Bảo đảm tiền lương, chế độ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội yêu cầu nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN),

Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN),

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Quyết sách đúng đắn, phù hợp

Nghị quyết nêu rõ: Dịch COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chuyển hướng chiến lược với những quyết sách đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ và diễn biến của dịch.

Quốc hội ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các nước, các tổ chức quốc tế, sự đóng góp công sức to lớn của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên và minh chứng để mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, hạn chế là: Việc sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19; nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự...

Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng còn một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất; chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng...

Bảo đảm tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19/5/2023 của Đoàn giám sát.

Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Ngoài ra, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản; tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sỹ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã.

Quốc hội yêu cầu nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nghị quyết nêu rõ: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị trong nước; bảo đảm thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước; tăng cường năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất năm 2025, hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; các địa phương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành rà soát và thực hiện quyết toán kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ các nguồn huy động, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước...

Tin bài liên quan