Tại Việt Nam, xu hướng phát triển báo điện tử, báo mobile rất mạnh mẽ, nhưng các tòa soạn vẫn đang đau đầu giải quyết bài toán nguồn thu, bởi quảng cáo cho loại hình này không cao. Ông đã nhiều lần nhắc đến việc dựng paywall thu phí độc giả. Tính khả thi của nó đến đâu, thưa ông?
Tính đến cuối năm 2012, số lượng các báo của Mỹ và Canada dựng paywall đã lên tới con số 350 và trào lưu này tiếp tục lan sang châu Âu. Trước kia, nhiều người lo là, nếu dựng paywall, thì sẽ không có người đọc báo của mình nữa. Một số tờ như New York Times đã dựng paywall rồi, nhưng lại phải hạ xuống.
Đến tháng 9/2012, New York Times thấy rằng, dựng paywall mới là cách tồn tại và còn hiệu quả hơn cả bán quảng cáo, dù nếu không dựng thì lượng người đọc cao gấp 4-5 lần. Và các tờ báo lớn của Mỹ, châu Âu, bằng cách này hay cách khác, đều bắt đầu thu tiền, thậm chí còn thu rất cao, như New York Times thu 35 USD/tháng.
Tất nhiên, những mô hình thành công như New York Times, Wall Street Journal, hay Financial Times không nhiều lắm, song các báo đều đã thấy rằng, tư duy làm báo điện tử, báo mobil miễn phí trước đây là sai lầm. Việc chỉ trông vào nguồn thu quảng cáo cũng có rủi ro, bởi khi kinh tế khó khăn thì doanh thu quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông, việc thu phí báo điện tử, báo mobil có thực hiện được ở Việt Nam hay không?
Khi chúng tôi bắt tay làm bản mobile đầu tiên vào năm 2009, việc thu phí 5.000 đồng/tháng cũng không đơn giản, dù giá một ly cà phê khi đó là 20.000 đồng. Lý do là người dùng Việt Nam chưa quen với việc trả tiền cho thông tin trên mạng và không có công cụ thanh toán tiện lợi, bởi người Việt Nam chưa có thói quen dùng thẻ tín dụng.
Nhưng đến thời điểm này, mức phí 20.000 đồng/tháng hoàn toàn khả thi và có phương thức thanh toán tiện lợi. Lâu nay, tiện nhất là thanh toán qua hóa đơn điện thoại, nhưng với cách này, các nhà mạng thu rất nhiều, đối soát cũng lâu và rắc rối, chậm thu tiền, nên các đơn vị báo chí không mặn mà. Gần đây, số lượng người Việt tải phần mềm trên mạng và sử dụng dịch vụ thương mại điện tử dần dần tăng lên và nhiều người có thể thanh toán qua các dịch vụ ví điện tử…
Với dân số hơn 91 triệu người, trong đó hơn một nửa là người trẻ, tôi nghĩ tiềm năng thu phí báo điện tử vô cùng to lớn. Vấn đề là các tờ báo có tạo ra được “hàng hóa nội dung” hấp dẫn người dùng hay không. Báo chí Việt Nam hiện nay cứ na ná nhau về tin tức, thì chưa kinh doanh nội dung được. Quả bóng đang nằm ở chân các đơn vị báo chí. Mỗi báo nên có những sản phẩm khác biệt, nhắm đến những đối tượng riêng, nội dung tốt thì mới thuyết phục được người dùng.
Có 2 dạng khách hàng: khách trả phí hàng tháng và khách qua đường trả phí theo từng bài. Với khách trả phí theo từng bài, có thể áp dụng hạ tầng thanh toán hiện tại không?
Chúng tôi đã thử nghiệm và thấy rất triển vọng. Có một số độc giả rất lạ, họ ngần ngại trả 15.000 đồng/tháng để được đọc 20 tin mỗi ngày, tương đương 600 tin/tháng, nhưng lại sẵn sàng nhấn nút trả 5.000 đồng để đọc một bài mà họ quan tâm và nhấn 3 lần như thế, tương đương phí dịch vụ cả tháng.
Chúng tôi thử nghiệm từ tháng 8/2012 và kết quả rất khả quan, nhưng nếu chỉ một mình VietnamPlus dựng tường thu phí thì chưa hiệu quả, nên chưa áp dụng chính thức. Sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục thử hệ thống này, cũng như các cách thức khác để kinh doanh nội dung. Dựng tường thu phí là chiến lược mà chúng tôi đang hướng đến, chứ không miễn phí mãi.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của việc bán tin, thu phí cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp?
Ở nước ngoài, có những tạp chí chuyên ngành không chỉ bán báo cho các độc giả, mà còn cung cấp thông tin chuyên biệt cho các khách hàng doanh nghiệp, kiểu cung cấp thông tin theo địa chỉ. Ở Việt Nam cũng có những đơn vị làm dịch vụ này, nhưng rất ít cơ quan báo chí tham gia.
Với dịch vụ này, sản phẩm cũng phải tốt thì mới bán được. Và đương nhiên phải biết cách quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Cách thức cung cấp thông tin trong thời đại công nghệ cũng phải linh hoạt, có thể là qua email, nhưng có khách hàng lại đòi hỏi truy cập qua website hoặc ứng dụng trên điện thoại, thậm chí đòi hỏi có thông tin tức thời (realtime).
Cơ hội lúc nào cũng có, vấn đề là chúng ta có nhận ra cơ hội, có dám thực hiện và chấp nhận rủi ro hay không. Nhưng không làm thì không bao giờ biết được nhu cầu thị trường thế nào và quan trọng nhất là không biết được chính năng lực của mình.