Không ngại va chạm, những bài viết từ Đầu tư luôn đầy sức thuyết phục.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Quá trình cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam là một hành trình nhọc nhằn và chông gai. Có những đợt sóng lớn, nhưng cũng nhiều khi luôn phẳng lặng. Có nhiều người nhiệt tâm, nhưng rồi cũng buông xuôi, chán nản.
Chỉ có Báo Đầu tư trong hơn 20 năm qua là vẫn miệt mài, bền bỉ với những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh. Đối với tôi, những bài viết gai góc nhất, công phu nhất về quá trình bãi bỏ giấy phép kinh doanh luôn gắn với thương hiệu Báo Đầu tư. Chung nhịp đập với cuộc sống kinh doanh, không ngại va chạm, lý giải cặn kẽ các góc khuất của gài cắm chính sách, những bài viết từ Đầu tư luôn đầy sức thuyết phục.
Tôi tin rằng, chỉ cần đọc Báo Đầu tư thôi, từ cuối những năm 90 đến nay là có thể vẽ nên đầy đủ bức tranh nhiều màu sắc của quá trình cải cách và mở cửa của Việt Nam. Chúc Báo Đầu tư tuổi 29 thêm chín hơn nữa, đóng góp nhiều hơn vào một Việt Nam cải cách, mở cửa và phồn thịnh.
Tiếp tục cùng doanh nghiệp đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, tuy nhiên, doanh nghiệp ngành gỗ trước mắt chưa được hưởng lợi nhiều, mà ngược lại, có thể sẽ gặp nhiều thử thách hơn trong thời gian tới. Vì thuế giảm, nhưng các hàng rào phi thuế quan, như quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật... tăng lên, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư, cải thiện năng lực rất nhiều.
Lúc này, doanh nghiệp rất cần thông tin, cần hiểu biết thực sự sâu sắc về các công cụ phòng vệ thương mại, cách thức để vượt qua. Chúng tôi kiến nghị Báo Đầu tư, với vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch Đầu tư tìm kiếm, cập nhật thông tin, giúp doanh nghiệp ngành gỗ nắm bắt kịp thời các chuyển dịch của chính sách, của thị trường.
Chúng tôi cũng mong Báo Đầu tư tiếp tục cùng doanh nghiệp đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tạo thêm không gian đối thoại thẳng thắn và trực tiếp hơn với bạn đọc
Bà Tiêu Yến Trinh, Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE). |
Có rất nhiều việc chúng ta cần làm, cần hành động để chung tay hồi phục và tái kích hoạt nền kinh tế nước nhà. Chế độ “Đại tái thiết” (Great Reset) đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới và việc nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của từng cá nhân, tổ chức là hết sức cần thiết.
Trong hành trình này, cùng với các chiến lược vĩ mô từ chính phủ, các tổ chức doanh nghiệp chính là nhân tố “đầu tàu” cho những phát kiến đẩy mạnh sản xuất, khôi phục thị trường, các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đầu tư sẽ đóng vai trò phản biện, thông tin chuẩn mực và kịp thời để những phát kiến tích cực phát huy đúng tác dụng và mang tính lan tỏa. Điều này cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được học hỏi và trao đổi.
Trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện hiện nay, Báo Đầu tư cần nhanh hơn nữa, cởi mở hơn và khách quan hơn để tạo thêm không gian đối thoại thẳng thắn và trực tiếp hơn với bạn đọc..
Trân quý Báo Đầu tư đã nhiệt huyết và đầy trách nhiệm khi đứng lên bảo vệ doanh nghiệp.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA). |
Tôi và cộng đồng doanh nghiệp rất trân quý và cảm ơn nhiều cơ quan báo chí nói chung và Báo Đầu tư nói riêng đã nhiệt huyết và đầy trách nhiệm khi đứng lên bảo vệ doanh nghiệp, thấu hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân chúng tôi.
