Báo động chất lượng báo cáo của các CTCK

Báo động chất lượng báo cáo của các CTCK

(ĐTCK) Ở một vài CTCK, báo cáo nhận định lại được sử dụng như một công cụ để kêu gọi nhà đầu tư “làm giá” cổ phiếu.

Theo thống kê của hai Sở GDCK, hiện thị trường có 102/105 CTCK thực hiện nghiệp vụ môi giới đầu tư. Đối với các nhà đầu tư, ý kiến tư vấn của các CTCK thường đóng vai trò khá quan trọng.  Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng chú trọng hoạt động này, phản ánh qua việc chất lượng báo cáo nhận định ngày càng “xuống cấp”.

Báo động chất lượng báo cáo của các CTCK ảnh 1

Chất lượng đi kèm thị phần

Theo thống kê của ĐTCK, trong số 13 CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới quý II/2012 trên toàn TTCK Việt Nam, đa số đều có chất lượng báo cáo phân tích nhận định khá tốt. Chính vì vậy, 13 CTCK này chiếm tới 55,76% thị phần môi giới.

Tại CTCK TP. HCM (HCM), người đứng đầu bộ phận phân tích là một chuyên gia tài chính nước ngoài, ông Fiachra Maccana. Bên cạnh tình hình kinh tế chung, mỗi ngày, HCM đều chọn ra một công ty để phân tích cơ bản về tình hình tài chính, năng lực và triển vọng sản xuất kinh doanh. Nét khác biệt nhất mà HCM đem lại chính là việc các chuyên gia của HCM thay mặt nhà đầu tư liên lạc trực tiếp với công ty để làm sáng tỏ những vấn đề mà họ quan tâm.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HCM, người đọc báo cáo phân tích nhiều hơn thường là những nhà đầu tư tổ chức, do đó, mối quan tâm của họ là giá trị của công ty. Hiện bộ phận phân tích của HCM có khoảng 20 người, gồm những chuyên gia phân tích có năng lực và trình độ. Các báo cáo phân tích hàng ngày yêu cầu phải cập nhật thông tin mới nhất về công ty nhằm cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn tốt nhất về giá trị mà họ sẽ nhận được khi đầu tư.

Tại CTCK KimEng (KEVS), chiếm vị trí thứ 4 về thị phần, công tác báo cáo phân tích cũng được chú trọng. Ngay khi thị trường chuyển sang giao dịch hai buổi, KEVS đã tăng cường thêm việc gửi Bản tin giữa ngày ngay sau khi kết thúc giao dịch buổi sáng, nhằm giúp nhà đầu tư có điều kiện theo dõi sát thị trường.

 

Chất lượng báo cáo đang “xuống cấp”

Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK gặp nhiều khó khăn, không ít CTCK đang cắt giảm nhân sự một cách triệt để. Đối tượng thường bị cắt giảm đầu tiên chính là những chuyên gia phân tích, “ngồi ăn lương để viết báo cáo”. Tại khá nhiều công ty, chuyên gia phân tích bị điều sang làm môi giới, hoặc bị cắt giảm. Trên website của nhiều CTCK, mục báo cáo phân tích bị bỏ trống hoặc cập nhật mới nhất từ 2010 - 2011. Theo thống kê của ĐTCK, hiện chỉ có 43/102 CTCK còn duy trì báo cáo phân tích.

Một số công ty lại tận dụng môi giới làm kiêm nhiệm viết báo cáo, khiến chất lượng báo cáo giảm, không còn được như trước do không có sự tập trung nhất định cũng như bị hạn chế về trình độ. Chính vì vậy, mật độ ra báo cáo của các CTCK này thưa dần, dung lượng thông tin cũng nghèo đi. Cá biệt, CTCK Việt Quốc (VQS) hàng ngày vẫn đưa ra nhận định, nhưng chỉ vỏn vẹn chưa đến 1 dòng trên website.

Ở một vài CTCK, báo cáo nhận định lại được sử dụng như một công cụ để kêu gọi nhà đầu tư “làm giá” cổ phiếu. Thông thường, những báo cáo này không được công bố rộng rãi mà chỉ được gửi cho khách hàng VIP trước, sau đó mới gửi đến khách hàng bình thường. Tuy nhiên, độ tin cậy của những báo cáo này khá thấp. Những báo cáo này đôi khi được gửi từ CTCK, nhưng lại dưới danh nghĩa nhân viên môi giới, do dó CTCK không hề chịu trách nhiệm về những báo cáo này. Bởi những nhận định nhiều khi rất chắc chắn, với mục đích khuyến nghị nhà đầu tư mua/bán một vài mã cổ phiếu, khuyến khích dùng đòn bẩy tài chính thật nhiều để tranh thủ kiếm lời, nhưng những cơ sở của nhận định đó lại không được đưa ra. Không ít nhà đầu tư phải ngậm ngùi chia sẻ, chỉ vì tin vào những khuyến nghị trong “báo cáo ngầm” này, hậu quả… lãnh đủ.

Ngoài nghiệp vụ môi giới, các CTCK còn có hoạt động tự doanh. Do đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, CTCK ra bản tin nhằm mục đích “đánh lên hay đánh xuống” thị trường để phục vụ cho hoạt động tự doanh của mình. Khi thị trường “lình xình” và chưa rõ xu hướng, nhiều nhà đầu tư tìm đến các nhận định và báo cáo phân tích của CTCK để tham khảo cho quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, họ càng hoang mang hơn với những khuyến nghị trái chiều hoàn toàn giữa các CTCK.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, các CTCK đưa ra nhiều nhận định hoặc khuyến nghị trái ngược nhau là điều bình thường bởi cách tiếp cận khác nhau và bản thân các phương pháp, công cụ phân tích của mỗi CTCK cũng cho kết quả khác nhau. Tuy nhiên, những nhận định này phải nêu được căn cứ và cơ sở chứng minh. Đồng thời, người chịu trách nhiệm đưa ra nhận định đó phải công khai danh tính, thậm chí cả số điện thoại hay email liên lạc để nhà đầu tư có thể phản hồi trực tiếp. Điều này sẽ góp phần gia tăng trách nhiệm của họ khi đưa ra các dự báo cũng như nhận định của mình. Đồng thời, CTCK hoặc cơ quan chức năng có hướng xử lý khi những bản tin này gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.