Báo chí thay đổi để bắt kịp dòng chảy thời cuộc

Báo chí thay đổi để bắt kịp dòng chảy thời cuộc

(ĐTCK) Phần thưởng lớn nhất đối với người làm báo đôi khi chỉ là lời nhận xét, khích lệ và khen ngợi từ độc giả. Nhưng để thích ứng, duy trì được tiêu chí trên trong bối cảnh cạnh tranh truyền thông đa phương tiện như hiện nay lại không đơn giản.

Dịp 30/4 vừa qua, Ðầu tư Chứng khoán xuất bản số báo chuyên đề có tên “Vững vàng Việt Nam”, tạo diễn đàn để trao đổi, phân tích về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, làm sao để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến với các doanh nghiệp; làm cầu nối giúp doanh nghiệp niêm yết thông tin đến nhà đầu tư, cổ đông các phương án kinh doanh, kịch bản vượt qua khó khăn, tình hình tài chính, cổ tức... 

Sau khi chuyên đề xuất bản, chúng tôi đã nhận được điện thoại của nhiều độc giả chia sẻ, cảm ơn, bởi đã đọc được những thông tin bổ ích.

Có độc giả đọc được thông điệp và phân tích sâu về doanh nghiệp, có được thông tin chính thống từ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp kể, anh thêm vững tin nên quyết định dành tiền nhàn rỗi đầu tư vào doanh nghiệp.

Ðộc giả Minh Hoàng thậm chí còn nhờ Báo chuyển lời cảm ơn tới Giáo sư Phan Văn Trường vì đã có bài báo rất hay. "Tác giả đã chia sẻ góc nhìn ở tầm chiến lược quốc gia, nên rất có giá trị”, độc giả trao đổi.

Cũng vui khi một tháng sau, có độc giả điện thoại cho nhà báo cảm ơn vì có lãi kha khá từ khoản đầu tư sau khi đọc được nhiều thông tin hữu ích trên Báo. Càng vui hơn khi nghe anh kể, anh đã có thói quen đọc báo để “lọc” thông tin cho việc đầu tư.

Mỗi khi đọc báo, độc giả này thường có một cây bút để gạch chân các thông tin cần chú ý, giờ góc làm việc của anh cũng trở thành góc sưu tập các số báo Ðầu tư Chứng khoán mỗi tuần.

Ðối với những người cầm bút, đây chính là phần thưởng lớn với đứa con tinh thần mà mình tạo ra. Bởi vậy, dù nghề báo, đặc biệt là tờ báo in đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, các nhà báo lại có động lực để đi tiếp.

Trong nhiều cây bút cộng tác với Ðầu tư Chứng khoán, Giáo sư Phan Văn Trường là một cộng tác viên đặc biệt. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, hiện là Cố vấn cao cấp của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

 Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí như Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez… với quy mô lên đến 25.000 người.

Sau khi nghỉ hưu, Giáo sư thường xuyên ở Việt Nam, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm bồi dưỡng doanh nhân; tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về quản trị doanh nghiệp… với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện ông là Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ba cuốn sách “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường" của ông được vinh danh là sách hay về quản trị và được tái bản nhiều lần.

Cũng như viết sách, viết báo như ông tâm sự không phải là để có bài báo, mà qua đó, ông chia sẻ những góc nhìn hữu ích, thú vị, ý kiến về những vấn đề thời cuộc của doanh nghiệp, của đất nước.

Phần thưởng với ông chính là một vài giải pháp nào đó được lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh hội và góp phần tạo ra sự thay đổi ở doanh nghiệp.

Toàn bộ tiền nhuận bút viết sách, viết báo ông đều quyên góp cho tổ chức từ thiện. Ở lứa tuổi mà thông thường người ta đã có thể cho phép mình được nghỉ ngơi, ông vẫn làm việc liên tục như “ngọn nến rực sáng đến cuối cùng”.

Còn có rất nhiều cây bút cộng tác với Ðầu tư Chứng khoán có tâm thế như vậy. Giữ được những giá trị cốt lõi của báo chí, ấn phẩm báo in sẽ không tàn lụi, cũng chẳng phải quá lo lắng về sự chèn lấn của modem wifi, điện thoại cảm ứng hay máy tính bảng. Chỉ có điều, sự tồn tại chắc chắn không phải là với tất cả các tờ báo, mà chỉ những tờ báo tạo ra giá trị, có chỗ đứng trong tâm trí người đọc.

Vậy sự thay đổi của báo chí sẽ như thế nào? Tôi nhớ đến câu nói của biên tập viên Sue Pirth của tờ Daily Mail: “Khi bắt đầu cầm một tờ báo, tôi cứ như đang nghe âm thanh của một dàn nhạc nổi lên trước khi bức màn chắn của nhà hát được kéo. Bạn không bao giờ biết được điều gì đang đợi bạn ở trong số báo ấy, nhưng bạn chắc chắn rằng, thông qua ý thức, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng hơn, những điều mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến”. Thông tin trên báo in phải đáp ứng được nhu cầu đó.

