Báo cáo phát triển bền vững: Xu hướng đáng quan tâm

Báo cáo phát triển bền vững: Xu hướng đáng quan tâm

(ĐTCK) Các doanh nghiệp cần hướng tới công bố các thông tin phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh.

Báo cáo phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng đáng quan tâm như thế nào?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố đầy đủ các thông tin phi tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp.

Theo một khảo sát toàn cầu của PwC năm 2018, có tới 72% số công ty đã đề cập đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong khuôn khổ báo cáo thường niên hoặc báo cáo phát triển bền vững.

Còn theo một nghiên cứu của Viện Ðầu tư bền vững (Si2) cũng trong năm 2018, 78% các công ty trong danh sách S&P 500 đã lập báo cáo phát triển bền vững cho kỳ báo cáo gần nhất.

Các động lực thúc đẩy công bố và báo cáo đến từ yêu cầu của luật pháp, mong đợi của thị trường và bản thân chiến lược của doanh nghiệp.

Về mặt luật pháp, yêu cầu báo cáo, công bố thông tin đang ngày càng được thắt chặt trên khắp các thị trường khu vực và quốc tế, điển hình là các sàn giao dịch chứng khoán đang nâng cao các yêu cầu công bố thông tin về môi trường và xã hội tích hợp trong báo cáo thường niên của các công ty niêm yết.

Về mặt thị trường, việc không công bố hoặc công bố hạn chế các thông tin phi tài chính có thể làm giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và giảm sự tin tưởng của các bên có quyền lợi liên quan.

Cuối cùng, đối với nội bộ doanh nghiệp, báo cáo phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có được những thông tin cần thiết để vạch ra chiến lược đối phó với các rủi ro biến đổi khí hậu, biến động nhân lực, thay đổi giá trị doanh nghiệp do sự gia tăng của các yếu tố vô hình...

Các nhà đầu tư mong đợi các thông tin phát triển bền vững ra sao và các công ty cần làm gì để đáp ứng?

Các nhà đầu tư thường muốn biết các rủi ro chính về phát triển bền vững là gì, các rủi ro đó được quản lý ở cấp độ điều hành hoạt động như thế nào và được giám sát ở cấp độ hội đồng quản trị ra sao.

Ðể đáp ứng được yêu cầu thông tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tiên phải giải trình được vai trò của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong mô hình và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Họ cần diễn giải được cách các yếu tố này ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ, ví dụ thông qua tác động lên danh tiếng công ty, đến tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên, đến việc cấp phép hoạt động, đến mối quan hệ với các bên liên quan...

Tiếp đến, doanh nghiệp cần trình bày với nhà đầu tư cách họ có thể tiếp cận các cơ hội mới và nguồn thu mới từ các sản phẩm "xanh", dịch vụ "xanh" và mang lại lợi ích cho xã hội như thế nào.

Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần cung cấp dữ liệu chính xác, kịp thời, phù hợp với năm tài chính và với mô hình sở hữu doanh nghiệp của họ, dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu nhất quán làm cơ sở thuận lợi cho việc so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tại Việt Nam có quy định các tiêu chuẩn để lập báo cáo phát triển bền vững hay không?

Việc công bố thông tin về các chỉ số môi trường và xã hội hiện nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các công ty niêm yết tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC.

Vượt lên trên quy định mang tính tuân thủ này, một số doanh nghiệp đã tự nguyện áp dụng các khung báo cáo phát triển bền vững đang thịnh hành trên thế giới, điển hình như bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI).

Một số doanh nghiệp đã tiên phong trong việc tiến hành đánh giá chi tiết về mức độ tích hợp phát triển bền vững vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp, hay trong việc tiến hành khảo sát ý kiến đánh giá của các bên có quyền lợi liên quan cho mục đích xây dựng báo cáo phát triển bền vững đa chiều nhất.

Khi yêu cầu thông tin của các bên có quyền lợi liên quan và của thị trường tăng lên thì việc phát triển các khung tiêu chuẩn, đánh giá xếp hạng, đo lường chỉ số hoạt động bền vững cũng dần được chuẩn hóa.

Trên thế giới, bên cạnh bộ tiêu chuẩn của GRI thì Ủy ban Báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC), Hội đồng Báo cáo phát triển bền vững tiêu chuẩn (SASB) hay Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact) cũng đã đưa ra các khuôn khổ và nguyên tắc báo cáo về phát triển bền vững đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bài bản và nhất quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi phân tích đánh giá thông tin về phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Mọi câu hỏi về QTCT và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.

Tin bài liên quan