Những vấn đề nóng của cuộc sống, của nền kinh tế luôn được Báo Đầu tư phản ánh, truyền thông kịp thời. Ảnh: Đức Thanh

Những vấn đề nóng của cuộc sống, của nền kinh tế luôn được Báo Đầu tư phản ánh, truyền thông kịp thời. Ảnh: Đức Thanh

Báo Đầu tư và câu chuyện truyền thông chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Suốt hành trình 32 năm xây dựng và phát triển, Báo Đầu tư luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách. Giờ đây, khi vai trò của truyền thông chính sách ngày càng được khẳng định, thì nhiệm vụ đó gần như trở thành sứ mệnh.

Nhanh nhạy đi trước

Hôm qua (26/9), một cuộc tọa đàm về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Báo Đầu tư tổ chức. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khi tham dự đã đánh giá cao việc Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm này, nhất là khi Thường trực Chính phủ vừa có một cuộc làm việc với các doanh nghiệp nhà nước và ở đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp “chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo”.

“Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, tôi đánh giá cao Báo Đầu tư đã tổ chức buổi tọa đàm này”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Ông cũng đề nghị các chuyên gia, các đại biểu tham gia Tọa đàm tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề về vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách doanh nghiệp nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; rồi bàn luận và đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp; đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ...

Đây không phải lần đầu tiên, Báo Đầu tư tổ chức một tọa đàm như vậy. Tất nhiên, cùng với tọa đàm, sẽ là những thông tin được lan tỏa trên các ấn phẩm.

Rất nhiều vấn đề, từ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quản lý tài sản, gỡ khó cho thị trường bất động sản, đến các vấn đề của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, rồi cơ hội phục hồi của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài… đã được Báo Đầu tư khi thì tổ chức tọa đàm, lúc phát triển thành diễn đàn lớn được tổ chức thường niên để thảo luận, làm rõ, hoặc cũng có khi chỉ là thực hiện chuyên đề, chùm bài.

Chỉ mới hơn một tháng trước, Báo Đầu tư đã lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023, với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”. Vẫn là những lời ngợi khen về sự nhanh nhạy và kịp thời khi Báo Đầu tư tổ chức một diễn đàn quy mô lớn đến vậy, trong bối cảnh không chỉ thị trường tài chính, mà cả nền kinh tế Việt Nam “bơi trong dòng xoáy”, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…

Toàn những vấn đề “nóng hổi” của cuộc sống, của nền kinh tế, mà Báo Đầu tư, với tư cách là một trong những tờ báo kinh tế hàng đầu, đã luôn nhanh nhạy đi trước, phản ánh, phân tích, phản biện, làm rõ… Lại biết tận dụng lợi thế là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”, nên các hoạt động đó, các thông tin đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư được không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà cả các đồng nghiệp đánh giá cao.

Đó chính là cách mà Báo Đầu tư đã làm trong suốt hành trình 32 năm vừa qua. Từng bước, cần mẫn và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Tạo đồng thuận

Phải coi truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Dù phản ánh, phản biện thông tin, chính sách luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan báo chí. Nhưng chưa bao giờ, câu chuyện “truyền thông chính sách” được coi trọng như hiện nay.

Cuối năm ngoái, lần đầu tiên, một hội nghị về truyền thông chính sách đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông chính sách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng là một trong những vị bộ trưởng đầu tiên nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách. Ông nói rằng, truyền thông chính sách chính là giải pháp để người dân hiểu và tin tưởng vào chính sách công.

“Truyền thông chính sách là đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi một số vấn đề thuộc điều hành vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu… ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và tâm lý xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng đã nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ đầu nhiệm kỳ, rằng “việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh”, để một lần nữa nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách.

Theo Bộ trưởng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “không để chiến lược trên giấy”, kết hợp với tinh thần “5 thật”, gồm nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật các thành quả đã luôn được quán triệt, thực hiện trong ngành kế hoạch và đầu tư.

Là cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư đã góp một phần không nhỏ vào việc truyền thông các vấn đề “nóng” của đất nước, của nền kinh tế. Nếu như 2-3 năm trước, đó là những vấn đề nền kinh tế phải đối mặt do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thì hiện nay, là những thách thức, rủi ro khi kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của biến động chính trị toàn cầu.

Không phải cho đến bây giờ, nhiệm vụ này mới được nhắc tới. Ngay từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2009-2010, trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đặt ra, giải pháp cuối cùng bao giờ cũng thuộc về “truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội”.

Báo Đầu tư, ngay từ khi đó, thậm chí ngay những năm tháng đầu tiên được thành lập, đã luôn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cao cả đó - tạo sự đồng thuận trong xã hội. Không chỉ nỗ lực đi trước, đi nhanh, mà đã bằng nhiều phương cách khác nhau để đấu tranh cả với những thông tin xấu, thông tin độc hại, qua đó tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội. Khi đó, đây là nhiệm vụ. Giờ đây, khi vai trò của truyền thông chính sách ngày càng được khẳng định, thì nhiệm vụ đó gần như đã trở thành sứ mệnh.

Tạo dựng niềm tin

Bởi thế, từng phóng viên, mỗi bài báo của Báo Đầu tư đã luôn cố gắng theo sát từng “hơi thở” của nền kinh tế: khi thì tăng trưởng GDP chưa đạt kỳ vọng, còn thấp hơn kịch bản tăng trưởng; lúc thì sản xuất công nghiệp gặp khó, xuất nhập khẩu suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; rồi những khó khăn chưa từng có của khu vực doanh nghiệp, của thị trường bất động sản… Ngay cả thu hút đầu tư nước ngoài, tưởng chừng hanh thông, nhưng đang đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ sớm được thực thi tại nhiều nước…

Hai năm 2022-2023 cũng là khoảng thời gian mà các phóng viên Báo Đầu tư vô cùng vất vả trong các chuyến công tác khắp trong Nam ngoài Bắc, dù đi thực tế luôn là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi phóng viên, nếu muốn mang hơi thở của cuộc sống vào trong mỗi bài viết của mình. Bởi đó là khoảng thời gian mà hàng loạt hội nghị triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện các nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế, từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Đồng bằng sông Hồng, rồi vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đông Nam bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung được tổ chức. Cùng với đó, là liên miên các cuộc họp thẩm định các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương…

Bao nhiêu hội nghị là bấy nhiêu vấn đề cần đề cập. Vừa là “mỏ” đề tài quý giá cho phóng viên, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Làm sao để phản ánh đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin; làm sao để người dân hiểu các cơ chế, chính sách mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện để phát triển các vùng kinh tế; làm sao để mỗi bản quy hoạch được thông qua đều được thấu hiểu và minh bạch…

Không thể chỉ là đơn thuần phản ánh nhanh, chính xác và đa chiều, mà còn là phản biện, chia sẻ mọi góc nhìn, để người dân, cộng đồng tin tưởng, đồng thuận với các cơ chế, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã và sẽ ban hành.

“Phải coi truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và cũng đã nhiều lần khẳng định, con người chính là trung tâm của sự phát triển; mọi cơ chế, chính sách phải hướng đến người dân.

Và bây giờ, niềm tin của người dân chính là giá trị cốt lõi của truyền thông chính sách. Báo Đầu tư đang nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để người dân thêm tin tưởng vào các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ. Bằng cách đó, Báo Đầu tư cũng đã nhận được sự tin yêu của các độc giả, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hai chữ “đồng hành” đã luôn được Báo Đầu tư miệt mài và nỗ lực gây dựng, ngay từ những năm tháng xuất bản số báo đầu tiên.

Tin bài liên quan