Đó là nhận xét của ông Nguyễn Viết Thịnh, Hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC), Trưởng nhóm chấm giải Báo cáo PTBV.
Sự tiến bộ của chất lượng báo cáo PTBV trong mùa giải năm nay cụ thể ra sao, thưa ông?
Trong năm vừa qua, có nhiều hoạt động nhằm nâng cao trình độ và nhận thức của các công ty đối với báo cáo PTBV được tổ chức bởi nhiều bên có liên quan như các Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội. Có vẻ như các nỗ lực tổng hợp này đã giúp cải thiện chất lượng báo cáo PTBV.
Sau mùa bình chọn đầu tiên, các DN tham gia, Ban tổ chức cũng như Hội đồng bình chọn đều đã có kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện/tổ chức/chấm báo cáo PTBV. Nội dung báo cáo PTBV được DN hiểu sâu sắc hơn. Thay vì chỉ trình bày các hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội thì năm nay nội dung đầy đủ hơn, đã tính đến các bên liên quan và đưa ra cam kết với các bên liên quan từ người lao động, địa phương, đối tác…
Có thể nói, việc tổ chức và duy trì giải thưởng báo cáo PTBV đã có tác động nâng cao ý thức về PTBV đối với DN. Điều này được thể hiện qua việc các DN đã tham khảo nhiều hơn tới hướng dẫn lập báo cáo PTBV của IFC, hướng dẫn cách trình bày báo cáo PTBV của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI). Nhiều DN đã đề cập đến những tiêu chí trong hướng dẫn của các tổ chức trên trong báo cáo của mình.
Đồng thời, các DN đã chủ động hơn trong việc cập nhật hướng dẫn mới để làm báo cáo chuẩn mực hơn. Đặc biệt, đã có DN như Tập đoàn Bảo Việt đã tham khảo các tiêu chuẩn G4 để áp dụng vào việc lập báo cáo của mình. G4 là phiên bản mới nhất về hướng dẫn lập báo cáo PTBV do GRI mới phát hành; trong đó, bản tiếng Anh được phát hành năm 2013 và bản tiếng Việt được phát hành tháng 5/2014.
Điểm đáng mừng, phần lớn các công ty được đánh giá cao năm trước vẫn duy trì được chất lượng báo cáo trong năm nay. Trong số báo cáo PTBV lọt vào Top 10 thì có tới 7 gương mặt cũ. Điều này đồng nghĩa với việc những DN này đã thực hiện được những cam kết của họ. Một số công ty đã có sự nhảy vọt về chất lượng báo cáo so với năm trước như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Bảo Việt.
Vậy mặt bằng chất lượng báo cáo PTBV của DN Việt Nam đã theo kịp báo cáo của DN trong khu vực chưa?
Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc DN phải thực hiện báo cáo PTBV, trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã đưa ra những hướng dẫn PTBV từ rất sớm. Chính vì vậy, những DN này có xuất phát điểm cao hơn.
Năm trước, chất lượng các báo cáo PTBV của Việt Nam có khoảng cách rất xa nhưng năm nay, với 2 báo cáo đạt giải cao nhất thì cũng đã có thể “so tài” với các báo cáo của DN trong khu vực.
Với tính chủ động và ý thức lập báo cáo PTBV được nâng cao hơn nhiều so với năm ngoái thì có thể kỳ vọng chất lượng và số lượng báo cáo PTBV sẽ được cải thiện dần qua các năm.
Theo ông, đâu là những điểm mà DN cần khắc phục để thực hiện báo cáo PTBV tốt hơn?
Có một số vấn đề mà Hội đồng bình chọn khuyến nghị năm ngoái vẫn chưa được các DN chú trọng. Chẳng hạn, các báo cáo mới chỉ phản ánh hoạt động kinh doanh của DN, mà không có các phân tích chuyên sâu xem tác động của hoạt đồng này với môi trường và xã hội như thế nào. Ngoài ra, cơ chế thu nhận và phản hồi thông tin đối với các bên liên quan còn hạn chế.
Trong phạm vi của báo cáo, cả DN hoạt động ở lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ đều chưa nêu rõ toàn bộ chuỗi cung ứng (bao gồm khách hàng, nhà cung cấp hay những đối tác) của công ty. Vì vậy, việc lồng ghép các vấn đề môi trường và xã hội vào từng quyết định của DN chưa được trình bày rõ.
Đối với hệ thống quản trị, nhiều DN chưa có quy trình quản trị hữu hiệu, phân công đảm trách cũng như cơ chế khen thưởng liên quan đến các vấn đề PTBV nhằm đảm bảo tính đầy đủ và tin cậy của thông tin, trong khi đây là những yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng báo cáo PTBV.
Cấu trúc báo cáo còn yếu vì còn nhiều DN không thực hiện báo cáo PTBV theo các chuẩn mực, thiếu nhiều thông tin rất cơ bản như ai phụ trách, liên lạc như thế nào, đối tượng nhận báo cáo là ai…
Vậy những điểm mà DN có thể khắc phục ngay trong báo cáo PTBV là gì, thưa ông?
Có một số thông tin đơn giản mà các DN có thể đưa vào để làm tăng hiệu quả của cấu trúc của báo cáo. Đơn giản nhất là trong báo cáo phải thể hiện được đối tượng hướng đến là cổ đông, nhà đầu tư hay cộng đồng... Phạm vi báo cáo cũng cần nêu rõ, tức báo cáo được lập ra chỉ phản ánh phạm vi công ty hay bao gồm cả công ty con, tại địa bàn hoạt động hay ở những tỉnh thành khác, chỉ bản thân DN hay còn với cả nhà cung cấp.
Trong báo cáo, cũng cần thông tin rõ người phụ trách liên lạc, cách thức liên lạc và ai là người chịu trách nhiệm thông tin để đảm bảo tính tin cậy. Những điều này rất đơn giản nhưng giúp báo cáo rõ ràng hơn.
Một báo cáo PTBV tốt cần có sự tham chiếu, chẳng hạn vấn đề quản trị DN thì có sự tham chiếu từ trong báo cáo thường niên mà không cần lặp lại, những nội dung tham chiếu trên Internet như ISO thì DN có thể đưa đường link vào báo cáo sẽ giúp báo cáo chặt chẽ hơn, có thể làm ngay không cần đầu tư nhiều công sức và thời gian.
Ngoài hướng dẫn của IFC, DN còn có thể tìm đến tổ chức nào để được tư vấn/hỗ trợ trong việc thực hiện các tiêu chí cũng như lập báo cáo phát triển bền vững?
Ngoài Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội thì DN còn có thể tham khảo hướng dẫn của GRI, chương trình minh bạch hóa DN do GRI và Cục Hợp kinh tế của Chính phủ Thụy Sĩ SECO phối hợp cùng thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị cũng có thể tham khảo các tổ chức tư vấn và đào tạo GRI chứng nhận tại Việt Nam.