Mục đích của chuẩn mực này là quy định nguyên tắc và phương pháp lập báo cáo các thông tin tài chính theo bộ phận, lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý khác nhau của DN nhằm hỗ trợ người sử dụng báo cáo tài chính (BCTC):
Hiểu rõ về tình hình hoạt động các năm trước của DN;
Đánh giá đúng về những rủi ro và lợi ích kinh tế của DN;
Đưa ra những đánh giá hợp lý về DN.
Chuẩn mực này được áp dụng cho DN đã phát hành, đã niêm yết hoặc chưa niêm yết trên TTCK và khuyến khích DN không phát hành chứng khoán công khai áp dụng. Báo cáo bộ phận cũng bao gồm các BCTC mà DN bắt buộc phải lập và công bố, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh BCTC.
Các thuật ngữ chung
Hoạt động kinh doanh: là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của DN và các hoạt động khác không phải là hoạt động đầu tư hoặc hoạt động tài chính.
Chính sách kế toán: là các nguyên tắc, cơ sở và phương pháp kế toán cụ thể được DN áp dụng trong việc lập và trình bày BCTC.
Doanh thu: là tổng giá trị lợi ích kinh tế DN thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường của DN, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.
Định nghĩa bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh và bộ phận theo khu vực địa lý
Bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh: là một bộ phận có thể phân biệt được của DN tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ riêng lẻ, một nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan mà bộ phận này có rủi ro và lợi ích kinh tế khác với các bộ phận kinh doanh khác. Các yếu tố cần xem xét để xác định sản phẩm và dịch vụ có liên quan hay không, gồm: tính chất của hàng hóa và dịch vụ; tính chất của quy trình sản xuất; kiểu hoặc nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ; phương pháp được sử dụng để phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ và điều kiện của môi trường pháp lý như hoạt động ngân hàng, bảo hiểm hoặc dịch vụ công cộng.
Bộ phận theo khu vực địa lý: là một bộ phận có thể phân biệt được của DN tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi một môi trường kinh tế cụ thể mà bộ phận này có rủi ro và lợi ích kinh tế khác với bộ phận kinh doanh trong các môi trường kinh tế khác. Các yếu tố cần xem xét để xác định bộ phận theo khu vực địa lý, gồm: tính tương đồng của các điều kiện kinh tế và chính trị; mối quan hệ của những hoạt động trong các khu vực địa lý khác nhau; tính tương đồng của hoạt động kinh doanh; rủi ro đặc biệt có liên quan đến hoạt động trong một khu vực địa lý cụ thể; các quy định về kiểm soát ngoại hối và các rủi ro về tiền tệ.
Một bộ phận cần báo cáo: là một bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hoặc một bộ phận theo khu vực địa lý được xác định dựa trên các định nghĩa nêu trên.
Định nghĩa doanh thu, chi phí, kết quả, tài sản và nợ phải trả bộ phận
Doanh thu bộ phận: là doanh thu trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của DN được tính trực tiếp hoặc phân bổ cho bộ phận, bao gồm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cho bộ phận khác của DN. Doanh thu bộ phận không bao gồm:
- Thu nhập khác;
- Doanh thu từ tiền lãi hoặc cổ tức, kể cả tiền lãi thu được trên các khoản ứng trước hoặc các khoản tiền cho các bộ phận khác vay, trừ khi hoạt động của bộ phận chủ yếu là hoạt động tài chính; hoặc:
- Lãi từ việc bán các khoản đầu tư hoặc lãi từ việc xoá nợ trừ khi hoạt động của bộ phận đó chủ yếu là hoạt động tài chính.
Doanh thu của bộ phận bao gồm cả phần lãi hoặc lỗ do đầu tư vào công ty liên kết, công ty liên doanh hoặc các khoản đầu tư tài chính khác được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu khi các khoản doanh thu đó nằm trong doanh thu hợp nhất của tập đoàn.
