Con báo mang màu lông khác thường do đột biến gene. Ảnh: IFL Science.

Con báo mang màu lông khác thường do đột biến gene. Ảnh: IFL Science.

Báo đen quý hiếm tái xuất ở Sri Lanka

Bẫy camera ghi lại hình ảnh của báo đen, sinh vật có bộ lông tối màu phù hợp để ẩn nấp và săn mồi trong rừng nhiệt đới.

Vài năm trước, người ta phát hiện một con báo đen chết trong bẫy ở Sri Lanka. Đây được cho là cá thể cuối cùng tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Cơ quan Bảo tồn Sinh vật Hoang dã Sri Lanka (DWC) thông báo, báo đen đã xuất hiện lại trong khu rừng trên núi Adam’s, IFL Science hôm 28/1 đưa tin.

Trước đó, khi nhận được những báo cáo về việc nhìn thấy báo đen từ dân làng, DWC bắt đầu đặt nhiều bẫy camera trên núi Adam’s nhằm ghi hình chúng.

Kết quả là camera phát hiện 4 con báo đen gồm một con cái, một con đực và hai con non. Hình ảnh được ghi lại từ tháng 10 năm ngoái nhưng DWC đợi xác nhận chắc chắn, sau đó mới thông báo chính thức.

Vẻ ngoài ấn tượng có thể khiến nhiều người lầm tưởng báo đen là một loài riêng biệt. Tuy nhiên, thực chất chúng chỉ là báo hoa mai, báo đốm hay loài báo khác mang màu lông đen độc đáo. Đây là kết quả của đột biến gene khiến cơ thể sinh ra quá nhiều hắc tố.

Báo hoa mai đen phân bố ở châu Á và châu Phi, chiếm khoảng 11% tổng số lượng báo hoa mai.

Các nhà khoa học cho rằng bộ lông tối màu giúp chúng ẩn mình trong rừng khi đi săn. Vì vậy, báo đen thường sống ở những khu rừng nhiệt đới rậm rạp.

Trong khi đó, báo hoa mai lông sáng màu sống ở nơi trống trải hơn, ví dụ như những vùng đất có nhiều cây bụi thuộc châu Phi.  

"Những sinh vật này có màu đen chủ yếu phục vụ cho mục đích săn mồi và tự vệ vì chúng thường hoạt động ở nơi lạnh và tối", tiến sĩ Malaka Abeywardene cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn báo đen ở Sri Lanka. Báo hoa mai Sri Lanka được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm động vật nguy cấp do số lượng chỉ còn rất ít.

Tin bài liên quan