Những điểm tiến bộ
Đã có doanh nghiệp áp dụng hình thức báo cáo tích hợp để cố gắng cung cấp nhiều hơn thông tin về triển vọng và chiến lược kinh doanh của mình. Đây là một bước tiến mới theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, có lẽ cần thêm một thời gian nữa để doanh nghiệp có thể hoàn thiện và phát huy hết các lợi ích của loại hình báo cáo này.
Hầu hết các báo cáo vào Chung khảo đều đã tham chiếu, gắn kết chiến lược và hoạt động phát triển bền vững với các Mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đã liên kết đến các mục tiêu quốc gia và mục tiêu ngành trong phát triển bền vững.
Một xu hướng mới là ngày càng có nhiều doanh nghiệp có chiến lược, định hướng cụ thể để chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.
Về tính tin cậy, báo cáo của nhiều đơn vị áp dụng quy trình thu thập thông tin hàng tháng giúp gia tăng đáng kể mức độ tin cậy của số liệu. Các doanh nghiệp cũng đã có các tiến bộ về hệ thống quản trị, có bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp, đồng thời có trách nhiệm, kế hoạch hành động rõ ràng. Vai trò của kiểm toán nội bộ trong việc đảm bảo số liệu của báo cáo cũng được nâng cao và phổ biến hơn.
Hình thức của các báo cáo nhìn chung cũng có nhiều tiến bộ, cấu trúc mạch lạc, trình bày rõ ràng hơn, chú trọng hơn đến phần tóm tắt, hình ảnh minh họa, đồ thị, sơ đồ có tính mỹ thuật cao, hài hòa và phù hợp với nội dung. Đặc biệt, có đơn vị đã áp dụng hình thức báo cáo thông minh (Smart Report) nâng cao mức độ tương tác với người đọc. Báo cáo bằng tiếng Anh cũng có chất lượng tốt hơn, dùng từ chuẩn hơn.
Tồn tại cần cải thiện
Tuy có những điểm tiến bộ, vẫn còn một số tồn tại qua nhiều năm nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa tập trung cải thiện.
Hầu hết các doanh nghiệp trong Top đầu đều áp dụng chuẩn GRI và tham chiếu rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nêu rõ lựa chọn áp dụng là cốt lõi hay toàn diện.
Phần lớn chiến lược phát triển bền vững chưa cụ thể hóa bằng các mục tiêu chiến lược, nếu có thì cũng chưa định lượng qua các chỉ tiêu phấn đấu. Việc liên kết các vấn đề trọng yếu với các hoạt động của doanh nghiệp đa phần chưa được thể hiện rõ. Vấn đề này đã hạn chế nhiều mức độ tin cậy của báo cáo, cũng như chưa thể hiện sự quyết tâm và cam kết của doanh nghiệp trong lộ trình phát triển bền vững.
Ngoài ra, quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo cũng chưa được miêu tả ở nhiều báo cáo. Các số liệu còn thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành.
Việc phân tích tác động của chuỗi giá trị (nhất là từ nhà cung cấp…) vẫn còn rất hiếm, chỉ có ở một vài báo cáo. Hạn chế này làm giảm mức độ đầy đủ của báo cáo, cũng như sự tin cậy của người đọc.
Cuối cùng, năm nay là năm đầu tiên số doanh nghiệp có báo cáo riêng giảm xuống (còn 12 so với 15 của 2018).