Câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng có bị xung đột lợi ích khi bán các sản phẩm bảo hiểm, thể hiện rõ nhất ở doanh thu từ việc kinh doanh sản phẩm truyền thống của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng từ sức hút của các sản phẩm bảo hiểm? Nhất là khi nhiều sản phẩm bảo hiểm cũng mang tính tiết kiệm, đầu tư giống như các sản phẩm tại các ngân hàng.
Tại buổi ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm - ngân hàng giữa Công ty BHNT Prudetial Việt Nam (PVN) và VPBank mới đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank hy vọng sẽ không có sự mâu thuẫn khi bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Thay vào đó, ngoài DN bảo hiểm, khách hàng mua bảo hiểm và cả ngân hàng đều được hưởng lợi ích từ dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trọn gói này. Đây cũng là hợp đồng cho phép nhân viên ngân hàng được phép bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, khác biệt với các hợp đồng đã ký với 6 ngân hàng trước đây của PVN.
"Sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù là bảo vệ và tiết kiệm. Gọi là bảo vệ và tiết kiệm vì nếu có rủi ro, khách hàng được chi trả số tiền bảo hiểm lớn, còn không sao sẽ được trả lại phí + lãi (nên gọi là tiết kiệm). Thời gian của mỗi gói sản phẩm bảo hiểm cũng tương đối dài", ông Hưng phân tích và cho biết thêm, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất do phía bảo hiểm chi trả. Thực tế, trong danh mục sản phẩm bảo hiểm khá phong phú của mình, phía DN bảo hiểm đã cùng ngân hàng lựa chọn ra số sản phẩm phù hợp với đặc thù của ngân hàng trên cơ sở điều tra kỹ lưỡng từ phía khách hàng.
Giới kinh doanh bảo hiểm cũng đồng quan điểm khi cho rằng, chưa thấy xung đột lợi ích với hợp đồng hợp tác bancassurance. Ngoài ra, nhân viên ngân hàng trực tiếp làm tư vấn bảo hiểm còn có thêm cơ hội gia tăng thu nhập (từ sản phẩm bảo hiểm đính kèm với các sản phẩm truyền thống của ngân hàng). Tất nhiên, số nhân viên ngân hàng này trước khi tư vấn cho khách hàng của mình (về lập kế hoạch tài chính và cung cấp các giải pháp mua sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho khách hàng), phải trải qua quá trình lựa chọn, đào tạo và cấp chứng chỉ bảo hiểm. Và hợp đồng bancassurance đó phải quy định nhân viên ngân hàng trực tiếp bán sản phẩm, vì hợp đồng thông thường chỉ cho phép nhân viên bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm, chứ không phải nhân viên ngân hàng. Đó là chưa kể việc khách hàng hiện tại của các DN bảo hiểm sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng của ngân hàng trong tương lai.
Ông Jack Howell, Tổng giám đốc PVN cho rằng, hiện tại DN này trực tiếp thu tiền bảo hiểm cho khách hàng, nhưng khi khách hàng thực hiện giao dịch tại VPBank (dù chỉ là đóng phí bảo hiểm) thì cũng là lúc khách hàng đó trở thành khách hàng của VPBank. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng này có cơ hội thu hút thêm khách hàng mới từ mạng lưới 130 chi nhánh và phòng giao dịch trong cả nước của PVN.
Ngoài ra, theo định kỳ, khối ngân hàng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, ưu đãi… đối với từng nhóm khách hàng, đó cũng chính là cơ hội để các DN bảo hiểm nghiên cứu triển khai các chính sách ưu đãi trong từng giai đoạn nhất định gắn với định hướng hoạt động của ngân hàng.
Hình thức bancassurance vốn đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nước. Theo thông lệ quốc tế, trong hợp đồng hợp tác bancassurance sẽ có một điều khoản phòng ngừa xung đột lợi ích của nhau, bảo mật thông tin…, bên cạnh thỏa thuận mức độ ăn chia, hoa hồng. Ở trong nước, nhiều ngân hàng cũng không ngại bỏ chi phí để thuê luật sư có uy tín tư vấn và hỗ trợ pháp lý từ quá trình nghiên cứu, soạn thảo hợp đồng cho đến lúc hợp đồng chính thức ký kết. Những đơn vị còn lại (không thuê luật sư) cùng các DN bảo hiểm cũng thận trọng không kém khi tham vấn, tìm hiểu thông tin khá lâu để đưa vào các điều khoản, nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của mình vào hợp đồng như một cam kết chắc chắn về việc chống "lấn sân" lợi ích.
Nhiều ý kiến cho rằng, bancassurance có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Doanh thu phí từ hợp đồng mới do kênh bancassurance mang lại trong năm 2008 chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng doanh thu phí từ hợp đồng mới toàn ngành bảo hiểm, trong khi tại Singapore con số này xấp xỉ 20%; Hồng Kông gần 30%; Malaysia và Trung Quốc là gần 10% (theo tổng hợp của PVN).
Do vậy, có nhiều lý do để tin rằng, sẽ không quá đáng lo ngại đối với ngân hàng cũng như với cả DN bảo hiểm xét trên nhiều khía cạnh, kể cả mâu thuẫn lợi ích, khi hợp tác cung cấp sản phẩm bancassurance. Và một điều hiển nhiên là khách hàng sẽ là người được hưởng lợi trước tiên từ cơ hội được cung cấp một sản phẩm trọn gói (tài chính - bảo hiểm - ngân hàng) ngay tại ngân hàng và hưởng lãi theo giá trị của từng hợp đồng.
Diệu Trang