Thông qua báo chí, các khuyến nghị, vấn đề của doanh nghiệp kịp thời đến được với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, từ đó có những cải cách, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề cản trở phát triển kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Với tôi, báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành, cảm thông, chia sẻ giữa những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông và chiến sỹ cách mạng trên mặt trận kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì báo chí vui, báo chí có trách nhiệm doanh nghiệp có thêm niềm tin, động lực phát triển.
Mong báo chí, đặc biệt là Báo Đầu tư tiếp tục tuyên truyền hiệu quả hơn cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Tôi muốn nhiều thông tin về xu hướng thị trường, từ các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). |
Giai đoạn số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam gia tăng là lúc chúng ta thấy rõ vai trò của báo chí truyền thông.
Báo chí, đặc biệt là Báo Đầu tư đã liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Khi Nhà nước đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, Báo Đầu tư đã luôn theo dõi việc tiếp cận gói hỗ trợ này thế nào, đã phát huy được hiệu quả hay chưa, phản ánh các khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi tìm đến gói hỗ trợ, phát hiện nhưng xu hướng đổi mới sản xuất, ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới…
Dù vậy, theo tôi quan sát, dường như mức độ phổ biến, phương thức phát hành của Báo Đầu tư đến các doanh nghiệp tại TP.HCM còn nhiều hạn chế. Đây là điều Tòa soạn Báo cần lưu tâm. Khi doanh nghiệp có sự tin tưởng, họ sẽ gắn bó chia sẻ tâm tư, nguyện vọng thực chất hơn.
Tôi muốn đón đọc nhiều hơn nữa thông tin về xu hướng thị trường, từ các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho hội viên của HUBA biết thị trường mà họ đang nhắm tới, đang tìm hiểu để xuất khẩu đang và sẽ diễn ra những xu hướng nào, chuyển dịch ra sao.
Lúc này, doanh nghiệp đang rất cần thông tin để điều chuyển sản xuất, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Luôn mong chờ Diễn đàn M&A hấp dẫn hơn.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital. |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các nhà đầu tư lớn, nhỏ ở nước ngoài không thể thực hiện các tìm hiểu hay xúc tiến cuộc đàm phán mua bán cổ phần trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam như dự kiến. Lúc này, các nhà đầu tư phải theo dõi, phân tích các cơ hội đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán, với độ minh bạch hơn.
Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam vào thời điểm này, như chúng tôi. Tuy nhiên, những thương vụ đầu tư có giá trị lên tới trên 100 triệu USD chỉ dành cho các nhà đầu tư tư nhân lớn, như Warburg Pincus, KKR và TPG…
Gần đây, có nhiều diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, hội tụ các nhà đầu tư trên thế giới để phân tích về thị trường. Nhưng tôi cho rằng, những diễn đàn được tổ chức trực tiếp vẫn được các nhà đầu tư mong chờ hơn, vì tính hiệu quả trong kết nối, trao đổi và dễ thực thi hơn.
Do đó, chúng tôi vẫn mong chờ Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức thường niên sẽ được diễn ra trong năm nay như dự kiến.
Qua một thập kỷ, nhưng Diễn đàn M&A Việt Nam vẫn là một sự kiện rất được mong đợi hằng năm, cung cấp nhiều thông tin hữu dụng và có sự giao lưu rất bổ ích giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các nhà đầu tư đến tham dự Diễn đàn để nghe được những cơ hội thực sự họ không tìm thấy trên mặt báo, hay các báo cáo số liệu đã công bố. Họ muốn gặp nhau, được thảo luận, phân tích các cơ hội tích cực, tiêu cực từ những ngành nghề mới.
Chẳng hạn, khi chúng tôi gặp gỡ các nhà đầu tư Mỹ, họ đều là những nhà đầu tư lớn, nguồn vốn rất dồi dào nên thường chỉ tập trung trao đổi về những cơ hội hay dự án lớn, như các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng và các tập đoàn nhà nước đầu ngành. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng thích đầu tư công nghệ, y tế…