Xuất khẩu xi măng trực tiếp tại cầu cảng Nhà máy xi măng Thăng Long (Quảng Ninh)
Số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker là 21,1 triệu tấn chứ không phải xấp xỉ 20 triệu tấn như ước tính của Hiệp hội Xi măng Việt Nam trước đó. Tổng giá trị xuất khẩu là 912,4 triệu USD.
Với tổng kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 8,4 triệu tấn xi măng và clinker, tổng giá trị nhập khẩu 322,7 triệu USD, Bangladesh đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành xi măng Việt Nam, chiếm 35,3% tổng trị giá xuất khẩu xi măng và clinker trong năm 2014.
Indonesia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 với 2,6 triệu tấn, trị giá 123 triệu USD, tiếp đến là Malaysia gần 1,3 triệu tấn, trị giá 62 triệu USD, Phillipine đứng thứ 4 với 44,2 triệu USD, Chi Lê 31,1 triệu USD, Campuchia 27,5 triệu USD, Lào 23,1 triệu USD, Australia 20,6 triệu USD, Peru 20,4 triệu USD, Sri lanka 10,7 triệu USD.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với 912,4 triệu USD giá trị xuất khẩu xi măng, clinker đã thu về trong năm 2014 được xem là nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đồng thời giúp bình ổn cán cân thương mại.
Đáng chú ý, giá trị đạt cao hơn so với khoảng 2 năm trở lại đây. Giá xuất xi măng bình quân hiện ở mức 43,155 USD/tấn sản phẩm. Mức giá này tăng khoảng 2 USD/tấn sản phẩm.
Như vậy, giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang dần cân bằng và tương đương với giá của mặt bằng xuất khẩu chung giữa các nước trong khu vực.
Kết quả này cũng cho thấy, hoạt động xuất khẩu của ngành xi măng đã đi vào nề nếp, chất lượng sản phẩm đã ổn định và được thị trường ghi nhận.
Quan trọng hơn, công cuộc xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành như Vicem, The Vissai, Thăng Long, Cẩm Phả…đã giúp vẽ nên bản đồ xuất khẩu xi măng của Việt Nam, đặc biệt ở thị trường Đông Nam Á và một số nước khu vực Trung Đông.
Với kết quả đạt được trong năm qua, năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker chắc chắn sẽ vượt xa mốc 1 tỷ USD, dự kiến đạt khoảng 1,150 tỷ USD.