Báo chí có vai trò đặc biệt trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Báo chí có vai trò đặc biệt trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí Việt Nam truyền động lực để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, nhưng các cơ quan báo chí cũng gặp không ít khó khăn, cần được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách.

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cùng với các cơ quan, ban ngành, báo chí là công cụ đắc lực góp phần tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công tác này thời gian qua?

Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo chí có vai trò đặc biệt trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Đó là vai trò chủ lực trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách quan trọng, các quyết sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch; vai trò xung kích nơi tuyến đầu tuyên truyền chống dịch, đồng hành cùng các “chiến sĩ áo trắng”, cùng bộ đội, công an và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch; vai trò hàng đầu trong việc phản ánh những nỗ lực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng chống dịch, phản ánh những tấm gương trên mặt trận chống dịch và tấm gương trong cộng đồng góp sức cùng chống dịch.

Báo chí còn có vai trò làm cầu nối Chính phủ với địa phương, với nhân dân, với doanh nghiệp; gắn kết cộng đồng, chia sẻ khó khăn và cổ vũ, khích lệ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; gắn kết Nhà nước với doanh nghiệp, với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, chiến thắng “giặc” Covid-19, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020 và đầu năm 2021, làm cho bè bạn quốc tế nể phục.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và cơ quan báo chí nói riêng. Theo ông, Nhà nước nên có giải pháp hỗ trợ gì để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn?

Theo tôi, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, lúc này rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Một là, hỗ trợ về cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí như cơ chế cho phép giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ chế cho phép sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi cho các hoạt động nhằm bảo vệ và phòng chống dịch bệnh trong cơ quan (mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ phòng chống dịch cho cơ quan báo chí; đầu tư mua sắm công nghệ phục vụ hoạt động chuyên môn trong hoàn cảnh chống dịch; chi hỗ trợ phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch…).

Hai là, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các nhà báo tham gia chống dịch, có chế độ bảo hiểm rủi ro cho nhà báo hoạt động trên mặt trận này.

Ba là, Nhà nước nên có giải pháp kêu gọi xã hội hóa, nhất là từ các doanh nghiệp mạnh, nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua đại dịch.

Bản thân các cơ quan báo chí cần phải làm gì để tự cứu lấy mình trong bối cảnh doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm như hiện nay?

Tôi cho rằng, cơ quan báo chí cần phải có những điều chỉnh cả về chiến lược phát triển dài hạn và kế hoạch ngắn hạn.

Chẳng hạn, điều chỉnh cơ cấu nguồn thu, xác định hướng ưu tiên nào là phù hợp nhất với đặc thù từng cơ quan báo chí; tái cơ cấu tổ chức tòa soạn; sàng lọc và bố trí lại đội ngũ nhân lực; cân đối lại các nguồn thu - chi, mạnh tay cắt giảm những khoản chi không cần thiết hoặc ít hiệu quả…

Bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, cơ quan báo chí có thể phát triển các hoạt động dịch vụ khác để tạo thêm nguồn thu như tổ chức sự kiện…

Có những sáng kiến, sáng tạo nào từ những cơ quan báo chí để vượt qua khó khăn thời kỳ này?

Theo tôi được biết, sáng kiến, sáng tạo vượt qua thời kỳ đặc biệt khó khăn này ở trong các cơ quan báo chí chưa nhiều. Hướng đi của nhiều báo vẫn là tổ chức các hoạt động bên ngoài tòa soạn.

Trong khi đó, hướng đi theo xu thế thế giới và có tính lâu dài là thu phí người dùng đối với báo điện tử (tiên phong là tờ New York Times của Mỹ); ở Việt Nam mới chỉ có Báo điện tử VietnamPlus.vn và một số chuyên trang, chuyên mục của VietnamNet.vn, Tạp chí điện tử Ngày nay… triển khai.

Về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, ông có nhận xét gì?

Mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với doanh nghiệp là không thể thiếu, nhất là nhìn từ phía hỗ trợ của doanh nghiệp đối với nguồn thu của báo chí.