Chi phí bộ phận: là chi phí phát sinh từ các hoạt động kinh doanh của bộ phận được tính trực tiếp cho bộ phận đó và phần chi phí của DN được phân bổ cho bộ phận đó, bao gồm cả chi phí bán hàng ra bên ngoài và chi phí có liên quan đến những giao dịch với bộ phận khác của DN. Chi phí bộ phận không bao gồm:
- Chi phí khác;
- Chi phí tiền lãi vay, kể cả tiền lãi phải trả phát sinh đối với khoản tiền ứng trước hoặc tiền vay từ các bộ phận khác, trừ khi hoạt động của bộ phận đó chủ yếu là hoạt động tài chính;
- Lỗ từ việc bán các khoản đầu tư hoặc lỗ từ việc xoá nợ, trừ khi hoạt động của bộ phận đó chủ yếu là hoạt động tài chính;
- Phần sở hữu của DN trong khoản lỗ của bên nhận đầu tư do đầu tư vào các công ty liên kết, công ty liên doanh hoặc các khoản đầu tư tài chính khác được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu;
- Chi phí thuế thu nhập DN; hoặc:
- Chi phí hành chính chung và các chi phí khác phát sinh liên quan đến toàn bộ DN. Các chi phí DN chi hộ bộ phận được coi là chi phí bộ phận nếu chi phí đó liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của bộ phận và những chi phí này có thể được tính trực tiếp hoặc phân bổ vào bộ phận đó một cách hợp lý.
Đối với bộ phận có hoạt động kinh doanh chủ yếu là hoạt động tài chính, thì doanh thu và chi phí từ tiền lãi được trình bày trên cơ sở thuần trong báo cáo bộ phận nếu báo cáo tài chính của DN hoặc báo cáo tài chính hợp nhất được trình bày trên cơ sở thuần.
Kết quả kinh doanh của bộ phận: là doanh thu bộ phận trừ (-) chi phí bộ phận. Kết quả kinh doanh của bộ phận được xác định trước khi tính đến lợi ích của cổ đông thiểu số.
Tài sản của bộ phận: là tài sản đang được bộ phận đó sử dụng trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh và được tính trực tiếp hoặc được phân bổ vào bộ phận đó.
Trường hợp kết quả kinh doanh của một bộ phận có thu nhập từ tiền lãi hay cổ tức thì tài sản của bộ phận đó bao gồm cả các khoản phải thu, khoản cho vay, các khoản đầu tư tài chính hoặc tài sản khác tạo ra thu nhập trên.
Tài sản của bộ phận không bao gồm tài sản thuế thu nhập DN hoãn lại.
Tài sản của bộ phận không bao gồm các khoản dự phòng giảm giá có liên quan do các khoản này được trừ (-) trực tiếp trong bảng cân đối kế toán của DN.
Các khoản nợ phải trả bộ phận: là các khoản nợ trong kinh doanh của bộ phận được tính trực tiếp hoặc phân bổ vào bộ phận đó.
Trường hợp kết quả của bộ phận có chi phí lãi vay thì nợ phải trả của bộ phận cũng bao gồm nợ phải trả chịu lãi có liên quan.
Nợ phải trả bộ phận không bao gồm nợ phải trả thuế hoãn lại.
Chính sách kế toán bộ phận: là các chính sách kế toán được áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn hoặc DN, bao gồm cả chính sách kế toán liên quan đến lập báo cáo bộ phận.
Xác định báo cáo chính yếu và thứ yếu, các bộ phận cần báo cáo
Báo cáo chính yếu và thứ yếu
- Tính chất rủi ro và lợi ích kinh tế của một DN là căn cứ chủ yếu để xác định báo cáo bộ phận chính yếu (báo cáo đối với bộ phận chính yếu) được lập theo lĩnh vực kinh doanh hay khu vực địa lý.
- Cơ cấu tổ chức, quản lý nội bộ của DN và hệ thống BCTC nội bộ cho ban giám đốc thường là cơ sở để nhận biết nguồn và tính chất chủ yếu của các rủi ro và các tỷ suất sinh lời khác nhau của DN. Đó là cơ sở để xác định xem báo cáo bộ phận nào là chính yếu và thứ yếu, ngoại trừ các trường hợp quy định dưới đây:
+ Nếu rủi ro và tỷ suất sinh lời của DN bị tác động mạnh bởi cả sự khác nhau về sản phẩm và dịch vụ do DN đó sản xuất ra và về khu vực địa lý thì DN sử dụng lĩnh vực kinh doanh là báo cáo chính yếu và khu vực địa lý là báo cáo thứ yếu; và
+ Nếu cơ cấu tổ chức, quản lý của DN và hệ thống BCTC nội bộ cho ban giám đốc không dựa trên sự khác nhau về sản phẩm và dịch vụ hoặc về khu vực địa lý, thì ban giám đốc cần quyết định xem liệu rủi ro và lợi ích của DN liên quan nhiều hơn đến sản phẩm và dịch vụ mà DN đó sản xuất ra, hay liên quan nhiều hơn đối với các khu vực địa lý mà DN này hoạt động. Kết quả là ban giám đốc phải chọn lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý để lập báo cáo bộ phận chính yếu.
