Báo cáo phát triển bền vững, ba điểm nhấn trọng yếu

Báo cáo phát triển bền vững, ba điểm nhấn trọng yếu

(ĐTCK) Trong khuôn khổ “Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2013”, lần đầu tiên Ban tổ chức cuộc bình chọn sẽ trao Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (BCPTBV), nhằm khuyến khích DN, NĐT, cũng như TTCK ngày càng coi trọng yếu tố phát triển bền vững của DN. ĐTCK trao đổi với ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Là đơn vị được UBCK giao chủ trì phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng cuốn cẩm nang Hướng dẫn lập BCPTBV, ông có thể cho biết xuất phát từ đâu mà Giải thưởng BCPTBV lần đầu tiên được triển khai từ năm nay?

Trong khuôn khổ Giải thưởng Báo cáo thường niên, Giải thưởng BCPTBV năm 2013 được UBCK, Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Báo Đầu tư Chứng khoán và Dragon Capital cùng tổ chức, với sự bảo trợ chuyên môn của IFC và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc. Giải thưởng thường niên này dành cho các DN niêm yết trên HOSE và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Việc triển khai Giải thưởng BCPTBV xuất phát từ nhu cầu khách quan của bối cảnh thị trường cả trong nước và quốc tế. Ngày càng có nhiều DN cung cấp BCPTBV và lồng ghép các thông tin về môi trường, xã hội và quản trị vào BCTN, là minh chứng xác thực về mối tương quan giữa phát triển bền vững với hiệu quả hoạt động và mức lợi nhuận thu được của DN. Không chỉ trên thế giới, mà tại Việt Nam, NĐT ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các DN phát triển xanh, bền vững, coi trọng các yếu tố phát triển gắn liền với giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, đề cao trách nhiệm xã hội.

Trong khu vực ASEAN, Singapore đã khởi động quá trình xây dựng Sở GDCK dành cho các DN phát triển “xanh”. Cùng với đó, để khuyến khích các DN coi trọng phát triển bền vững, minh bạch thông tin hoạt động hơn nữa, giúp NĐT nhận diện rõ hơn các nhân tố này, từ đó giúp thị trường có thêm kênh tiếp cận thông tin về DN, UBCK đã ủy quyền cho HOSE kết hợp với các bên liên quan triển khai Giải thưởng BCPTBV.

 

Với đặc thù hoạt động của khối CTCK, công ty quản lý quỹ, xác định các hoạt động như thế nào được coi là có trách nhiệm xã hội và không gây hại cho môi trường không đơn giản. Cách nào giúp các DN nhận diện được những hoạt động này, thưa ông?

Với DN sản xuất, xác định các hoạt động như thế nào là có trách nhiệm với xã hội và môi trường không khó. Tuy nhiên, với các CTCK, công ty quản lý quỹ, việc này không đơn giản, vì làm gì có các hoạt động phát thải ô nhiễm ra môi trường. Từ thực tiễn này, ngay khi khởi xướng ý tưởng triển khai Giải thưởng BCPTBV từ năm 2011, chúng tôi đã có các hoạt động nhằm giúp DN nhận diện các giá trị mà họ đóng góp cho xã hội và môi trường. Ngoài tiến hành các lớp tập huấn cho DN, trong quá trình xây dựng cẩm nang Hướng dẫn lập BCPTBV, chúng tôi khuyến khích DN góp ý, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn hoạt động của DN. Từ đó làm lộ diện các hoạt động như thế nào là có đóng góp cho xã hội và góp phần bảo vệ môi trường đối với các CTCK, công ty quản lý quỹ như tiết kiệm điện, nước; gia tăng tính ổn định trong sử dụng lao động; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện…

 

Để BCPTBV có chất lượng tốt, đâu là những điểm nhấn cần có trong BCPTBV mà các DN cần lưu ý, thưa ông?

Có 3 điểm nhấn quan trọng, có tác động qua lại với nhau mà các DN cần làm nổi bật khi xây dựng BCPTBV. Thứ nhất, BCPTBV phải chỉ rõ đâu là các hoạt động của DN, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội như: tính ổn định trong sử dụng lao động; chính sách chăm sóc, ưu đãi người lao động; các hoạt động từ thiện xã hội… Thứ hai, thông qua các hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN đã góp phần bảo vệ môi trường ra sao. Với khối CTCK, công ty quản lý quỹ, cần làm rõ các hoạt động tưởng như đơn giản như tiết kiệm điện, nước ra sao; hay triển khai đầu tư vào các DN phát triển bền vững, thay vì đặt mục tiêu số một là lợi nhuận mà liên tục gia tăng đầu tư vào các DN xả nước, chất thải độc hại ra môi trường, khai thác khoáng sản không bền vững… Thứ ba là yếu tố quản trị DN. Ba yếu tố này có tác động qua lại mật thiết với nhau, đảm bảo cho DN phát triển bền vững.

 

Thưa ông, cơ quan quản lý có hướng tới luật hóa việc xây dựng BCPTBV?

Ít nhất vài năm tới, cơ quan quản lý chưa đặt vấn đề luật hóa việc xây dựng và công bố BCPTBV, mà tiếp tục khuyến khích, để tránh gây áp lực cho DN, đồng thời giúp DN có thời gian làm quen với văn hóa xây dựng và minh bạch BCPTBV. Khi các giá trị phát triển bền vững ngày càng được các DN niêm yết thừa nhận rộng rãi, cùng với đòi hỏi mới từ thị trường về nâng cao chất lượng minh bạch thông tin từ phía DN, cơ quan quản lý mới tính đến cụ thể hóa các yếu tố về phát triển bền vững vào các tiêu chuẩn niêm yết, chuẩn mực công bố thông tin, cũng như yêu cầu DN phải lập và công bố BCPTBV theo chuẩn mực mà cơ quan quản lý đưa ra.