Báo chí đi lên cùng nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ đồng hành, phản ánh mọi mặt hoạt động của nền kinh tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội, báo chí cách mạng Việt Nam còn đang góp phần quan trọng lan tỏa niềm tin, khát vọng xây dựng một Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”.
Báo chí tác nghiệp tại một sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Đức Thanh

Báo chí tác nghiệp tại một sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Đức Thanh

“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tất cả vì sự đồng thuận của xã hội

Cuối tháng 6/2024, giữa lúc các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Như thường khi, hàng loạt giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát… Tất cả là để thực hiện một trong những mục tiêu rất quan trọng của năm áp chót của Kế hoạch 5 năm 2021-2025: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6-,6,5%).

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mục tiêu đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 6,5% không phải là điều dễ dàng. Nhưng Chính phủ cũng đã xác định, không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra theo tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, tập trung theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ động “tấn công, phòng ngự” từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát, từ cơ sở…

Tất nhiên, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các báo kinh tế, ngay lập tức hiểu rằng, đó là một đề tài vô cùng hấp dẫn. Mọi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ giờ đây không chỉ được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà cả đông đảo người dân quan tâm. Bởi gắn với chỉ đạo của Chính phủ là sự phục hồi của nền kinh tế, kéo theo đó là sự “dày mỏng” của “túi tiền” người dân, doanh nghiệp…

Nhưng không chỉ đóng vai người “truyền tin” thông thường, với việc phản ánh, phân tích các nội dung trong Nghị quyết của Chính phủ, báo chí còn là một nhân tố quan trọng thúc đẩy việc thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong Nghị quyết 93/NQ-CP, Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng: các cơ quan báo chí phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, bảo đảm kịp thời, phản ánh khách quan, trung thực diễn biến, tình hình và công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

“Tạo được sự đồng thuận là tạo được sức mạnh cho nền kinh tế. Vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông là rất quan trọng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy khi gặp gỡ với giới báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạnh Việt Nam (21/6).

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thật tâm chia sẻ rằng, các nhà báo mong muốn được các cơ quan quản lý, các bộ, ngành…, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thường xuyên kết nối, chia sẻ thông tin, nhưng thực ra, đó cũng là trách nhiệm của chính các cơ quan, các bộ, ngành.

“Đó chính là chủ trương của Chính phủ, là nhiệm vụ truyền thông chính sách mà chúng tôi phải thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, truyền thông chính sách sẽ góp phần quan trọng truyền tải thông tin, lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, lan tỏa tư duy, tầm nhìn thời đại, những vấn đề thực tiễn và yêu cầu đặt ra với Việt Nam để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân thấu hiểu và đồng thuận.

“Tất cả là vì sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đi lên cùng nền kinh tế

Truyền thông chính sách sẽ góp phần quan trọng truyền tải thông tin, lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, lan tỏa tư duy, tầm nhìn thời đại, những vấn đề thực tiễn và yêu cầu đặt ra với Việt Nam để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân thấu hiểu và đồng thuận.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có lẽ, chưa bao giờ, dấu ấn đồng hành của báo chí vì sự phát triển chung của đất nước mạnh mẽ như bây giờ. Suốt những năm qua, đặc biệt kể từ khi nền kinh tế gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu, báo chí đã sát cánh cùng Chính phủ, cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư… trên “mặt trận” kinh tế.

Không rền vang tiếng súng như chiến tranh thuở trước, nhưng “mặt trận” kinh tế cũng khốc liệt và căng thẳng không kém. Không chỉ là tăng trưởng GDP thấp, mà đầu tư tư nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp như đi trên dây, có thể bị loại khỏi “cuộc chơi” bất cứ lúc nào…

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tình hình triển khai còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất 2% còn ít doanh nghiệp hào hứng tham gia, giải ngân các dự án thuộc Chương trình cũng chưa được như kỳ vọng. Giải ngân vốn đầu tư công cũng thế. Xuất nhập khẩu sụt giảm, chỉ năm nay mới bắt đầu phục hồi và tăng tốc trở lại. Tiêu dùng nội địa thấp, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quá lớn… Chỉ có thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng tích cực khi Việt Nam ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu…, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn…

Vui có, nhưng lo lắng cũng có. Đi kèm thách thức là cơ hội. Nhưng đằng sau mỗi nhịp đập của nền kinh tế đều có bóng dáng của các cơ quan báo chí. Phản ánh, phân tích, lan tỏa thông tin, phản biện xã hội…, không chỉ để tạo sự đồng thuận, mà còn là cầu nối giúp ngay cả các cơ quan hoạch định chính sách có được tiếng nói từ cơ sở để từ đó điều chỉnh và có phản ứng chính sách kịp thời.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ tại một cuộc tọa đàm mới đây về vai trò của báo chí rằng, hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, bản thân ông chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi.

“Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói. Theo ông, thời gian qua, báo chí đã thực hiện tốt chức năng giám sát và trở thành một kênh hiệu quả để Nhà nước “giải tỏa nỗi bức xúc”, đồng thời gia tăng sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của mình.

“Nếu không giải quyết được điểm nóng để củng cố niềm tin của công chúng, thì rất nhiều chính sách sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

Báo chí đúng là đã góp phần củng cố niềm tin của công chúng. Thế nên, người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ nền kinh tế đang khó khăn dường nào để sẵn sàng chung tay chia sẻ cùng Chính phủ.

“Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta phải tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới. Trong đó, cần kịp thời nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân…”, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ.

Hàng loạt giải pháp khác cũng đã được ông Tâm nhấn mạnh, từ nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…; hay tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, dự án sản xuất chip, bán dẫn…

Bao nhiêu giải pháp là bấy nhiêu khó khăn, vướng mắc trong thực hiện có thể nảy sinh. Chỉ khi tạo được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chính sách mới có thể được triển khai thành công, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Vì thế, rất mong các nhà báo, các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội, tạo khí thế, động lực mới để đạt hiệu quả chính sách cao nhất”, ông Tâm đề nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lại nghĩ về tầm nhìn dài hạn hơn. Ông lo nền kinh tế Việt Nam sẽ không theo kịp với kinh tế khu vực và toàn cầu. Ông muốn Việt Nam có thể tận dụng thời cơ ngàn năm có một trong hiện tại để đưa đất nước “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong một số lĩnh vực, trong đó có bán dẫn, AI… Thời cơ vàng không thể bỏ lỡ. Bên cạnh cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, thì báo chí cũng có vai trò quan trọng không kém. Đó là phải góp phần quan trọng lan tỏa niềm tin, khát vọng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng… Báo chí Việt Nam, bằng cách đó, sẽ tiếp tục đi lên cùng nền kinh tế!

Tin bài liên quan