nếu như HĐQT DN cố tình lờ đi.