Báo động về tính minh bạch tại DN niêm yết

Báo động về tính minh bạch tại DN niêm yết

(ĐTCK) Chất lượng thông tin tài chính của các DN niêm yết năm nay đã giảm sút ro rệt so với các năm trước.

Đó là nhận định của lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại hội thảo “Trách nhiệm của kiểm toán viên và đơn vị được kiểm toán trong việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam mới” do UBCK phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức cuối tuần qua, thời điểm hầu hết các DN đang chuẩn bị khoá sổ kế toán, lập BCTC năm.

 

“Chỉ nhìn qua, đã thấy vô lý”

Bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính nhận xét: “Chỉ cần nhìn qua là chúng tôi đã nhận thấy sự vô lý trong cách lập BCTC của DN, thấy BCTC của DN chưa tuân thủ đúng quy định chuẩn mực kế toán”. Bà Hà giải thích, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, sức cầu suy giảm, hàng tồn kho trong DN tăng cao và nợ phải thu khó đòi cũng theo đó tăng vọt, vì vậy, một BCTC trung thực, chính xác phải phản ánh được những thực tế này. Tuy nhiên, trên BCTC năm 2011 và BCTC bán niên, BCTC quý của hầu hết các DN công bố thời gian qua đã không thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ phải thu khó đòi.

“Việc lập BCTC tại nhiều DN không chỉ là một kỹ thuật, mà phải nói đã là một nghệ thuật”, bà Hà ví von. Nhiều DN dựa vào chính sách kế toán như “cái van” để điều chỉnh lợi nhuận, chẳng hạn thay đổi thời gian khấu hao tài sản cố định từ 15 năm lên 25 năm để giảm con số chi phí khấu hao trong năm, làm tăng lợi nhuận của DN. 

Báo động về tính minh bạch tại DN niêm yết ảnh 1

Minh bạch là nền tảng của bất cứ TTCK nào

Báo cáo của ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK tại Hội thảo đã khái quát những “sai sót thường gặp” trong việc lập và trình bày BCTC của các DN niêm yết trong 6 nhóm cơ bản, từ hình thức của BCTC, cho đến các nội dung quan trọng trong BCTC, như liên quan đến bảng cân đối kế toán, các khoản dự phòng, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính, BCTC hợp nhất.

Với báo cáo kết quả kinh doanh, nhiều DN được xác định đã không ghi nhận đúng số lãi vay dự tính phải trả, không kết chuyển toàn bộ chi phí quản lý DN phát sinh trong kỳ vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mà “treo” lại một phần trên bảng cân đối kế toán, một thủ thuật điều chỉnh lợi nhuận của DN. 

Riêng đối với thuyết minh BCTC, một phần không thể thiếu trong BCTC để diễn giải về cơ sở của những con số trên BCTC, theo ông Hải, đã có rất nhiều sai sót. Thuyết minh chính sách kế toán một đằng, nhưng thực tế lại thực hiện một nẻo. Ông Hải dẫn ví dụ, DN thuyết minh chính sách kế toán ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái là chuẩn mực kế toán số 10, nhưng thực tế, lại kế toán theo quy định tại Thông tư 201/2009, văn bản có mâu thuẫn với chuẩn mực này. Tình trạng rất phổ biến là thuyết minh thiếu nhiều nội dung theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

“Trong năm 2012, UBCK đã yêu cầu 20 DN niêm yết phải giải trình, bổ sung thuyết minh BCTC, đặc biệt là thuyết minh về các bên liên quan, về tài sản tiềm tàng, nợ tiềm tàng còn thiếu”, ông Hải cho biết.

 

Quy trách nhiệm ra sao?

Cần phải khẳng định, việc hiểu và áp dụng đúng các quy định trong chế độ, chuẩn mực kế toán không đơn giản và các sai sót trong việc lập và trình bày BCTC là khó tránh khỏi. Nhưng những sai sót trên BCTC của các DN trong năm nay dày hơn, đang báo động về tính minh bạch của thông tin kế toán các DN niêm yết, cũng như vi phạm quy định của pháp luật về kế toán.

Theo bà Hà, hiện nay, có tình trạng DN niêm yết thuê một lúc 2 - 3 công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán BCTC, công ty nào cho ra báo cáo kiểm toán đẹp hơn thì DN sẽ sử dụng báo cáo kiểm toán đó.

“Trong đợt kiểm tra chất lượng dịch vụ của một số công ty kiểm toán vừa qua, chúng tôi đã phát hiện hai báo cáo kiểm toán của hai công ty kiểm toán khác nhau về cùng một công ty niêm yết, được ký cùng một ngày, nhưng một báo cáo chấp nhận toàn phần, một báo cáo có khoản ngoại trừ”, bà Hà chia sẻ.

Lâu nay, khi BCTC có xác nhận của kiểm toán độc lập mặc nhiên được coi như đã được đảm bảo và nếu có sai sót, công chúng thường “kết tội” cho phía công ty kiểm toán. Nhưng tại Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, để xảy ra sai sót trên BCTC sau kiểm toán, trách nhiệm cao nhất không phải thuộc về công ty kiểm toán mà là của DN, những người trực tiếp lập BCTC. Tuy nhiên, kiểm toán viên có vai trò liên đới trong chuyện này.

