Cập nhật gần nhất cho thấy số lượng cổ đông của doanh nghiệp nhựa bao bì này lên tới hơn 870 người. Nhưng các cổ đông nhỏ lẻ cũng chỉ được tiếp cận thông tin trên trễ hơn 3 tháng so với các chủ nợ. Báo cáo quản trị năm 2019 của Saplastic công bố tới các cổ đông hoàn toàn không nhắc đến vấn đề trên.
Quyết định mở thủ tục phá sản đã có từ 3 tháng trước
Theo thông báo từ Công ty hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, CTCP Bao bì Nhựa Sài gòn (Saplastic) đang trong giai đoạn mở thủ tục phá sản và vẫn đang tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường dưới sự giám sát của thẩm phán, quản tài viên và Sen Việt ở vai trò doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản.
Quyết định mở thủ tục phá sản đã được Tòa án Nhân dân TP HCM ban hành vào cuối tháng 11/2019 sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Sản Xuất Thương Mại Tân Việt Sinh (Tavisco), một doanh nghiệp chuyên sản xuất sơn và mực in. Nhiều khả năng đây là một chủ nợ của Saplastic.
Tòa án đã đồng ý với yêu cầu trên do xét thấy có các căn cứ chứng minh Saplastic mất khả năng thanh toán. Các chủ nợ được yêu cầu phải gửi giấy đòi nợ cho Sen Việt trong vòng một tháng kể từ khi có thông tin mở thủ tục phá sản. Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp này đang có khối nợ phải trả có giá trị tới 886 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng nợ ngân hàng quá hạn tính tại thời điểm 30/6/2019 đã lên tới 644,5 tỷ đồng. Không chỉ ngân hàng, đối tác cho Saplastic cho thuê mặt bằng cũng từng cho biết doanh nghiệp đã không
Theo thứ tự phân chia tài sản được quy định tại Luật phá sản, chi phí phá sản và các khoản nợ được ưu tiên thanh toán trước. Các cổ đông sẽ được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Dấu hỏi công bố thông tin
Saplastic hoạt động trong lĩnh vực in bao bì với 10 thành viên HĐQT. Một nửa trong này là con của ông Dương Văn Xuyên, người sáng lập cũng là cựu Chủ tịch HĐQT công ty, từng có thời gian giữ vị trí phó chủ tịch trong Hiệp hội Nhựa TP HCM.
Công ty đã sớm đại chúng hóa và niêm yết trên HNX từ năm 2008. Theo cập nhật gần nhất vào tháng 9/2018, số lượng cổ đông của công ty là hơn 870 người. Việc công ty đứng sát bờ vực phá sản đến tai các cổ đông nhỏ lẻ sau chủ nợ tới 3 tháng.
Trong Báo cáo quản trị năm 2019 vừa được gửi vào ngày 12/1/2020, công ty cũng không đề cập đến quyết định trên của tòa án. Hoạt động giám sát của Ban kiểm soát hồi đầu tháng 1 khẳng định không phát hiện bất cứ trường hợp bất thường nào trong các hoạt động của thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc và các cán bộ quản lý khác trong năm 2019.
Dù vậy, các con số lại đang phản ánh một thực tế khác. Bên cạnh gần 645 tỷ đồng nợ đến hạn chưa trả được, hoạt động kinh doanh năm 2019 của Saplastic lao dốc với doanh thu sụt giảm tới 70% so với cùng kỳ và khoản lỗ 9 tháng đầu năm là 2,65 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn “nợ” báo cáo tài chính quý IV dù thời hạn nộp báo cáo đã qua lâu.
Trước đó, Saplastic là doanh nghiệp có doanh thu từng vượt nghìn tỷ đồng doanh thu, với giá trị thu được trong năm 2018 đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hơn 20% kể từ khi lên HNX. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 dù giảm hơn 43% nhưng vẫn lãi, đạt hơn 12 tỷ đồng.
Công ty này thường xuyên duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao với tỷ lệ nợ thường xuyên trên 70% nguồn vốn. Phần lớn nợ của công ty là đi vay ngân hàng (715 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho Saplastic vay hơn 399.5 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, thực hiện hợp đồng L/C.
Đây là khoản nợ lớn nhất của công ty được thế chấp bằng nhà máy sản xuất của Saplastic cùng quyền sử dụng đất và nhà ở của thành viên HĐQT Dương Quốc Thái và vợ. Ngoài ra, quyền sử dụng đất và nhà ở tại 105 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM của ông Dương Văn Xuyên và bà Phan Thị Ngào cũng được đem thế chấp trong khoản vay này.
Giữa tháng 5/2019, dù đang đứng trước các khoản vay đến hạn không trả được, công ty còn lên kế hoạch tăng vốn thông qua hình thức chào bán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Long An. Trong một báo cáo giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh dẫn đến kiểm toán phải đưa ra ý kiến ngoại trừ giữa năm 2019, Saplastic còn đưa ra thông tin đã và đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group của Mỹ để thu hút vốn đầu tư.
Cụ thể, công ty đề cập dự tính bán 51% vốn cổ phần cho PHI Group và thu về khoảng 50 triệu USD. Với số tiền thu được này, công ty dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Saplastic không thể triển khai được đợt chào bán ra công chúng, kế hoạch bán vốn cho đối tác Mỹ cũng chưa được nhắc lại thêm.
Giá cổ phiếu SPP từng có lúc leo lên hơn 15.000 đồng/cp nhưng đến nay đã giảm còn chưa bằng giá cốc trà đá. Thông tin tiêu cực trên tiếp tục kéo cổ phiếu giảm kịch sản, hiện đóng cửa tại mức giá 1.100 đồng/cp.