Dù có phiên phục hồi mạnh nhờ dữ liệu việc làm, nhưng phố Wall vẫn tiếp tục có tuần giảm điểm - Ảnh: Reuters

Dù có phiên phục hồi mạnh nhờ dữ liệu việc làm, nhưng phố Wall vẫn tiếp tục có tuần giảm điểm - Ảnh: Reuters

Báo cáo việc làm đưa chứng khoán lên mây, nhấn chìm vàng xuống đáy

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm của Mỹ vừa công bố khả quan giúp chứng khoán vọt tăng mạnh, trong khi lại khiến giá vàng lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần.

Bộ Lao động Mỹ vừa báo cáo, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 9 tăng thêm 248.000 việc làm, cao hơn nhiều so với con số kỳ vọng, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống 5,9%. Trong khi số liệu việc làm tháng 7 và tháng 8 cũng được điều chỉnh tăng thêm 69.000 việc làm.

Báo cáo việc làm này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những chuyển biến khả quan.

Theo cuộc thăm dò của Reuters, hầu hết các công ty kinh doanh trái phiếu hàng đầu phố Wall đều cho rằng, FED sẽ tăng lãi suất không muộn hơn tháng 6 năm sau.

Dữ liệu tích cực được công bố, giúp phố Wall đồng loạt khởi sắc với các chỉ số có mức tăng trên 1%. Trong đó, S&P 500 có phiên tăng tốt nhất kể từ tháng 8. Tuy nhiên, dù có phiên khởi sắc trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu việc làm, nhưng do những lo sợ về bệnh nhân ở Mỹ được chẩn đoán mắc căn bệnh Ebola và cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nên phố Wall vẫn có tuần giảm điểm.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Dow Jones tăng 208,64 điểm (+1,24%), lên 17.009,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,73 điểm (+1,12%), lên 1.967,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 45,43 điểm (+1,03%), lên 4.475,62 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,6%, chỉ số S&P 500 giảm 0,75% và chỉ số Nasdaq giảm 0,81%.

Giống như chứng khoán Mỹ, ngoại trừ chứng khoán Đức không được “hưởng lợi” do nghỉ giao dịch, đa số các thị trường chứng khoán chính khác của châu Âu đều lấy lại đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau phiên bán tháo trước đó nhờ những thông tin tích cực hỗ trợ.

Trong phiên cuối tuần, việc giá dầu giảm mạnh đã hỗ trợ cho cổ phiếu ngành hàng không và các hãng vận chuyển khác. Giá dầu thô Mỹ mất mốc 90 USD, trong khi giá dầu Brent cũng xuống đến mốc 92 USD/thùng.

Ngoài cổ phiếu hàng không và vận chuyển, cổ phiếu của các ngành công nghiệp có sử dụng nhiều năng lượng cũng vọt tăng trong phiên cuối tuần hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu. Ngoài ra, chứng khoán “lục địa già” cũng được hỗ trợ bởi báo cáo việc làm khả quan từ Mỹ.

Tuy nhiên, cũng giống như chứng khoán Mỹ, dù hồi mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên bán tháo trong tuần do thất vọng với ECB, lo sợ cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông hay bệnh Ebola xuất hiện ở Mỹ, chứng khoán châu Âu vẫn có tuần giảm điểm.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 81,52 điểm (+1,26%), lên 6.527,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 39,07 điểm (+0,92%), lên 4.281,74 điểm. Chứng khoán Đức nghỉ giao dịch phiên cuối tuần.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,83%, chỉ số DAX giảm 3,11% và chỉ số CAC 40 giảm 2,57%.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên tăng nhẹ cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại nhờ báo cáo tích cực của hãng bán lẻ Fast Retailing Co, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng có diễn biến tương tự khi giao dịch trở lại sau 2 ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, đà tăng của các thị trường này bị hạn chế khi mối lo về cuộc biểu tình ở Hồng Kông vẫn còn, trong khi giới đầu tư cũng đang hướng tới bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố sau đó.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 46,66 điểm (+0,30%), lên 15.708,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,58 điểm (+0,57%), lên 23.064,56 điểm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,21%, chỉ số Hang Seng có 3 phiên giao dịch, trong đó có phiên tăng điểm cuối tuần sau 2 ngày nghỉ lễ cũng giảm 2,59%, trong khi chứng khoán tại Trung Quốc đại lục chỉ có 2 phiên giao dịch đầu tuần với cả 2 phiên cùng tăng điểm, có thêm mức tăng 0,69% trong tuần.

Báo cáo việc làm tích cực của Mỹ khiến đồng USD tăng lên mức cao nhất 4 năm so với rổ tiền tệ chung, đẩy giá vàng lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần và lần đầu tiên trong năm nay, giá kim loại quý xuống dưới mốc 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 3/10, giá vàng giao ngay giảm 23,60 USD (-1,94%), xuống 1.190,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 22,2 USD (-1,83%), xuống 1.192,9 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,35%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng giảm 1,85%.

Trong lần khảo sát tuần này của Kitco, trong số 37 người được hỏi, có 26 người trả lời. Trong đó, chỉ có 7 người dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần tới, trong khi có tới 16 người dự báo giá kim loại quý này sẽ tiếp tục giảm và 3 người cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Cũng giống giá vàng, giá dầu thô cũng chịu áp lực do đồng USD tăng giá mạnh. Ngoài chịu áp lực bởi đồng USD mạnh, giá dầu còn chịu áp lực giảm do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm. Giá dầu Brent có phiên giảm thứ 4 liên tiếp và xuống dưới mức thấp nhất kể từ năm 2012, trong khi giá dầu thô Mỹ cũng để mất mốc 90 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô giảm tới hơn 4%.

Kết thúc phiên 3/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,27 USD (-1,42%), xuống 89,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,11 USD (-1,20%), xuống 92,31 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu lao dốc mạnh với việc giá dầu thô Mỹ giảm tới 4,06%, trong khi giá dầu thô Brent thậm chí còn giảm mạnh hơn 4,84%.

Tin bài liên quan