Bà Hà ví dụ, trên một số báo cáo kiểm toán BCTC hợp nhất, có khoản ngoại trừ khoản đầu tư vào công ty liên kết do kiểm toán viên không thu thập được BCTC của công ty liên kết, nhưng khi cơ quan quản lý phát hiện và chất vấn về việc đã kiểm tra xem BCTC của công ty liên kết này đã nộp cho cơ quan thuế hay chưa, thì phía kiểm toán không thể trả lời được. “Đằng sau đó là những vấn đề gì giữa DN và kiểm toán?”, bà Hà đặt câu hỏi.

 

Sẽ không còn những “vùng cấm” với công ty kiểm toán

Trong lộ trình hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động kế toán, kiểm toán, nhất là khi Luật Kiểm toán độc lập được ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã uỷ quyền cho VACPA soạn thảo hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán mới, với yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như trách nhiệm của kiểm toán viên cao hơn. Dự kiến, hệ thống chuẩn mực này sẽ được ban hành trong tháng 12 này và chính thức được áp dụng với kỳ kiểm toán từ đầu năm 2013.

Điểm mới trong dự thảo chuẩn mực này là quy định DN kiểm toán và đơn vị được kiểm toán được phép ký hợp đồng kiểm toán trong nhiều năm tài chính liên tiếp, thay vì lựa chọn kiểm toán và công ty kiểm toán trong từng năm. Theo ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACPA, điều này sẽ giúp DN kiểm toán có thời gian gắn bó đủ dài với đơn vị được kiểm toán để hiểu sâu, hiểu kỹ, từ đó, chất lượng của cuộc kiểm toán được nâng cao hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập, DN kiểm toán phải thực hiện luân chuyển thành viên ban giám đốc và kiểm toán viên phụ trách hợp đồng sau 3 năm. Trong trường hợp công ty có lợi ích công chúng hạn chế về phạm vi kiểm toán, tạo những “vùng cấm” không cho phía công ty kiểm toán tiếp cận, chuẩn mực quy định, công ty kiểm toán phải phát hành “thư quản lý”, kịp thời có kiến nghị với HĐQT của DN để điều chỉnh.

Nhằm đảm bảo BCTC cung cấp thông tin trung thực hơn về tình hình tài chính của DN, chuẩn mực kiểm toán được ban hành tới đây cũng có quy định về việc hạn chế các khoản ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán. Trường hợp DN kiểm toán không không tham gia vào quá trình kiểm kê hàng tồn kho, tiền mặt đúng ngày khoá sổ năm tài chính của DN theo quy định, công ty kiểm toán phải thực hiện các biện pháp bổ sung, thay thế. “Trường hợp nào cũng có cách xử lý, vấn đề là DN kiểm toán có muốn làm hay không”, ông Mai khẳng định.

“Các DN cần thực hiện nghiêm chuẩn mực kế toán trong lập BCTC”

Bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính

 

Về phía các DN, cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng hệ thống chuẩn mực, chế độ kế toán để thực hiện đúng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2012, hàng tồn kho lớn, số DN phá sản hoặc giải thể tăng vọt, các DN bắt buộc phải tính dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng rủi ro các khoản nợ phải thu khó đòi. Bên cạnh đó, DN bắt buộc phải tính khấu hao bất động sản đầu tư vì giá bất động sản đã giảm rất mạnh.

 

Để nâng cao chất lượng kiểm toán các DN (đại chúng và niêm yết), từ năm nay, Bộ Tài chính không gia hạn cho các DN kiểm toán không còn nằm trong danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết, công ty đại chúng. Với những hợp đồng kiểm toán đang được thực hiện dở dang, kiên quyết phải hủy bỏ và đơn vị được kiểm toán phải ký hợp đồng kiểm toán với công ty kiểm toán khác. DN kiểm toán BCTC hợp nhất bắt buộc phải kiểm toán BCTC các công ty con, công ty liên kết.

 

 

“Nếu không tuân thủ chuẩn mực, DN niêm yết chịu thiệt đầu tiên”

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK

 

Không hiếm trường hợp DN niêm yết đã không cung cấp đủ BCTC của các công ty con, công ty liên kết cho phía công ty kiểm toán. Do vậy, kiểm toán viên thiếu căn cứ để xác định tính chính xác của số liệu trên BCTC hợp nhất. Kết quả là báo cáo kiểm toán của DN sẽ tồn tại một khoản ngoại trừ của kiểm toán viên về khoản đầu tư vào công ty liên kết.

 

Việc cung cấp không đủ BCTC của công ty liên kết có thể giúp DN “làm đẹp” được con số lợi nhuận tức thời. Nhưng với khoản ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán, DN sẽ không đáp ứng điều kiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn theo quy định của Luật Chứng khoán. Và như vậy, DN niêm yết là đối tượng chịu thiệt đầu tiên.