Theo các vị lãnh đạo thành phố, để bảng giá đất có thể điều chỉnh được giá thị trường và sát với giá thị trường thì còn là câu chuyện xa vời ...
Đã vượt khung Chính phủ
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một trong những căn cứ để xây dựng bảng giá đất 2012 là khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của thành phố đã ban hành 2011. Trên thực tế, bảng giá đất 2011 của Hà Nội có những vị trí, đường phố đạt mức tối đa của khung giá Chính phủ quy định.
Cụ thể, giá đất thuộc các quận có mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2, giá đất ven các trục đầu mối giao thông có giá cao nhất 11.250.000 đồng/m2, giá đất ở khu dân cư nông thôn có giá cao nhất 2.250.000 đồng/m2... các loại đất trên đều có mức giá vượt khung giá của Chính phủ 20%.
Là người được giao phụ trách các vấn đề liên quan đến đất của thành phố, ông Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP) cho biết, việc ban hành bảng giá đất 2012 theo định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát và ổn định thị trường bất động sản. Ông Khanh cho rằng, giá đất 2012 phải đảm bảo các yếu tố như, bảo đảm môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, đáp ứng lợi ích cho những người thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Ông Khanh nói: "Về giá đất phục vụ cho việc thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất... đã có Hội đồng tư vấn độc lập, họ khảo sát giá thị trường rồi đưa ra mức giá và cơ quan quản lý nhà nước mới quyết định. Chứ không phải lấy nguyên trong khung giá, khung giá chỉ là một căn cứ. Nên không sợ chuyện doanh nghiệp mua đất giá thấp rồi bán lại giá cao".
Theo ông Vũ Hồng Khanh, bảng giá đất 2012 có tinh thần chung đối với giá đất nông nghiệp là không thay đổi, đất ở chỉ điều chỉnh cục bộ tại một số khu vực mà thành phố đã đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị của đất tại khu vực đó, đất phi nông nghiệp thì "ăn theo đất ở", khi đất ở lên thì đất phi nông nghiệp ở gần đất ở cũng được nâng lên.
Nhưng vẫn cách xa thị trường
Tại buổi họp bàn, câu chuyện thế nào là giá thị trường và sát giá thị trường cũng được các đại biểu thẳng thắn bàn luận. Phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, về bản chất thì giá của bảng giá đất hàng năm do thành phố xây dựng và ban hành là sát với giá thị trường. Nhưng bảng giá đất cũng lại bị khống chế bởi khung giá của Chính phủ. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Hà Ninh thông tin thêm, bảng giá bị hạn chế trong khung giá đất của Chính phủ và hiện nay đã làm hết khung.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, diễn biến trên thị trường bất động sản từ đầu năm 2011 tới nay cho thấy tác động tích cực của bảng giá đất đối với ổn định kinh tế xã hội Thủ đô, ổn định thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông Thảo cũng chỉ ra, trên thực tế giá đất thị trường bất động sản cũng có những biến động âm ỉ, những hiện tượng giá về đất đai, ví dụ có những khu vực giao dịch thực tế của thị trường lên tới 500 - 600 trăm triệu đồng/m2 mà khung ban hành giá chỉ có 60 triệu/m2... "Do đó để bảng giá đất có thể điều chỉnh được giá thị trường và sát với giá thị trường thì còn là câu chuyện xa vời", ông Thảo thẳng thắn nhận định.
Ông Thảo cho rằng, việc ban hành giá đất là bài toán mang tầm quốc gia bởi liên quan đến vấn đề sở hữu và có tác động ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Ông dẫn chứng, cùng một thửa đất, nhưng khi thu hồi một nửa để làm đường thì có mức giá đền bù khác, nửa còn lại lấy làm kinh doanh lại có mức giá khác, trong khi không thể xây dựng một chính sách như thế, do đó làm nảy sinh các mâu thuẫn xã hội...
Cũng theo ông Nguyễn Thế Thảo, bảng giá đất 2012 cần bổ sung các cơ chế chính sách để khắc phục những vấn đề trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với các hộ gia đình cá nhân như thuế trước bạ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giao đất cho thuê đất, đầu tư dự án kinh doanh, đầu tư theo hình thức BT...
" Đó là những hạn chế mà trong quá trình thực hiện bảng giá đất năm 2011 chúng ta gặp phải, do đó cần có một bộ quy định để làm cơ sở cho Hội đồng xây dựng giá có căn cứ để xây dựng", ông Thảo nói.
Ý nghĩa của Bảng giá đất còn rất ít
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Thường trực, kiêm Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội, trước đây bảng giá đất công bố hàng năm làm căn cứ cho mọi việc liên quan đến định giá đất nhưng bây giờ ý nghĩa của nó còn lại rất ít.
Hiện nay bảng giá đất được dùng trong việc tính thuế đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ khi mua bán và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các công việc khác liên quan đến đất như thuê đất, giao đất, GPMB, tính giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa… đều tính lại theo giá thị trường tại thời điểm đó. |