Cả nước có hơn 280 khu công nghiệp, trong đó 25% chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (ảnh minh họa)

Cả nước có hơn 280 khu công nghiệp, trong đó 25% chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (ảnh minh họa)

Báo cáo môi trường, giật mình các con số

(ĐTCK) Chiều 29/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, phát triển kinh tế đang tạo ra nhiều rác và nước thải hơn, nhưng năng lực xử lý lại không tăng tương ứng. Báo cáo đề xuất nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến chính sách pháp luật để bảo vệ môi trường.

Báo cáo trên đã cung cấp cái nhìn tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia trong 5 năm vừa qua, đồng thời cập nhật, bổ sung một số vấn đề nội cộm xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải cacbon thấp, xanh và bền vững, nhưng nổi lên không ít vấn đề môi trường bức xúc, có những sự cố môi trường nghiêm trọng.

“Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để phát triển nhanh, bền vững và khắc phục được tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sự phát triển kinh tế những năm qua đã tạo ra áp lực lớn đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Dân số và đô thị hóa, phát triển công nghiệp, phát triển năng lượng, xây dựng, giao thông, các dịch vụ, y tế, nông nghiệp đều tạo ra sức ép không nhỏ, tác động tới tài nguyên, môi trường.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Dân số tăng kéo theo rác thải, nước thải sinh hoạt tăng. Trong khi đó, công trình xử lý nước thải đạt chuẩn quy định còn ít, chỉ có 40 trong số 787 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải và mới chỉ xử lý được 10 - 11% nước thải sinh hoạt, phần còn lại chưa được xử lý đang là nguồn thải lớn, gây ô nhiễm môi trường.

Xét các khu công nghiệp, ông Tùng cho biết, tính toán sơ bộ, cả nước có hơn 280 khu công nghiệp, trong đó có 75% đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý được 60% nước thải; các khu công nghiệp còn lại chưa xây hoặc đang xây dựng hệ thống này.

Về chất thải rắn, phát triển kinh tế đang tạo ra nhiều “rác” hơn, nhưng năng lực xử lý chất thải lại không tăng tương ứng. Theo Báo cáo, chất thải rắn mỗi năm tăng thêm 10%. Năm 2014, lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị khoảng 32.000 tấn/ngày. Khả năng xử lý chất thải có tăng, công nghệ có tiến bộ, nhưng không đáng kể, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hiện đã có một số nhà máy đốt chất thải rắn, nhưng mặt khác lại xuất hiện các lò đốt công suất nhỏ, không hợp vệ sinh, không đúng tiêu chuẩn.

“Chúng ta có thể thấy rác biến mất sau khi được đốt, nhưng các lò đốt không đủ chuẩn lại sinh ra ô nhiễm thứ cấp nguy hiểm hơn”, ông Tùng cảnh báo.

Báo cáo đánh giá, chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị được cải thiện, nhưng ở nhiều nơi khác, ô nhiễm ngày càng nặng nề. Nguyên nhân là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Thực tế, hệ thống pháp luật quy định về môi trường liên tục được hoàn thiện, nhưng ông Hoàng Dương Tùng nhận xét, vấn đề thực thi chưa tốt. Ví dụ rác thải, nhiều năm qua nói về phân loại rác thải tại nguồn để thu gom xử lý cho tốt hơn, có các văn bản pháp luật quy định, nhưng đến nay, đây vẫn là một dấu hỏi lớn. Cũng đã có nhiều quy định về thanh tra, kiểm tra, nhưng thực tế việc kiểm soát nguồn thải chưa tốt, nhiều doanh nghiệp không tự giác thực hiện, còn nhiều cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải vào môi trường không qua xử lý.

Báo cáo đề xuất nhiều giải pháp, đặc biệt các giải pháp liên quan đến chính sách pháp luật nhằm tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ và hiệu lực thực thi mạnh mẽ hơn. Cụ thể, cần rà soát sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Ngoài ra, theo ông Hoàng Dương Tùng, cần xây dựng Luật Không khí sạch và có thể nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng ban hành Luật Môi trường hoặc Bộ luật Môi trường để các quy định về môi trường được thống nhất, đồng bộ.

Tin bài liên quan