Mới đây, HKB đã công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét 2017 (riêng và hợp nhất). Kết quả ghi nhận, HKB đạt doanh thu hợp nhất hơn 103 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 18 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ lãi ròng 4,66 tỷ đồng.
Số liệu tài chính của HKB sau soát xét không bị thay đổi so với báo cáo tài chính quý II của Công ty tự lập, tuy nhiên, đơn vị kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo của HKB là Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán CPA Viet Nam nêu ra một loạt ý kiến ngoại trừ và lưu ý về hoạt động của doanh nghiệp này.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính riêng của HKB, kiểm toán viên lưu ý về khoản đầu tư tài chính dài hạn. Theo đó, vào ngày 11/3/2017, HKB và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản là “dây chuyền đánh bóng gạo xuất khẩu”.
Nguyên giá tài sản trên sổ kế toán là 4,4 tỷ đồng, hao mòn lũy kế tại 31/3/2017 là hơn 414 triệu đồng, tương ứng giá trị còn lại gần 4 tỷ đồng. Nhưng hai bên đã thống nhất định giá lại tài sản mang góp vốn là 28 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị định giá với giá trị còn lại là hơn 24 tỷ đồng và được HKB ghi nhận vào thu nhập khác.
Trên thực tế, trong kỳ, HKB lỗ thuần hơn 40 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nhờ khoản thu nhập khác nói trên mà HKB giảm lỗ còn hơn 18 tỷ đồng. Đáng nói hơn, trước đó, trong quý I, cũng nhờ khoản thu nhập này, HKB báo lãi trước thuế xấp xỉ 6,8 tỷ đồng, trong khi lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 17 tỷ đồng.
Một vấn đề khác, liên quan đến trích lập dự phòng khoản phải thu, kiểm toán viên cho biết, trong tổng công nợ phải thu ngắn hạn của HKB, có gần 24,4 tỷ đồng là nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 27,8%), Công ty hiện đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 3,3 tỷ đồng. HKB chưa thực hiện theo dõi phân tích tuổi nợ để trích lập dự phòng cho phù hợp.
Kiểm toán viên cho biết, các thủ tục soát xét bổ sung vẫn không giúp kiểm toán thu thập được bằng chứng cần thiết để đánh giá tuổi nợ, làm cơ sở ước tính giá trị cần trích lập dự phòng theo quy định.
Đối với hàng tồn kho, tại 30/6/2017, HKB có giá trị nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho trên sổ kế toán là 126,89 tấn, tương ứng số tiền 19,17 tỷ đồng (đơn giá bình quân 151.063 đồng/kg). Trong khi đó, giá hạt tiêu tham khảo trên thị trường cùng thời điểm chỉ ghi nhận mức cao nhất là 78.000 đồng/kg. Kiểm toán viên cho rằng, ước tính giá trị thuần của nguyên vật liệu hạt tiêu tồn kho có thể thực hiện thấp hơn giá trị ghi sổ đang phản ánh trên báo cáo tài chính của Công ty tại ngày 30/6/2017.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh những vấn đề công ty kiểm toán lưu ý trên báo cáo tài chính của HKB, phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán lớn trên thị trường cho rằng, nhà đầu tư cần hết sức quan tâm tới những nội dung này, bởi đây là các vấn đề trọng yếu liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty. Có thể coi đây là những cảnh báo để tránh việc cuối năm “té ngửa” khi báo cáo kiểm toán năm sẽ phơi bày rõ hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài các vấn đề cần lưu ý, trên cả báo cáo riêng và hợp nhất, đơn vị kiểm toán CPA Việt Nam đều có ý kiến ngoại trừ về việc công ty này “không đủ cơ sở để xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu” về số dư đầu kỳ kinh doanh 2017 của HKB. CPA Việt Nam cũng ghi rõ số dư tại ngày 1/1/2017 được lấy từ báo cáo kiểm toán 2016 do một đơn vị khác là Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội (đã đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần).
Theo vị phó tổng giám đốc công ty kiểm toán, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán được sử dụng trong những trường hợp có những hạn chế về điều kiện soát xét hoặc kiểm toán, sự không thống nhất giữa doanh nghiệp và công ty kiểm toán cùng với một số trường hợp đặc biệt khác… khiến kiểm toán viên không đủ bằng chứng xác thực các số liệu cụ thể. Trong trường hợp này, việc CPA Việt Nam đưa ra ý kiến ngoại trừ có thể giống như một lời cảnh báo về độ tin cậy của báo cáo tài chính năm 2016 của công ty này.
Một chi tiết đáng chú ý, đầu năm nay, HKB bất ngờ thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính. Ngày 21/3/2017, Công ty có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin thay đổi công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016 từ Công ty TNHH PKF Việt Nam sang CPA Hà Nội. Hợp đồng với CPA Hà Nội được ký vào ngày 20/3/2017.
Báo cáo tài chính của HKB được CPA Hà Nội chấp nhận toàn phần, nhưng có nhiều điểm khó hiểu. Chẳng hạn, tổng tài sản của HKB đã tăng từ 397 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 832 tỷ đồng năm 2016. Khoản đột biến khiến tổng tài sản tăng mạnh là phần lợi thế thương mại lên tới 448 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Số tiền chi góp vốn vào đơn vị khác của HKB lên tới 851 tỷ đồng, vượt qua cả tổng tài sản doanh nghiệp.
CPA Hà Nội từng “có vết” trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết. Công ty này từng bị đình chỉ tư cách công ty kiểm toán vì sai phạm trong kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp là CTCP Xuất nhập khẩu Khoáng sản Hà Nam (KSH) và CTCP Biển Bắc.