Các bộ phận cần báo cáo
- Hai hay nhiều lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý tương đương có thể được kết hợp thành một lĩnh vực kinh doanh hay một khu vực địa lý. Hai hay nhiều lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý được coi là tương đương khi:
+ Tương đương về tình hình tài chính;
+ Có chung phần lớn yếu tố quy định trong định nghĩa về khu vực kinh doanh hay khu vực địa lý.
- Một lĩnh vực kinh doanh hay khu vực địa lý cần được xác định là một bộ phận phải báo cáo khi phần lớn doanh thu phát sinh từ bán hàng ra ngoài, đồng thời thoả mãn một trong những điều kiện sau:
+ Tổng doanh thu của bộ phận từ việc bán hàng ra ngoài và từ giao dịch với các bộ phận khác chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu của tất cả bộ phận, hoặc
+ Kết quả kinh doanh của bộ phận này bất kể lãi (hay lỗ) chiếm từ 10% trở lên trên tổng lãi (hay lỗ) của tất cả các bộ phận có lãi (hoặc trên tổng lỗ của tất cả các bộ phận lỗ), nếu đại lượng nào có giá trị tuyệt đối lớn hơn, hoặc
+ Tài sản của bộ phận chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của tất cả các bộ phận.
- Đối với các bộ phận có mức dưới 10% theo quy định trong đoạn trên:
+ Bộ phận đó có thể báo cáo được mà không tính đến yếu tố quy mô nếu thông tin của bộ phận đó là cần thiết cho người sử dụng BCTC;
+ Nếu bộ phận đó có thể được kết hợp với các bộ phận tương đương khác; và
+ Nếu các bộ phận còn lại được báo cáo thành một khoản mục riêng.
- Nếu tổng doanh thu bán hàng ra ngoài của DN được phân bổ cho các bộ phận có thể được báo cáo thấp hơn 75% tổng số doanh thu của DN hoặc doanh thu của tập đoàn, thì phải xác định thêm bộ phận cần báo cáo, kể cả khi bộ phận đó không đáp ứng được tiêu chuẩn 10% trong đoạn nêu trên, cho tới khi đạt được ít nhất 75% tổng số doanh thu của DN hoặc tập đoàn được tính cho các bộ phận báo cáo được.
- Nếu BCTC coi các giai đoạn khác nhau của quy trình sản xuất khép kín là một bộ phận kinh doanh riêng biệt, nhưng báo cáo ra bên ngoài không trình bày là bộ phận kinh doanh riêng biệt, thì bộ phận bán hàng được kết hợp với bộ phận mua để thành bộ phận báo cáo ra bên ngoài, trừ khi không thể thực hiện được.
- Một bộ phận được báo cáo trong năm trước vì đạt ngưỡng 10%, nhưng năm hiện tại không đạt ngưỡng 10%, thì vẫn là bộ phận phải báo cáo trong năm hiện tại, nếu ban giám đốc đánh giá bộ phận này vẫn có tầm quan trọng trong năm tiếp theo.
- Nếu một bộ phận được xác định là có thể báo cáo trong năm nay do đạt ngưỡng 10% thì thông tin của bộ phận này năm trước cần phải được trình bày lại để cung cấp số liệu so sánh cho người sử dụng báo cáo, mặc dù bộ phận đó không đạt 10% trong năm trước, trừ khi không thể thực hiện được.
Cách thức trình bày báo cáo
Đối với bộ phận chính yếu
Theo Chuẩn mực Kế toán Việt
- DN phải trình bày doanh thu bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo. Doanh thu bộ phận từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng bên ngoài và từ các giao dịch với các bộ phận khác phải được báo cáo riêng biệt.
- DN phải trình bày kết quả bộ phận, tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận, nợ phải trả bộ phận, "tổng chi phí đã phát sinh trong niên độ để mua tài sản cố định - TSCĐ" - tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ (TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và các tài sản dài hạn khác), tổng chi phí khấu hao TSCĐ và phân bổ chi phí trả trước dài hạn của bộ phận trong niên độ đã được tính trong chi phí để tính kết quả bộ phận đối với mỗi bộ phận cần báo cáo.
