Doanh thu sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư luôn chiếm tỷ trọng cao.

Doanh thu sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư luôn chiếm tỷ trọng cao.

Bancassurance xáo trộn trước giờ “G”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty bảo hiểm đang rốt ráo chuyển đổi sản phẩm để thay thế các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đang bán qua ngân hàng khi có thể bị buộc phải hạn chế bán trong thời gian tới theo quy định mới.

Lựa chọn của khách hàng sẽ bị thu hẹp

Điều 16 về “Hoạt động đại lý bảo hiểm” tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN có quy định hạn chế ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024.

Theo nhiều nguồn tin, ngoài phương án hạn chế bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm cả sản phẩm liên kết chung - ULP và liên kết đơn vị - ILP), hiện có thêm một phương án khác là chỉ hạn chế bán sản phẩm ILP.

Tuy nhiên, dù là phương án nào được thực hiện trong thời gian tới đây thì các quy định mới này cũng làm thay đổi việc triển khai và phát triển sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) của các công ty bảo hiểm.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tỷ lệ bán qua kênh ngân hàng của 2 sản phẩm trên tại các công ty bảo hiểm khá cân bằng, với khoảng 60% sản phẩm ULP và 40% sản phẩm ILP.

Để thích nghi với quy định mới, các công ty bảo hiểm đã triển khai bán thêm nhiều sản phẩm dành cho kênh này, trong đó chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với tiêu chí là thiết kế đơn giản, dễ hiểu, thời gian đóng phí ngắn, quyền lợi bảo hiểm dài.

“Chúng tôi mới triển khai thêm một sản phẩm bảo hiểm tử kỳ qua kênh đối tác ngân hàng và dự kiến giữa tháng 7/2024 sẽ ra mắt một sản phẩm khác cũng dành cho kênh này”, đại diện một công ty bảo hiểm cho hay.

Thực tế, dự báo sớm việc các sản phẩm bảo hiểm đầu tư qua kênh ngân hàng sẽ bị hạn chế bán qua kênh bancassurance, ngoài việc đưa thêm vào dòng bảo hiểm tử kỳ, các công ty bảo hiểm cũng đã triển khai các sản phẩm khác thuộc dòng bảo hiểm hỗn hợp.

Dù vậy, theo một chuyên gia trong ngành, động thái hạn chế trên sẽ dẫn đến dịch chuyển sự lựa chọn của khách hàng khi họ buộc phải tham gia các sản phẩm khác để được ưu đãi lãi suất vay.

Vị này cho rằng, dòng sản phẩm tử kỳ bảo hiểm người đi vay nên việc tham gia sản phẩm này là phù hợp bởi nếu không may rủi ro xảy đến với người vay vốn thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra trả nợ khoản vay cho ngân hàng. Ngoài ra, đây cũng là sản phẩm có mức phí thấp.

“Tuy nhiên, việc hạn chế bán các sản phẩm ULP hoặc ILP, hay một số biện pháp khác từng được triển khai trước đó vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tỷ lệ duy trì hợp đồng qua kênh ngân hàng còn ở mức thấp. Bất kỳ công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng mong muốn tỷ lệ duy trì phí tái tục càng cao càng tốt, nhưng phần lớn sản phẩm bán qua kênh bancassurance của các nhà bảo hiểm đầu ngành đều có tỷ lệ thấp”, vị chuyên gia trên cho hay.

Số lượng hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư mới dự báo giảm mạnh

Trước đó, thảo luận xung quanh quy định hạn chế bán bảo hiểm liên kết đầu tư qua kênh ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ khiến cả công ty bảo hiểm lẫn khách hàng cùng chịu thiệt, khi việc triển khai bán sản phẩm của các công ty bảo hiểm sẽ không còn thoải mái như trước, còn khách hàng cũng có ít lựa chọn hơn ngoài các sản phẩm bảo hiểm tử kỳ hoặc hỗn hợp.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33.553 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việc hạn chế bán các sản phẩm ULP hay ILP hay một số biện pháp khác từng được triển khai trước đó vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tỷ lệ duy trì hợp đồng qua kênh ngân hàng còn ở mức thấp.

Trong đó, sản phẩm ULP chiếm tỷ trọng 57,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp là 16,3%; sản phẩm ILP là 12,2%; sản phẩm bán kèm là 12%; các sản phẩm còn lại (gồm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2%.

Số lượng hợp đồng khai thác mới 3 tháng năm đầu năm nay đạt 342.844 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 40,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 58,6% và giảm 41,6% (trong đó, sản phẩm ULP chiếm tỷ trọng 51,6% và giảm 26%; sản phẩm ILP chiếm tỷ trọng 7% và giảm 77,2%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 29,6% và giảm 46%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 6,8% và tăng 416,7%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại (gồm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm trọn đời) chiếm tỷ trọng 5,1% và giảm 59,2 %.

Số lượng hợp đồng bán mới cũng như doanh thu phí bảo hiểm mới từ các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư có thể tiếp tục giảm sút khi quy định mới chính thức thực thi.

Theo dự thảo Thông tư, cùng với điều khoản hạn chế bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đối với Điều 26 - điều khoản chuyển tiếp cho phép các hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận được ký kết trước ngày dự thảo có hiệu lực thi hành phù hợp với phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ký kết hợp đồng; ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận đó cho đến hết thời hạn của hợp đồng, giao dịch khác...

Trước ngày có hiệu lực, các giấy phép hoạt động đại lý của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp không có các hạn chế về dòng sản phẩm bảo hiểm được phân phối theo dự thảo Thông tư.

Các doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng đại lý với các ngân hàng thương mại để phân phối sản phẩm bảo hiểm trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2022 và dự thảo Thông tư có hiệu lực dựa trên các điều kiện pháp luật và thị trường tại thời điểm ký kết các hợp đồng đó.

Việc thay đổi quy định pháp luật sẽ dẫn tới các thay đổi cơ bản các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, chiến lược thị trường của các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng như các ngân hàng thương mại.

Do vậy, IAV đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2022 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định cũ, chưa áp dụng quy định của Điều 16 - Dự thảo Thông tư cho đến hết thời hạn của hợp đồng đại lý bảo hiểm, không tính thời gian gia hạn của các hợp đồng này.

Tin bài liên quan