Trong kiểm toán độc lập, Không áp dụng khái niệm “chính xác”
Bàn về việc lập và trình bày báo cáo tài chính được công bố, trước tiên phải khẳng định là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 5, Điều 6 và Điều 39 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ban hành ngày 20/11/2015.
Các kiểm toán viên độc lập thực hiện công việc kiểm toán báo cáo tài chính nhằm mục đích đưa ra ý kiến đánh về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ban hành ngày 29/3/2011.
Theo quy định trong các chuẩn mực kiểm toán độc lập của Việt Nam, khi tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp, kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán dựa trên xét đoán, đánh giá rủi ro của kiểm toán viên và kiểm tra trên cơ sở chọn mẫu.
Bà Hà Thu Thanh.
Kiểm toán viên thực hiện việc kiểm tra trên cơ sở chọn mẫu các các tài liệu, chứng từ kế toán do doanh nghiệp cung cấp để thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán. Dựa trên các bằng chứng kiểm toán thu thập được, kiểm toán viên đánh giá báo cáo tài chính đó có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu theo các chuẩn mực kế toán hiện hành hay không.
Nếu các doanh nghiệp cung cấp các tài liệu không đủ, kiểm toán viên có quyền được yêu cầu cung cấp thêm các tài liệu. Tuy nhiên, việc cung cấp thêm hoặc từ chối cung cấp tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp được kiểm toán. Khi doanh nghiệp cung cấp đúng và đủ tài liệu, chứng từ kế toán thì kiểm toán viên có cơ sở đúng để đưa ra ý kiến kiểm toán về tính trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Trong những trường hợp doanh nghiệp cung cấp không đủ hoặc từ chối cung cấp thêm tài liệu thuộc phạm vi thẩm quyền của doanh nghiệp, phạm vi công việc kiểm toán sẽ bị ảnh hưởng và kiểm toán viên độc lập sẽ phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán do hạn chế phạm vi kiểm toán.
Nếu phạm vi kiểm toán bị ảnh hưởng lớn, kiểm toán viên sẽ đưa ra các ý kiến từ chối nhận xét về tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp cung cấp tất cả các tài liệu có liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra, thanh tra. Trong nhiều trường hợp, họ có thẩm quyền được thu thập thông tin, tài liệu từ các nguồn khác ngoài doanh nghiệp, để làm hồ sơ và đối chứng với những hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp.
Có thể nói, điểm khác biệt căn bản về cơ sở của ý kiến kiểm toán độc lập với các báo cáo tài chính được kiểm toán xuất phát từ yếu tố kỹ thuật kiểm toán là chọn mẫu kiểm toán và dựa trên phạm vi các chứng từ và tài liệu được doanh nghiệp kiểm toán cung cấp.
Cần hiểu đúng về trách nhiệm của kiểm toán viên
Khi có sự sai lệch thông tin trong báo cáo tài chính đã công bố, trách nhiệm giải trình trước hết là của doanh nghiệp.
Như đã trình bày ở trên, kiểm toán viên độc lập có trách nhiệm đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý về các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính. Do đó, kiểm toán viên độc lập chỉ có thể trả lời về các thủ tục kiểm toán đã thực hiện nhằm làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.
Trên thực tế, kiểm toán viên độc lập khó có thể phát hiện hết được những gian lận (nếu có) mà doanh nghiệp đã hợp lý hóa bằng những chứng từ, hợp đồng kinh tế. Các quyết định đầu tư, quyết định kinh doanh của doanh nghiệp đúng hay sai cũng không thuộc phạm vi của kiểm toán viên độc lập.
Việc ngăn ngừa và phát hiện sai sót gian lận trước hết thuộc về trách nhiệm của ban giám đốc doanh nghiệp và ban quản trị doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán để nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và ngăn ngừa những gian lận phát sinh trong quá trình lập và trình bày thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Theo chuẩn mực kiểm toán số 240, trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Nhưng chuẩn mực này cũng nêu rõ, do những hạn chế vốn có của kiểm toán, nên rủi ro không thể tránh khỏi là kiểm toán viên độc lập không phát hiện được tất cả các sai sót, gian lận làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Vì vậy, kiểm toán độc lập chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi ý kiến mà họ đưa ra đối với báo cáo tài chính dựa trên các hồ sơ chứng từ mà họ được cung cấp trong quá trình kiểm toán.
Người sử dụng thông tin trên các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp nên lưu ý đọc kỹ các ý kiến của kiểm toán viên cùng với các thông tin và thuyết minh của báo cáo tài chính, chứ không chỉ tập trung vào các thông tin tài chính chủ yếu.
Kiểm toán độc lập là một trong những công cụ để trợ giúp minh bạch hóa thị trường thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Trách nhiệm thực sự của kiểm toán độc lập cần phải được hiểu đúng bản chất trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn công việc mà họ đã thực hiện.