Những kỷ niệm khó quên
Tôi đến TP.HCM lần đầu vào tháng 9/1991, thời điểm Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa nhiều, tòa nhà cao nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ là Khách sạn Caravelle; ở Hà Nội dường như không có tòa nhà nào lớn xung quanh khu vực Hồ Tây và cũng không có nhà máy nào hoạt động dọc đường từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô như bây giờ.
Với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) mà trực tiếp là GS-TSKH Nguyễn Mại (lúc đó là Phó chủ nhiệm), chúng tôi tiến hành hợp tác với cơ quan báo của SCCI để xuất bản tuần báo kinh tế bằng tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.
Giai đoạn đầu, mọi thứ đều khó khăn. Tất cả chúng tôi khởi nghiệp làm báo với máy đánh chữ (sau này mới có máy tính), trầy trật tìm nhân sự, rồi kiếm người đào tạo họ và dĩ nhiên, sau đó là phải nghĩ cách bán quảng cáo, tìm kiếm và thuyết phục khách hàng đăng quảng cáo.
Tôi còn nhớ, chúng tôi vẫn thường phải ngồi vắt óc suy nghĩ những dòng quảng cáo bắt mắt để thuyết phục khách hàng. Dạo ấy, có một công ty chuyên xuất khẩu thanh long (dragon fruit); để tạo ấn tượng với khách hàng, chúng tôi đã dùng dòng tít “Bạn đã bao giờ ăn thịt Rồng chưa?”.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của chúng tôi là xây dựng hệ thống phát hành và tiến hành tiếp thị ra nước ngoài. Và có lẽ chúng tôi đã chọn đúng thời điểm và hướng đúng đối tượng. Tờ báo được bán chạy và tia-ra nhanh chóng đạt đến con số hàng ngàn bản, được phát hành đến các nhà đầu tư ở hải ngoại, vốn luôn háo hức muốn biết thêm thông tin về Việt Nam và các cơ hội làm ăn tại thị trường mới nổi này.
Dĩ nhiên, không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Chúng tôi phải dời việc in ấn từ Công ty Itaxa ở TP.HCM tới Báo Hà Nội Mới ở Hà Nội.
Hà Nội là một sự thay đổi lớn đối với tôi, nhưng tôi lại thích sống ở khu phố cổ. Thỉnh thoảng, độ ẩm ở Hà Nội khiến việc in ấn của chúng tôi gặp khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ và tay nghề của các cộng sự, chúng tôi vẫn có thể đều đặn xuất bản báo ra hàng tuần. Tiếp đó, chúng tôi chuyển đến một xưởng in lớn hơn (Nhà in Tiến Bộ) với một văn phòng lớn hơn, tạo điều kiện để Báo mở rộng quy mô hoạt động.
Cơ hội phát triển lúc đó rất lớn và tờ báo tiếp tục có những tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài hoạt động chuyên môn, tờ báo cũng thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt trao đổi, bàn luận về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Chương trình “VIR Friday Review” sau đó trở thành một sinh hoạt được đông đảo giới kinh doanh trong và ngoài nước hưởng ứng, mỗi lần tổ chức thu hút hơn 200 người tham gia.
Cùng với GS-TSKH Mại, chúng tôi cũng tổ chức các diễn đàn về đầu tư và tiếp tục giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thông qua các cuộc thảo luận và thông qua chính tờ báo VIR, những thông tin đó được chuyển tải đến cộng đồng nhà đầu tư nhiều nước trên thế giới.
Năm 1998, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa VIR Ltd và phía Việt Nam kết thúc, tờ báo chuyển về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trước đó là SCCI).
Nhớ lại những kỷ niệm của quãng thời gian dài hoạt động tại VIR, nhìn lại sự phát triển của tờ báo, bản thân tôi cảm thấy rất đỗi tự hào, vì mình, cùng với các chuyên gia Australia, đã góp phần vào việc chuyển giao công tác làm báo, đào tạo đội ngũ làm báo và kỹ thuật viên vận hành tờ báo trong những năm đầu, đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài. Dù sự hợp tác với phía nước ngoài không còn, nhưng tôi rất vui vì tờ báo vẫn tiếp tục được sản xuất, duy trì được chất lượng và phát triển thêm cả báo điện tử với nội dung rất phong phú.
Tương lai của Báo Đầu tư/ VIR
Giống như nhiều tờ báo in khác, thách thức lớn cho Báo Đầu tư/VIR là tiếp tục phát triển trong một thị trường mà thói quen của độc giả đối với việc mua và đọc báo giấy đang ít dần đi.
Để tồn tại và phát triển, theo tôi, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất mà Báo Đầu tư/VIR cần quan tâm là chất lượng nội dung. Thực tế, việc cung cấp những thông tin về đầu tư mang tính “chung chung” như trước đây bây giờ chẳng còn ý nghĩa nhiều nữa. Thay vào đó, phải nỗ lực cung cấp những thông tin mà người khác không có hoặc khó có thể có được, bằng những phân tích nhạy bén, có chiều sâu và những bài học thực tế để nhà đầu tư có thể thực sự tham khảo. Những bài báo như vậy sẽ rất có giá trị đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Làm sao để khi đọc Báo Đầu tư/VIR, độc giả phải thốt lên: “Tôi đọc thông tin này từ Báo Đầu tư/VIR đấy, anh chỉ có thể lấy thông tin này từ Báo Đầu tư/VIR mà thôi”.
Mặt khác, Báo Đầu tư/VIR phải tận dụng tối đa nguồn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi luôn có dồi dào những thông tin giá trị mà các nhà đầu tư rất cần, để cung cấp thông tin riêng có của Báo Đầu tư/VIR cho độc giả. Báo Đầu tư/VIR cũng cần tôn vinh và thúc đẩy tên tuổi của những cây bút tốt, như nhiều tờ báo và tạp chí khác đã làm, bởi độc giả luôn muốn dõi theo những bài viết của những tác giả mà họ tin là có nhiều kinh nghiệm và có cái nhìn sâu sắc.
Nhân dịp Báo Đầu tư/VIR kỷ niệm sinh nhật lần thứ 23, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới đội ngũ và tương lai của Báo. Giờ đây, khi đã trở lại làm việc ở Việt Nam, tôi sẽ vẫn tiếp tục theo dõi tờ báo, đặc biệt là những phiên bản báo điện tử. Tôi hy vọng, Báo Đầu tư/VIR sẽ tiếp tục là nguồn thông tin hữu ích nhất đối với hoạt động đầu tư ở Việt Nam.