- Khuyến khích DN trình bày bản chất và giá trị của các khoản doanh thu và chi phí có quy mô, tính chất và phạm vi ảnh hưởng đáng kể mà phần thuyết minh này là phù hợp để giải thích được hoạt động trong niên độ của mỗi bộ phận cần báo cáo.
- Đối với mỗi bộ phận cần báo cáo, DN phải trình bày tổng giá trị khoản chi phí lớn không bằng tiền, ngoại trừ chi phí khấu hao và chi phí phân bổ đã được thuyết minh theo quy định tại đoạn 56.
- Nếu DN đưa ra các thuyết minh về luồng tiền bộ phận theo Chuẩn mực số 24 thì không phải trình bày tổng chi phí khấu hao và chi phí phân bổ theo quy định tại đoạn 56 và các chi phí không bằng tiền theo quy định tại đoạn 59.
- DN phải trình bày bảng đối chiếu giữa số liệu của các bộ phận và số liệu tổng cộng trong báo cáo tài chính của DN hoặc báo cáo tài chính hợp nhất. Trong bảng đối chiếu này, số liệu không thuộc các bộ phận báo cáo phải được gộp vào một cột. DN phải đối chiếu doanh thu bộ phận so với tổng doanh thu bán hàng ra bên ngoài, trong đó nêu rõ số doanh thu bán hàng ra bên ngoài chưa được báo cáo ở bất kỳ bộ phận nào; kết quả kinh doanh của bộ phận với tổng kết quả kinh doanh của DN và với lợi nhuận thuần của DN; tài sản bộ phận phải được đối chiếu với tổng tài sản của DN; nợ phải trả của bộ phận phải đối chiếu với tổng nợ phải trả của DN.
Đối với bộ phận thứ yếu
- Doanh thu bộ phận bán hàng ra bên ngoài theo khu vực địa lý dựa trên vị trí của khách hàng, nếu doanh thu bán hàng ra bên ngoài của mỗi bộ phận đó chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu của DN bán hàng ra bên ngoài.
- Tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận theo vị trí của tài sản, nếu tài sản của mỗi bộ phận đó chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của toàn bộ các khu vực địa lý.
- Tổng chi phí đã phát sinh trong niên độ để mua TSCĐ - tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ theo vị trí của tài sản, nếu tài sản của bộ phận đó chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của các bộ phận.
- Nếu báo cáo bộ phận chính yếu được lập theo khu vực địa lý thì báo cáo bộ phận thứ yếu cũng phải thuyết minh các thông tin sau đối với lĩnh vực kinh doanh có doanh thu từ việc bán hàng ra bên ngoài chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu từ bán hàng ra bên ngoài của DN, hoặc tài sản bộ phận chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của các bộ phận: doanh thu bộ phận bán hàng ra bên ngoài; tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận và tổng chi phí phát sinh trong niên độ để mua TSCĐ - tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ.
- Nếu báo cáo bộ phận chính yếu được lập theo khu vực địa lý dựa trên vị trí của tài sản, và vị trí của khách hàng của DN khác với vị trí của tài sản của DN thì DN cần phải báo cáo doanh thu bán hàng ra bên ngoài cho mỗi bộ phận theo khu vực địa lý dựa trên vị trí của khách hàng mà doanh thu từ việc bán hàng cho khách hàng bên ngoài của nó chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu bán hàng ra bên ngoài của DN.
- Nếu báo cáo bộ phận chính yếu được lập theo khu vực địa lý dựa trên vị trí của khách hàng, và tài sản của DN được đặt tại các khu vực địa lý khác với khách hàng của DN, thì DN cần phải thuyết minh các thông tin dưới đây đối với mỗi khu vực địa lý dựa trên vị trí của tài sản mà doanh thu bán hàng ra bên ngoài hoặc tài sản của bộ phận đó chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu bán hàng ra bên ngoài hoặc tổng tài sản của DN: tổng giá trị còn lại của tài sản bộ phận theo khu vực địa lý của tài sản và tổng chi phí phát sinh trong kỳ để mua TSCĐ - tài sản bộ phận dự kiến sẽ sử dụng nhiều hơn một niên độ.