Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng” là một trong nhiều sự kiện Báo Đầu tư tổ chức để tạo diễn đàn phản biện chính sách.

Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng” là một trong nhiều sự kiện Báo Đầu tư tổ chức để tạo diễn đàn phản biện chính sách.

Báo chí đồng hành doanh nghiệp vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, báo chí với vai trò phản biện xã hội đã tích cực thông tin và kiến nghị chính sách tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Hiến kế hút khách du lịch”, cuộc tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 22/3/2023 đã gây tiếng vang trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Tọa đàm là cơ hội để đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng như giới chuyên gia phản ánh những khó khăn hiện tại của ngành và đề xuất nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ rào cản, vướng mắc nhằm đưa du lịch Việt Nam cất cánh. Trong đó, kiến nghị cải thiện chính sách visa, nhằm giữ chân du khách quốc tế ở lại Việt Nam lâu hơn đã được đại diện cơ quan quản lý ghi nhận.

Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua giai đoạn dài khó khăn, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đón 19 triệu lượt khách quốc tế, nhưng năm nay, Việt Nam chỉ đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành du lịch cũng có nhiều trăn trở khi bối cảnh thế giới đang có những biến động, chính sách visa của Việt Nam vẫn còn một số rào cản.

Hàng trăm bài viết khai thác thông tin từ cuộc tọa đàm đã được đăng tải trên các cơ quan báo chí trong nước, góp thêm tiếng nói để đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng và mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ được bổ sung vào dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) trình Quốc hội thảo luận, xem xét trong kỳ họp vừa qua.

Ngày 19/4/2023, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng”. Hội thảo đã quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, tín dụng ngân hàng, pháp lý cũng như đại diện nhiều tập đoàn kinh doanh địa ốc.

Thời điểm tổ chức hội thảo, các doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn lớn về dòng tiền. Tăng trưởng tín dụng, trong đó có dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh, khi tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý I/2023 chỉ đạt 1,6% so với cuối năm ngoái. Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng bị tắc, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 ước tính lên tới 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu đáo hạn vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất của những vướng mắc pháp lý (chiếm đến 70% khó khăn của các dự án, theo thông tin từ Bộ Xây dựng). Chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM, ước tính có khoảng 400 dự án bất động sản gặp vướng mắc về thủ tục triển khai dự án. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Nhiều kiến nghị chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường phục hồi, phát triển bền vững, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, bất động sản là ngành quan trọng với nền kinh tế, có độ lan toả cao, mỗi khi thị trường bất động sản lao dốc thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đều giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn. Nếu không đủ năng lực tài chính để xử lý thì khủng hoảng có nguy cơ lan sang nhiều lĩnh vực khác. Ông Nghĩa đã kiến nghị hai vấn đề cần giải quyết ngay là gỡ vướng thủ tục pháp lý cho các dự án để thị trường có thêm nguồn cung và tín dụng ngân hàng - vốn tắc nghẽn suốt hai năm qua - được khơi thông. Các vướng mắc này được giải quyết nhanh sẽ tạo động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần ưu tiên giải quyết các dự án bất động sản đang có vướng mắc pháp lý, nhằm tạo thêm nguồn hàng, tạo tác động lan tỏa ra toàn thị trường.

Những ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo của Báo Đầu tư đã phản ánh đúng vấn đề nổi cộm của thị trường địa ốc. Sau khi hội thảo diễn ra vài ngày, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản. TP.HCM đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023 sẽ gỡ vướng cho 50 dự án.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, có ít nhất 7 dự án của Novaland, Hưng Thịnh được thống nhất gỡ vướng. Trong đó, dự án Chung cư Cô Giang (tên thương mại là The Grand Manhattan) của Novaland đã được khơi thông để tiếp tục xây dựng.

Thực tế, với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nhiều năm qua, báo chí nói chung, cơ quan Báo Đầu tư nói riêng đã tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật kinh doanh đến cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tạo diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đưa ra các kiến nghị, đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước. Từ tiếng nói phản biện chính sách của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Hàng loạt chính sách đã được ban hành trong thời gian ngắn như Nghị định số 08/2023 của Chính phủ (về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn), Thông tư 03/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục hạ lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản được cải thiện. Một số doanh nghiệp địa ốc hứng khởi trở lại khi một số khó khăn pháp lý của dự án từng bước được giải quyết.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, trong lịch sử hoạt động của báo chí, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, hai bên đều rất cần nhau. Ngay từ khi Internet và mạng xã hội chưa phát triển, báo chí vẫn cần đến doanh nghiệp như những nhà quảng cáo, bên hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của báo chí. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần báo chí như một kênh truyền thông chính thức đưa thông tin chính xác đến với độc giả.

“Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ minh bạch, cởi mở giữa hai bên, tránh việc chỉ nêu những vấn đề tốt để báo chí đăng tải thông tin và giấu đi những khó khăn. Vì càng minh bạch, càng cởi mở thì khi gặp khó khăn càng dễ phối hợp với nhau để đưa những thông tin chính xác nhất đến với độc giả. Chúng ta thậm chí còn phối hợp với nhau để cảnh báo những khó khăn doanh nghiệp có thể mắc phải”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Đồng hành cùng nhau và tăng tính chủ động thông tin sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin đến với độc giả nhanh nhất và cũng có thể được hỗ trợ giải quyết khó khăn hiệu quả thông qua các bài viết phản biện, kiến nghị chính sách…

Tin bài liên quan