Báo động tình trạng công khai làm giá chứng khoán

Báo động tình trạng công khai làm giá chứng khoán

(ĐTCK-online) Thật sự, chưa bao giờ hiện tượng làm giá trên TTCK Việt Nam lại xuất hiện công khai như hiện nay.

Người ta gọi điện cho nhau thông tin về khả năng cổ phiếu nào chuẩn bị đánh lên, đánh lên với giá bao nhiêu và khi nào dừng lại để có thể  bán ra. Cổ phiếu của các công ty như một quân cờ trong tay một nhóm người điều khiển theo ý muốn chủ quan của các nhà thao túng. Việc làm giá công khai không chỉ còn nằm ở một nhóm người mà là đánh cả hội đồng, nhóm này liên kết với nhóm kia, thậm chí, CTCK cũng là một mắt xích trong liên kết này.

Thao túng từ cổ phiếu vừa và nhỏ

Bất chấp kết quả kinh doanh lỗ lãi, hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 200 - 300 tỷ đồng lên giá rất nhanh trong thời gian qua. Theo nghiên cứu của nhóm phân tích CTCK Âu Việt (AVS) thì dòng tiền đầu tư chủ yếu đã đổ vào các penny-stock tại sàn HNX, làm cho khối lượng giao dịch tại sàn này có nhiều phiên gần ngang ngửa với sàn HOSE. Trong tháng 4/2010, số cổ phiếu có tốc độ tăng giá trên 30% của cả 2 sàn là 87 mã (trong đó, HNX là 68; HOSE là 19, nghĩa là gấp 3 lần) cổ phiếu tăng giá có đến 90% là cổ phiếu vừa và nhỏ. Những cổ phiếu tăng mạnh là: PVA, PVC, CVT, PVE, TNA, HHC, VSP, DHI, CMG, LTC, DCS… và có nhiều giao dịch đột biến.

Vì sao những cổ phiếu vừa và nhỏ lại là đối tượng làm giá chủ yếu của các nhà thao túng? Đơn giản đó là những cổ phiếu này dễ thao túng nhất, bởi không cần vốn nhiều, tính thanh khoản thấp nên dễ khống chế giá theo ý muốn chủ quan của các nhà thao túng. Thời điểm ban đầu, hiện tượng làm giá chỉ diễn ra ở một vài cổ phiếu nhỏ tại sàn HNX. Nhiều  người cho rằng, việc nhồi tiền vào những cổ phiếu này không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng chung trên thị trường.

Thị trường đang trầm lắng, một vài con sóng nhỏ sẽ tạo sự thu hút các NĐT đến sàn. Việc làm giá quá dễ đã khiến các nhà thao túng bắt đầu đưa con số làm giá từ vài mã lên hàng chục mã rồi tới vài chục mã cổ phiếu trên thị trường, tạo luồng tiền chuyển dịch về các cổ phiếu nhỏ theo phản ứng dây chuyền. Để có thể khuynh đảo được chiều hướng chung trên thị trường, cần phải có lượng tiền nhiều hơn với nhiều chuyên gia kinh nghiệm hơn, sự liên kết giữa các phòng tự doanh của các CTCK, nhóm đầu tư độc lập… vì thế đã được hình thành. Để có sự trợ giúp nhiều hơn nữa, các CTCK đã bắt đầu tư vấn, chỉ đạo từ xa việc mua, bán cho các khách hàng ruột của mình. Một hệ thống có bài bản để thao túng giá đã được hình thành như vậy một cách công khai và được coi là “chuyện bình thường ở huyện”, mà không biết đến sự nguy hại có thể xảy ra đối với thị trường.

 

Đến đích nhắm là… blue-chip

Trở lại diễn biến của thị trường cho thấy, việc mua vào trong thời điểm ban đầu chỉ là miếng mồi cho những con cừu non chạy theo. Khi mồi đã “quá thơm” thì các con cáo bắt đầu nhả ra và nó hiểu rằng, các ngưỡng kháng cự sẽ là thời điểm tốt nhất cho việc kết thúc nhả hàng và bắt đầu một chu kỳ mới. Ngưỡng 530 - 540 điểm là ngưỡng kháng cự khá mạnh, đây là thời điểm tốt nhất để có thể đẩy giá xuống, tiếp tục mua vào cổ phiếu ở mức giá rẻ hơn cho một chu kỳ làm giá mới. 

Quá trình rớt giá liên tục trong thời gian qua cho thấy, hành vi thao túng giá đã đạt mức quy mô có bài bản. Phiên giao dịch ngày 20/5 là phiên giao dịch bật lên theo phản ứng kỹ thuật bình thường, nhưng đến phiên giao dịch ngày 21/5 thì hành vi thao túng là khá rõ. Vì theo quy luật thông thường, dư âm của phiên lên giá ngày trước thường được phản ánh đầu phiên, nghĩa là xu hướng lên giá vẫn được tiếp tục, nhưng với một khối lượng mua bán không nhiều lại chủ yếu đặt ở giá sàn, thị trường rớt giá rất mạnh ngay từ đầu phiên. Điều đó cho thấy, khả năng các nhà thao túng vẫn còn ý định tiếp tục dìm giá xuống thấp hơn nữa để mua vào. Nhiều người dự đoán, đích nhắm tiếp theo của các cổ phiếu bị thao túng khả năng sẽ là các blue-chip, vì giá các cổ phiếu này hiện nay đang rất rẻ và không phải là đối tượng để hệ thống kiểm tra giám sát UBCK nhòm tới.

 

Hiện tượng này phát sinh từ đâu ?

“Hiện tượng này phát sinh từ đâu?”, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã đặt câu hỏi như vậy sau chuỗi thao túng vừa rồi. Quá trình này được xác định đã bước qua giai đoạn hai, tức là sau khi đã tạo được lợi nhuận “trong mơ” từ việc đẩy giá lên để bán ra là con sóng dìm giá xuống để tiếp tục mua vào. Nhiều NĐT cho rằng, nếu như bộ phận giám sát thanh tra của UBCK nhạy hơn về thị trường, về những quy luật biến động thông thường thì không khó trong việc nhận diện  các hành vi thao túng giá này.

Thông qua những biểu hiện biến động lên giá bất thường của hàng chục cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như quy mô liên kết thao túng giá công khai như vừa rồi, không khó để phát hiện và xử lý theo luật. Song thực tế, chỉ với biện pháp hành chính yêu cầu doanh nghiệp giải trình cho thấy, dường như cơ quan giám sát thị trường đang bất lực trước xu hướng thao túng giá ngày càng bài bản và có hệ thống và đang được công khai hóa.  

Một quan chức của UBCK thừa nhận, khâu yếu kém nhất trong bộ máy quản lý của UBCK hiện nay là kiểm tra giám sát thị trường. Bộ máy này đang được vận hành một cách hành chính, nhiều tầng nấc nên khó có thể theo kịp sự vận hành của TTCK với tính chất thị trường biến thiên liên tục.

Bài học phải đóng cửa thị trường vì không kiểm soát được các hành động thao túng trên TTCK Thái Lan vẫn còn đó và không biết bao giờ mới được coi là một cảnh tỉnh nóng cho những nhà quản lý thị trường tại Việt Nam?