“Báo chí đóng vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp minh bạch hơn”

“Báo chí đóng vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp minh bạch hơn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trong cuộc trò chuyện về chủ đề minh bạch thông tin nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Mùa đại hội cổ đông thường niên 2024 đã khép lại, ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện minh bạch thông tin - vấn đề mấu chốt cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán - trong mùa đại hội này?

Chúng ta đều biết, đại hội đồng cổ đông thường niên là dịp các nhà đầu tư được gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo công ty về kết quả đạt được trong năm qua cũng như thảo luận những kế hoạch kinh doanh, đầu tư trong tương lai. Ban lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã có những quan điểm cởi mở, minh bạch thông tin hơn so với trước đây. Đây là điều cần thiết trong một nền kinh tế thị trường và hướng tới sự phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp tại Việt Nam mà doanh nghiệp nào trên thế giới cũng chỉ muốn những thông tin mang tính tích cực được truyền thông tới công chúng, chứ không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Tại Mỹ, những đại hội cổ đông nếu báo chí được quyền tham dự có thể được viết công khai tất cả những vấn đề cổ đông nêu ra, thậm chí những vấn đề nhạy cảm hoặc nội dung có thể gây bất lợi cho bên này hoặc bên kia. Đối với những thông tin mang tính bí mật thì báo chí phải xin phép cổ đông hoặc ban điều hành công ty trong việc công bố nội dung.

Còn ở Việt Nam, ngoại trừ một số doanh nghiệp e ngại với báo chí, về cơ bản, các doanh nghiệp khá cởi mở khi mời báo chí tham dự đại hội cổ đông, dù rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp thường không cảm thấy thoải mái khi báo chí đưa những thông tin nhạy cảm ra công chúng và tìm cách hạn chế.

Đôi khi, việc hạn chế công khai thông tin nhạy cảm cũng đến từ chính báo chí, nhưng không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư, bạn đọc, các thành phần trong xã hội.

Nhìn lại hệ thống báo chí, đặc biệt báo chí kinh tế cách đây gần 20 năm, khi tôi quay về Việt Nam, đã có những bước tiến rất xa, cung cấp thông tin minh bạch hơn, công khai hơn và rõ ràng hơn dù vẫn có định hướng, chịu sự kiểm soát nhất định.

Ông có nhận xét gì về những công ty, thậm chí có cả công ty đại chúng đến thời điểm này vẫn tìm cách bưng bít thông tin của doanh nghiệp?

Trước tiên, tôi muốn đề cập đến một vấn đề rất có liên quan, đó là không như nhiều thị trường khác, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản, mà phần lớn liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin thị trường của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch, cũng như khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp trên thị trường.

Kể từ thời điểm đánh giá tháng 3/2023 có phần kém tích cực của FTSE Russell, cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường đã có những hành động, giải pháp quyết liệt để tháo gỡ các nút thắt theo khuyến nghị của FTSE.

Kết quả trong hai kỳ đánh giá gần nhất (tháng 9/2023 và tháng 3/2024), thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực hơn; đồng thời, FTSE đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý, cụ thể là quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết các nút thắt còn vướng mắc.

Theo đó, đối với vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, đã có lộ trình cụ thể đối với các thành viên trên thị trường, đặc biệt là công ty đại chúng nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đến năm 2028, các công ty đại chúng sẽ bắt buộc công bố thông tin bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).

Nếu triển khai thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ cải thiện đáng kể trong các kỳ đánh giá định kỳ của FTSE cũng như MSCI khi nhà đầu tư nước ngoài cho phản hồi tích cực về nội dung này.

Trong tương lai gần, vào tháng 6/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy chế công bố thông tin là bước đi cần thiết tiếp theo để tạo điều kiện thuận lợi, chuẩn hóa quy trình cho các tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thực hiện báo cáo, công bố thông tin trên hệ thống IDS cũng như hệ thống của các sở giao dịch chứng khoán, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dữ liệu một cách chính thống, bài bản có hệ thống và hiệu quả.

Dự báo hơn 10 tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng dù không phải cho tất cả các lĩnh vực. Để tận dụng được nguồn vốn này, các công ty cần phải minh bạch thông tin của doanh nghiệp của mình, đặc biệt là những công ty đại chúng.

Theo tôi, minh bạch thông tin bao gồm một số tiêu chí như sau: Thứ nhất, thông tin phải chính xác. Những thông tin không chính xác, không được xem là minh bạch.

Thứ hai, thông tin đó phải là thông tin đã được cập nhật. Thông tin cũ, đã quá lâu sẽ không được xem là chính xác khi so sánh về thời điểm. Thứ ba, thông tin phải được đưa ra một cách khách quan, nghĩa là thông tin không bị sửa đổi, không bị làm méo mó để có lợi cho bên này hay bên kia.

Vai trò của báo chí trong việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới luôn tìm mọi cách che giấu thông tin bất lợi của mình, ví dụ như những vi phạm về luật lao động hay các vụ kiện liên quan đến báo cáo tài chính... Ở Mỹ, có rất nhiều cơ quan được thành lập để giám sát hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật, như trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng, thiết bị y tế và dược phẩm là Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Trên cơ sở công bố các điều tra về những sai phạm của doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân, báo chí cũng đóng một vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, Giải Pulitzer 2024 về lĩnh vực dịch vụ công - vốn được đánh giá là uy tín nhất trong hệ thống giải thưởng Pulitzer - được trao cho tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica có trụ sở tại New York với loạt tin bài vạch trần những bê bối tài chính liên quan phu nhân của thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas.

Giải Pulitzer 2024 cũng chứng kiến các tòa soạn báo và hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ như New York Times và The Washington Post đại thắng với nhiều hạng mục uy tín cho thấy, những tác phẩm báo chí xuất sắc thường được thực hiện tại những tổ chức báo chí lớn, uy tín.

Như đã đề cập ở trên, sự phát triển của báo chí Việt Nam đã có một bước tiến dài nhưng tôi vẫn kỳ vọng “cởi trói” hơn nữa. “Cởi trói” ở đây có nghĩa là được chủ động hơn nữa trong việc điều tra và loan tải thông tin một cách chính xác, trung thực. Bên cạnh đó, “cởi trói” về tài chính để giúp báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình một cách chủ động, minh bạch, hiệu quả và tu dưỡng, phát huy sự liêm chính trong suy nghĩ và hành động…

Liên quan đến phát triển quốc gia, tất cả các thành phần kinh tế, từ người dân đến các tổ chức kinh tế và cơ quan nhà nước cần có những thông tin chính xác và minh bạch là tiền đề cho những phán đoán và quyết định đúng đắn của các thành phần kinh tế, chính trị và xã hội. Những phán đoán và quyết định khôn ngoan của từng thành phần trong xã hội là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của một quốc gia.

Tin bài liên quan