Đối với doanh nghiệp, doanh nhân, nhu cầu thông tin về chủ trương, chính sách, về thị trường… là không thể thiếu và ngày càng đa dạng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Đúng là, trong khó khăn, nhiều cơ quan báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ thông tin; không chỉ cùng doanh nghiệp vượt khó, mà còn là cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để vượt qua thách thức.

Những thông tin tích cực thể hiện trên mặt báo là lực đỡ, tiếp và truyền động lực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây là cách làm hợp lý, hợp tình.

Chính báo chí phản ánh những khó khăn, bế tắc của một số doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, sự tác động của các chính sách kinh tế với hoạt động của doanh nghiệp thời Covid-19, những khó khăn cần tháo gỡ… Báo chí ghi nhận thông tin, phản ánh với Chính phủ, với các bộ, ngành, với khách hàng, với đối tác…

Cũng chính báo chí động viên kịp thời nhất những thành công, những cố gắng của doanh nghiệp, doanh nhân trong đại dịch Covid-19.

Những thông tin từ báo chí về kinh nghiệm vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, chính sách của chính phủ các nước, kiến nghị của các doanh nghiệp, đó là những lực đỡ truyền động lực thật sự cho doanh nghiệp lúc khó khăn.

Một doanh nhân nổi tiếng chia sẻ, báo chí là nơi cung cấp một cách “vô tư” các kiến thức về công nghệ, chính sách, thương trường, quan hệ quốc tế… cho những doanh nhân như ông, qua đó định hướng cho doanh nghiệp phát triển theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và cho sự phát triển của đất nước.

Báo chí phản ánh kịp thời môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, việc Chính phủ quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Báo chí sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế phân tích, đưa ra dự báo giúp doanh nghiệp tìm phương hướng kinh doanh hiệu quả.

Báo chí góp phần quảng bá, xây dựng nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng; quan tâm vấn đề khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, an sinh xã hội, người lao động, nhất là công nhân; tuyên truyền những tấm gương doanh nghiệp vượt khó, chia sẻ với người dân.

Đặc biệt, báo chí đã sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế phân tích, đưa ra dự báo giúp doanh nghiệp tìm phương hướng kinh doanh hiệu quả.

Theo ông, làm thế nào để nâng cao hiệu quả mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp?

Đối với doanh nghiệp, cần coi trọng việc cung cấp, chia sẻ thông tin, có cơ chế cung cấp và lý giải, minh bạch thông tin cho báo chí một cách chính xác, đầy đủ, chủ động và kịp thời.

Giới báo chí mong đợi ở doanh nghiệp tinh thần lắng nghe, tiếp thu sự phê bình khách quan, công tâm của báo chí, đối thoại thẳng thắn, để xây dựng và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Đồng thời, chủ động đổi mới, vươn lên, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đề cao chữ tín, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, cùng phát triển vì mục tiêu chung của đất nước. Doanh nghiệp muốn có thông tin tốt, trước hết phải là doanh nghiệp tốt.

Đối với báo chí, cần coi việc phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, cách làm hay, chủ động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc là dòng thông tin chủ đạo, là trợ lực phát triển cho doanh nghiệp.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. Điều cần nhất là đưa tin kịp thời, chuẩn xác, đúng mực, với cái tâm trong sáng, cẩn trọng khi thông tin những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, người lao động, khách hàng và lợi ích quốc gia.

Hai bên cần xây dựng lòng tin và cơ chế phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn; xây dựng cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch của các doanh nghiệp cho báo chí.

Cơ quan quản lý có chế tài xử lý những trường hợp gây cản trở thông tin cho báo chí, hoặc báo chí thông tin sai sự thật về doanh nghiệp; mở rộng các hình thức hợp tác, giao lưu giữa báo chí và doanh nghiệp như tổ chức các hội thảo, tọa đàm, giải báo chí, sinh hoạt câu lạc bộ các nhà báo viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân.

Tin bài liên quan