Bản sắc, giá trị của Báo Đầu tư đến từ tâm huyết, chất lửa của những người Đầu tư
Khát vọng này được truyền từ thế hệ kiến tạo những viên gạch đầu tiên, thế hệ làm nên thương hiệu Báo Đầu tư 30 năm qua, tới những người đang cầm cờ Đầu tư hiện tại…
1. Với những người đặt bút ký vào hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) để ra đời hai ấn phẩm Việt Nam Đầu tư nước ngoài – Vietnam Investment Review vào năm 1991, có thể những gì đang hiện hữu với Báo Đầu tư không phải là hình dung ban đầu.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Đầu tư cũng là người đại diện cho phía Việt Nam đàm phán với đại diện Công ty VIR Ltd do nhóm nhà báo Australia thành lập tại Hồng Kông về sự ra đời của hai ấn phẩm trên kể, ban đầu, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) muốn có một tờ báo để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam ra thế giới.
Khi có sự tham gia của VIR Ltd, kế hoạch trên được đi nhanh hơn. Ngay khi ra đời, Việt Nam Đầu tư nước ngoài và Vietnam Investment Review đã là tờ báo số 1 về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam.
Trong trí nhớ của thế hệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam, măng-séc màu xanh tím của Việt Nam Đầu tư nước ngoài, từ năm 1996 là Báo Đầu tư, Vietnam Investment Review là hình ảnh quen thuộc.
Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital kể, khi về lại Việt Nam vào năm 1994, với vốn tiếng Việt khá… mỏng, cả nghe, nói, đọc, viết, ông đã tìm được nhiều điều diễn ra ở Việt Nam, từ kinh tế, xã hội, các chế độ chính sách… trên Vietnam Investment Review.
Với ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2002 trong vị trí lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài lớn, ông cũng đã chọn ưu tiên vào mỗi sáng sớm thứ Hai là đọc Vietnam Investment Review từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng…
Các doanh nghiệp trong nước cũng vậy, đã không thể thiếu Báo Đầu tư khi tìm kiếm thông tin về cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh cho các kế hoạch phát triển. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group đã nói, chặng đường hơn 30 năm của TBS Group có Báo Đầu tư…
Nhưng sau 30 năm, với các ấn phẩm Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, Vietnam Investment Review, các trang báo điện tử baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan. vn, vir.com.vn và hàng loạt đặc san, hoạt động sự kiện ngoài mặt báo... Báo Đầu tư đã đi xa hơn, vững vàng hơn rất nhiều.
Trong hình dung của ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, Báo Đầu tư không chỉ là một tờ báo kinh tế đa ấn phẩm, đa ngôn ngữ với nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy.
“Báo Đầu tư còn là cơ quan báo chí tạo ra những sân chơi bổ ích. Là đối tác đồng hành của khá nhiều chương trình do Báo Đầu tư tổ chức, như Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên, Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết, Diễn đàn Bất động sản công nghiệp, Đặc san Toàn cảnh thị trường bất động sản…, chúng tôi đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp của đội ngũ Báo Đầu tư trong công tác tổ chức, xây dựng nội dung chương trình và khả năng tạo tính kết nối cao cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Huy nói.
2. Trong bài viết mừng sinh nhật lần thứ 30 của Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại đã viết: “Báo Đầu tư đã trưởng thành nhiều hơn, đương đầu với những thách thức to lớn hơn…”.
Thách thức đến từ một nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, hội nhập, hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường hiện đại với những va chạm về tư duy, quan điểm phát triển.
Thách thức này đến từ những khó khăn, bất định của thị trường, đến từ cuộc cách mạng công nghệ, từ xu thế mới trong hoạt động báo chí, truyền thông… Chỉ riêng 2 năm (2020-2021), Covid-19 làm đảo lộn mọi kế hoạch của các nền kinh tế, doanh nghiệp, Báo Đầu tư cũng chịu tác động nặng nề.
Nhưng, thách thức lớn hơn cả, theo vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Đầu tư, chính là dù khó khăn thế nào, thách thức đến từ đâu, thì chất lượng các ấn phẩm của Báo Đầu tư không được giảm.
Khi nhìn lại 30 năm của Báo Đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cũng đã đặt vấn đề tương tự. Vì những vấn đề của kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thường khô khan khó hút độc giả, nhưng lại dễ chạm tới các bộ, ngành. Đó là chưa kể nhiều trường hợp, ranh giới giữa cải cách và buông lỏng, giữa quản lý và lợi ích nhóm… rất mỏng.
Loạt bài về vụ việc của Vinamit đăng tải trên Báo Đầu tư giữa năm 2020 là một ví dụ. Câu chuyện dài, nhiều khúc mắc giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương liên quan đến đất đai.
Về sau, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ vào cuộc làm rõ. Và kết luận là có sai phạm từ cơ quan chức năng Bình Dương. Nhiều công chức bị kỷ luật và Vinamit giữ lại được nông trại của mình.
Nhưng khi tìm đến Báo Đầu tư, Vinamit đã ở chặng cuối của sự mỏi mòn, gần như buông xuôi sau khi đã kêu cứu khắp nơi, vì trong trường hợp này, doanh nghiệp thường bị đặt vào bên ít cơ hội thắng cuộc.
Không thể kể lại hành trình tố khổ của doanh nghiệp chỉ bằng một vài dòng, nhưng khi đó, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã quyết định tìm hiểu ngọn ngành, bởi không thể để một doanh nghiệp đã mạnh mẽ bảo vệ được thương hiệu Việt trước nhiều đối thủ trên thị trường thế giới lại phải khốn đốn ngay ở quê hương của mình.
Vô vàn bài viết phản ánh thực chất, sống động tâm tư, nguyên vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên Báo Đầu tư 30 năm qua đã được thực như vậy. Nhiều bài viết đã chạm đến nút thắt của phát triển, làm ai đó không hài lòng…
Ông Tuấn gọi đây là bản sắc của tờ báo, là tâm huyết của những người đứng đầu toà soạn, là chất lửa của đội ngũ phóng viên, biên tập viên...
3. Là một trong những cộng tác viên, độc giả của Báo Đầu tư 30 năm qua, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giá trị của Báo Đầu tư nằm ở sự kiên định trong lựa chọn chuyển tải tiếng nói của doanh nghiệp, của nền kinh tế, chọn phụng sự sự phát triển.
Lúc này, nói/viết về cải cách khó hơn, đòi hỏi sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhưng đây là cơ hội để Báo Đầu tư tiếp tục khẳng định giá trị đã định hình.