“Nổ” tiện ích
Năm 2017, khi mở bán dự án Him Lam Phú An, quận 9 (TP.HCM) gồm hơn 1.200 căn hộ, chủ đầu tư quảng cáo dự án có gần 40 tiện ích sống, trong đó có phân khu nướng BBQ ngoài trời, cảnh quan xung quanh dự án toàn cây xanh.
Cuối năm 2019, dự án được bàn giao và người dân về ở, từ đây, cư dân phát hiện ra tiện ích thực sự của dự án không như chủ đầu tư vẽ ra.
Theo những người dân sống tại dự án, khu BBQ ngoài trời, chủ đầu tư đã cắt bỏ mà người dân không biết, khi cư dân hỏi thì chủ đầu tư nói đã cắt bỏ vì không phù hợp với chung cư.
Bên cạnh đó, thay vì cây xanh quanh chung cư, người dân lại gặp ngay một nhà máy sản xuất giấy sát cạnh chung cư gây ô nhiễm môi trường, cách đó 200 m là một bãi tập kết rác toàn khu vực gây mùi hôi thối khó chịu. Trong khi lúc mở bán dự án, chủ đầu tư nói đây là dự án đáng sống, không khí trong lành…
Hay tại khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9) do Công ty cổ phần Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 116.000 m2 với 350 nền, gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liên kế có vườn và nhiều tiện ích... Một trong những tiện ích được duyệt trong dự án là công viên cây xanh rộng gần 10.000 m2. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao nhà cho khách hàng, những khu đất để triển khai các hạng mục tiện ích trên đang được chủ đầu tư “nhường” cho cỏ mọc, rác thải, xuống cấp nặng nề.
Cũng “nổ” về tiện tích là Khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông do Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư. Khi bán dự án, chủ đầu tư quảng cáo với khách hàng và có trong thiết kế là dự án có công viên - thể dục thể thao khá lớn cho người dân. Tuy nhiên, khi người dân về ở mới phát hiện ra chủ đầu tư “nổ” cho có, chứ thực tế đất công viên đã bị chủ đầu tư mang cho thuê làm sân tennis, bãi giữ xe ô tô và quán bán cà phê…
Việc “nổ” tiện ích cũng xảy ra tại Chung cư Khang Gia Gò Vấp (phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Theo cư dân, lúc mở bán, dự án được chủ đầu tư giới thiệu mật độ xây dựng có 36,7%, còn lại hệ thống công viên cây xanh, sân tập thể dục thể thao, hồ bơi, đường nội khu... Thế nhưng, đến nay đã nhiều năm đưa vào sử dụng, những khu đất để xây dựng các tiện ích trên chỉ là những bãi đất trống hoang tàn cỏ dại.
Một dự án có tiện ích đi kèm nhưng cư dân không mấy vui vẻ là Khu đô thị Dịch vụ thương mại Nam Long (phường Tân Thuận Đông, quận 7). Theo bản vẽ quy hoạch trước đó, các khu vực xây dựng công trình tiện ích đều đẹp, sang trọng với vô số tiện ích đi kèm. Tuy nhiên, khi dự án bàn giao cho cư dân đưa vào sử dụng, các tiện ích đi kèm như trường học, công viên, siêu thị... vẫn còn nằm trên giấy.
Hay như dự án King Bay tại tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư còn vẽ ra hẳn một bãi tắm tại sông Đồng Nai nơi dự án hướng tới, hay dự án của Công ty cổ phần Nhà Mơ tại quận 8, TP.HCM, dù con kênh ô nhiễm, đen ngòm và nhỏ, nhưng chủ đầu tư vẽ ra đây là con kênh xanh có bến du thuyền….
Bệnh “nổ” cần được điều trị
Câu chuyện “nổ” tiện ích khi bán hàng hiện nay ở các dự án bất động sản đang diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, làm doanh nghiệp bất động sản mà “nổ” thì lợi ít mà hại sẽ rất lớn.
Ông Võ Văn Toàn, giảng viên khoa Maketing Trường đại học Tài chính Maketing TP.HCM cho rằng, việc quảng cáo dự án bất động sản để bán hàng là điều mà các doanh nghiệp ngành địa ốc luôn làm. Để bán được hàng, ngoài vị trí dự án, thì doanh nghiệp phải đưa tiện ích vào dự án. Dự án càng nhiều dự án thì doanh nghiệp càng dễ quảng cáo, bàn hàng và đẩy giá nhà lên theo số lượng tiện ích.
“Thế nhưng, khi bán xong hàng thì doanh nghiệp cũng quên luôn tiện ích của dự án. Có nhiều tiện ích được doanh nghiệp quảng cáo quá đỗi xa vời, không phù hợp với kết cấu của dự án. Đơn cử như một dự án tại quận 9 quảng cáo khu BBQ ngoài trời ở công viên, tuy nhiên khu đó lại là khu vui chơi của trẻ em thì không thể nào để người dân nướng đồ ăn tại khu vui chơi, vậy là tiện ích đó phải bỏ”, ông Toàn nói.
Còn ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, việc có người thích “nổ” là chuyện không hiếm, nhưng việc doanh nghiệp “nổ” tiện ích với mục tiêu bán được hàng đang diễn ra khá nhiều.
Tuy nhiên, họ không biết được rằng, việc “nổ” tiện ích để bán được hàng, sau đó khi nhận nhà mà các tiện ích đó không có thì tác dụng phụ sẽ rất lớn, đó là khách hàng mất lòng tin vào chủ đầu tư. Thậm chí, họ sẽ kiện chủ đầu tư để yêu cầu phải cung cấp các tiện ích mà họ đã hứa có khi bán hàng.
Tất nhiên, người mua nhà cũng cần lưu ý chỉ có những tiện ích có trong hợp đồng mới có giá trị pháp lý để chủ đầu tư tuân theo chứ không phải những lời giới thiệu hay hình ảnh được môi giới hay chủ đầu tư trưng ra.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp dựa vào các kẽ hở của pháp luật để “vẽ” ra các tiện ích không có thật nhằm thu hút khách hàng. Các loại hợp đồng mà chủ đầu tư đưa ra đều có lợi cho chủ đầu tư và thiệt hại luôn thuộc về người mua. Thế nhưng, do khách hàng đa số là nhà đầu cơ, lướt sóng nên họ không quan tâm đến giá trị thật sự của tiện ích, mà chỉ nhanh chóng ký hợp đồng để có suất bán lại.
"Trước khi ký kết hợp đồng mua sản phẩm tại một dự án, người mua cần đọc kỹ các hạng mục có và không có trong dự án chứ không phải nhìn vào việc quảng bá sản phẩm. Với những trường hợp chủ đầu tư cam kết tiện ích trong hợp đồng nhưng chưa thực hiện, khách hàng có quyền không nhận nhà và buộc chủ đầu tư bồi thường vi phạm”, ông Phượng nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com