Internet, mạng xã hội phát triển, người ta giờ đây có thể tiếp cận với vô vàn thông tin. Trong đó, có rất nhiều thông tin giả, thông tin sai sự thực, thông tin không được kiểm chứng ào ạt quăng lên mạng xã hội, lên các trang tin điện tử, gây nhiễu loạn.

Vì thế, với việc đi sâu vào lý giải, cắt nghĩa các sự kiện, vấn đề, cung cấp cho người đọc những giá trị mà họ đang mong đợi, tìm kiếm, báo in vẫn có vị thế riêng.

Không cạnh tranh được với báo điện tử về tốc độ cập nhật thông tin và tính đa phương tiện, báo giấy đang dần có những thay đổi rõ rệt, tập trung vào phát triển những bài bình luận, nhận định chuyên sâu, gợi ra nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về từng lĩnh vực, từng ngành mà họ quan tâm.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển nhanh như vũ bão, một bài viết được sản xuất trên nền tảng mạng xã hội chỉ một giờ sau là có thể hàng nghìn người đọc, chia sẻ, nhất là những vẫn đề được dư luận quan tâm.

Nhiều báo giấy cũng dựa vào mạng xã hội để khai thác, tham khảo những thông tin mà xã hội đang quan tâm. Tuy nhiên, không thể khai thác ở trên mạng để đưa vào tin bài, phóng viên báo giấy cần khai thác ở hiện trường, đến tận nơi xảy ra sự kiện để lấy thông tin, số liệu xác thực nhất.

Báo giấy vẫn phát triển cùng với báo điện tử để hỗ trợ nhau. Thực tế, ở nhiều cơ quan báo chí vẫn đang tồn tại hai loại hình báo chí là báo điện tử và báo giấy, nhưng nội dung của báo giấy và báo điện tử phải có sự khác nhau để thu hút độc giả.

Báo giấy phải súc tích, gọn gàng, nhưng nó cũng phải thể hiện được tính kịp thời ngang với báo điện tử. Nếu thông tin không có gì mới thì người ta sẽ xem thông tin ở trên báo mạng.

Báo giấy là sản phẩm tập thể, với sự hợp lực của cả một đội ngũ, từ lúc lên đề cương số báo, biên tập, chỉnh sửa, thiết kế, mỗi lần qua một khâu lại được “lục lọi”, bởi thế ở góc độ nào đó có thể coi là sản phẩm chất lượng cao. Nhưng để thực sự là sản phẩm chất lượng cao, hơn ai hết chính bạn đọc mới là người bình chọn.

Tờ báo nào đáp ứng được tư duy này sẽ tiếp tục giành được chỗ đứng trong lòng độc giả và kéo được người đọc trở lại với mình sau khi “no nê” và chán ngán với đủ loại thông tin hỗn độn, một dạng thức ăn nhanh trên mạng.

Báo giấy có thế mạnh là độ chính xác cao của văn bản. Thực tế, nhiều độc giả hiện nay vẫn coi báo giấy là loại hình báo chí gần gũi, có độ tin cậy cao, coi những thông tin trên báo giấy là nguồn thông tin chính thống.

Kết quả của một nghiên cứu về tương lai của báo chí và nhu cầu về nội dung kỹ thuật số ở Mỹ, Anh và một số nước phương Tây khác đến năm 2020 được đăng trên The Guardiancho thấy: “Doanh thu từ nội dung số trên thị trường chung của báo chí, sách và công nghiệp tạp chí ở hơn 50 nước nói tiếng Anh vào năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 24%. Vì vậy, dù cho các tờ báo giấy, tạp chí đã suy giảm, song nhu cầu của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo trong tương lai gần vẫn sẽ giúp báo in đứng vững”.

Thách thức lớn nhất của các tờ báo hiện nay là thay đổi và vượt lên chính mình để giành được niềm tin và tạo ra thói quen đón đọc tờ báo. Khi viết những dòng này, tôi nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, cái thời luôn mong ngóng tới ngày phát hành tờ báo Thiếu niên Tiền phong để chạy ra bưu điện lấy về đọc ngấu nghiến.

Báo giấy, phát thanh, truyền hình và các hình thức thông tin trên Internet sẽ tồn tại song song, bởi văn hóa đọc vẫn là một đặc tính bất biến ở con người. Song như bất cứ loại hình sản phẩm truyền thống nào phát triển trong thế giới hiện đại, báo giấy sẽ phải tìm ra cách thích ứng, phù hợp với đòi hỏi của thực tế nền kinh tế, cuộc sống…

Tin bài liên quan