Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) là một bộ phận hợp thành của báo cáo tài chính, phản ánh việc hình thành và sử dụng lượng tiền phát sinh trong kỳ báo cáo của DN. BCLCTT cung cấp thông tin giúp người sử dụng đánh giá các thay đổi trong tài sản thuần, cơ cấu tài chính, khả năng chuyển đổi của tài sản thành tiền, khả năng thanh toán và khả năng của DN trong việc tạo ra các luồng tiền trong quá trình hoạt động. BCLCTT gồm 3 phần:

Phần 1: Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh

Luồng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh là luồng tiền có liên quan đến các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của DN, cung cấp thông tin cơ bản để đánh giá khả năng tạo tiền của DN từ các hoạt động kinh doanh để trang trải nợ, duy trì hoạt động, trả cổ tức và tiến hành các hoạt động đầu tư mới mà không cần đến nguồn tài chính bên ngoài. Thông tin về luồng tiền này khi sử dụng kết hợp với các thông tin khác sẽ giúp người sử dụng dự đoán luồng tiền từ hoạt động kinh doanh trong tương lai. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động kinh doanh gồm: tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ; tiền trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ, tiền chi trả lãi vay, tiền chi trả cho người lao động…

 

Phần 2: Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư

Luồng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư là luồng tiền có liên quan đến việc mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động đầu tư gồm: tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các khoản tài sản dài hạn khác; tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác (trừ trường hợp tiền thu từ bán lại cổ phiếu đã mua vì mục đích thương mại); tiền thu hồi cho vay (trừ trường hợp tiền thu hồi cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính); tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác; tiền chi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác (trừ trường hợp tiền chi mua cổ phiếu vì mục đích thương mại)…

 

Phần 3: Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính

Luồng tiền phát sinh từ hoạt động tài chính là luồng tiền có liên quan đến việc thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của DN. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động tài chính gồm: tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu; tiền thu từ các khoản vay ngắn hạn, dài hạn; tiền chi trả vốn góp của chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của chính DN đã phát hành; tiền chi trả các khoản nợ gốc đã vay…

Theo quy định, DN được trình bày các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của DN. Việc phân loại và báo cáo luồng tiền theo các hoạt động sẽ cung cấp thông tin cho người sử dụng đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với tình hình tài chính và đối với lượng tiền và các khoản tương đương tiền tạo ra trong kỳ của DN. Thông tin này cũng được dùng để đánh giá các mối quan hệ giữa các hoạt động nêu trên.

Phương pháp lập

* Phương pháp trực tiếp: theo phương pháp này, các luồng tiền vào và các luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh được xác định và trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của DN.

* Phương pháp gián tiếp: theo phương pháp này, các luồng tiền vào và các luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh được tính và xác định trước hết bằng cách điều chỉnh lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động kinh doanh khỏi ảnh hưởng của các khoản mục không phải bằng tiền, các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả từ hoạt động kinh doanh và các khoản mà ảnh hưởng về tiền của chúng là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Nguyên tắc ghi tăng (+) hoặc ghi giảm (-) theo phương pháp này cũng rất đơn giản và dễ nhớ, đó là loại trừ ảnh hưởng của các khoản mục không liên quan đến luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.

BCLCTT theo phương pháp gián tiếp theo quy định hiện nay chỉ thực sự gián tiếp ở phần lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, còn 2 phần, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính được xác định theo phương pháp trực tiếp. Mặt khác, DN có thể lập BCLCTT theo một hoặc cả hai phương pháp. Tương ứng với mỗi phương pháp có mẫu báo cáo riêng, nhưng thực tế mẫu báo cáo của 2 phương pháp chỉ khác nhau ở phần lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh.

 

Lưu ý

* Các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền (các khoản đầu tư ngắn hạn không quá 3 tháng, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền) không được trình bày trong BCLCTT.

* Lợi nhuận không phải là dòng tiền như nhiều người thường nhầm lẫn. Tại một thời điểm cụ thể, lợi nhuận có thể đóng góp tích cực cho dòng tiền, nhưng cũng có thể không. Ví dụ, nếu lợi nhuận của năm nay đạt được là nhờ vào việc kinh doanh tiến triển vượt bậc trong tháng 10, mức doanh thu này sẽ được ghi nhận là lợi nhuận trong thời kỳ tài chính nên cộng thêm vào lợi nhuận. Nhưng nếu sản phẩm bán ra chưa được thanh toán cho đến kỳ kế toán tiếp theo, nó sẽ được ghi vào khoản phải thu, làm giảm dòng tiền.

* Hiện nay, phần lớn DN đều sử dụng phương pháp gián tiếp để lập BCLCTT. Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng, 2 phương pháp trên là những cách chuyển đổi đơn giản cho kết quả giống nhau.

* Luồng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra tiền đồng ghi sổ kế toán theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch đó. BCLCTT của các tổ chức hoạt động ở nước ngoài phải được quy đổi ra tiền đồng ghi sổ kế toán của công ty mẹ theo tỷ giá thực tế tại ngày lập BCLCTT.