Loạt bài “Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu” thu hút hàng trăm ngàn lượt đọc
Chỉ ra các lỗ hổng, cảnh báo nhà đầu tư và cơ quan quản lý, nhưng trên hết, mục tiêu mà Báo nhắm tới là bảo vệ kênh huy động vốn lành mạnh và hợp pháp này cho doanh nghiệp.
Cuộc điện thoại sau những bài báo
Cách đây 2 năm, khi thị trường TPDN đang ở tâm điểm của cơn sốt, người người, nhà nhà đua nhau đổ vào TPDN, Báo Đầu tư đã có loạt bài cảnh báo: “Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện”. Loạt bài đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý về khả năng trả nợ của doanh nghiệp, về những cú bắt tay “ma” làm méo thị trường trái phiếu.
Bằng liên tiếp các bài viết, Báo Đầu tư cũng là một trong những tờ báo sớm nhất phơi bày tình trạng “chợ đen” mua bán trái phiếu cũng như những chiêu trò lách luật trên thị trường này. Thời điểm đó, cùng với sự cảnh báo của Báo Đầu tư và các cơ quan báo chí khác, Bộ Tài chính cũng liên tiếp phát ra các cảnh báo.
Tuy nhiên, cảnh báo là chưa đủ. “Bom nợ” trái phiếu Tân Hoàng Minh xảy ra đầu tháng 4/2022 là hệ lụy đã được cảnh báo và dự báo từ trước. Khi sự cố Tân Hoàng Minh xảy ra, báo chí rầm rộ nêu những ung nhọt của thị trường trái phiếu. Hàng loạt động thái siết chặt, chấn chỉnh thị trường khiến hoạt động phát hành TPDN gần như đóng băng, trong khi hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu sắp đến kỳ đáo hạn. Rủi ro vỡ nợ lan truyền hiện hữu khiến doanh nghiệp ngồi trên lửa.
Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, khi tiếp xúc với hàng loạt chuyên gia, doanh nghiệp, phóng viên theo dõi lĩnh vực TPDN của Báo Đầu tư lại thấy rằng, thị trường TPDN đang có biểu hiện thái quá. Vì vậy, thay vì cảnh báo thị trường như giai đoạn đầu, Báo lại nghiêng về cách tiếp cận cảnh báo nguy cơ gãy đổ thị trường.
Tháng 5/2022, khi loạt bài “Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu” xuất bản, phóng viên Báo Đầu tư nhận được phản hồi của nhiều độc giả, doanh nghiệp, chuyên gia.
Có doanh nghiệp bất động sản sau khi đọc bài báo trên một chuyến bay đã gọi điện cho phóng viên, tâm sự câu chuyện họp xuyên đêm để tìm vốn khi thị trường trái phiếu đóng băng, mong báo chí nhìn rõ hơn tình hình nguy cấp của doanh nghiệp.
Xuất phát từ câu chuyện thời sự nóng bỏng, từ người thật, việc thật, các bài viết về TPDN trong loạt bài của Báo Đầu tư vì vậy đã nhận được sự tương tác rất cao từ độc giả với hàng trăm ngàn lượt đọc.
Kỳ vọng một thị trường TPDN phát triển lành mạnh
TPDN đã trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp hai năm vừa qua. Tốc độ tăng trưởng kép TPDN giai đoạn 2018 - 2021 trên 50%; riêng năm 2021, khối lượng TPDN phát hành đã lên tới 658.000 tỷ đồng, cao hơn tổng khối lượng TPDN phát hành cả giai đoạn 2011 - 2018. Thế nhưng, sau sự cố Tân Hoàng Minh, TPDN được không ít người nhìn nhận như một tội đồ trên thị trường tài chính. Đây là điều khiến doanh nghiệp và giới chuyên gia vô cùng lo ngại.
Những khiếm khuyết trên thị trường là có thật, thế nhưng, đâu đó có lỗi do hành lang pháp lý chưa chặt chẽ và sự giám sát, quản lý còn lỏng lẻo. Để thực hiện các loạt bài về TPDN, phóng viên Báo Đầu tư đã gặp hàng chục chuyên gia cùng nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Đã có hàng loạt tên tuổi được nhắc tới, hàng loạt câu chuyện được đưa ra với dẫn chứng rõ ràng, song không phải thông tin nào cũng có thể đưa lên mặt báo.
Sau mỗi bài viết là một doanh nghiệp, là hàng ngàn người lao động. Lựa chọn thông tin nào để đưa lên báo với liều lượng thế nào để vừa răn đe, lại vừa bảo vệ được thị trường là điều khó khăn nhất đối với mỗi phóng viên.
Với cơ quan quản lý, không phải bài báo góp ý chính sách nào cũng “êm tai”. Thế nhưng, nói cho cùng, mục đích của cả báo chí lẫn cơ quan quản lý hướng tới đều giống nhau: mong một thị trường TPDN phát triển lành mạnh, ổn định.
Đáng mừng là, những tiếng nói trên báo chí, trong đó có Báo Đầu tư, đã được Chính phủ, Quốc hội ghi nhận. Phát biểu trước nghị trường Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu: “Tất cả thị trường phải thông suốt. Một mặt, chúng ta phải giám sát, quản lý chặt thị trường đấy, nhưng mặt khác, phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh, xử lý những méo mó, những hư hỏng của thị trường, chứ không phải chúng ta đóng cửa hay hạn chế thị trường này phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế là không thể giật cục được, phải nhất quán, phải thông suốt”.
Đây cũng là tinh thần mà các bài viết về TPDN trên Báo Đầu tư hướng tới.